Biến thể B1351 được phát hiện ở Nam Phi. Trong ảnh: cảnh sát Nam Phi đề nghị du khách thực hiện giãn cách giữa biên giới Nam Phi với Zimbabwe - Ảnh: AFP
Trung tuần tháng 12-2020, GS miễn dịch học Jean-François Delfraissy - chủ tịch hội đồng khoa học COVID-19 (Bộ Y tế Pháp) - lên tiếng trấn an rằng biến thể mới của virus corona ở Anh chỉ là "virus corona có nhiều đột biến nhỏ" nhưng không khiến bệnh COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn.
Sau đó, trong phát biểu trên kênh truyền hình France 2 hôm 6-1, ông đã phải thay đổi cách đánh giá và kêu gọi ngăn chặn khẩn cấp biến thể mới ở Anh.
Các nước lo ngại ba biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gồm B117 (phát hiện ở Anh), B1351 (phát hiện ở Nam Phi) và B11248 (phát hiện ở Nhật nhưng có nguồn gốc ở Brazil) do chúng lây nhiễm nhanh.
Chúng có chung một đặc điểm quan trọng. Đột biến xảy ra tại protein gai (vùng gene N501Y) làm tăng khả năng liên kết hóa học giữa virus và các tế bào nên quá trình lây nhiễm xảy ra nhanh hơn.
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận hiện chưa có bằng chứng khoa học xác thực về khả năng lây nhiễm cao của các biến thể virus mới nhưng có nhiều dấu hiệu dẫn đến kết luận này.
Nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London (Anh) kết luận mức lây nhiễm của biến thể B117 cao hơn từ 50-74% so với phần lớn các virus SARS-CoV-2 đang hoành hành từ đầu đại dịch đến nay.
Biến thể mới của SARS-CoV-2 lây nhiễm nhanh hơn, vậy có thể gây tử vong nhiều hơn so với các biến thể khác tương ứng hay không?
GS dịch tễ học Adam Kucharski ở Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London đánh giá nếu so sánh giữa virus dễ lây nhiễm và virus có độc lực cao, cuối cùng virus dễ lây nhiễm có thể gây tử vong nhiều hơn.
GS Adam Kucharski - Ảnh: inverse.com
Giả định có một biến thể virus corona gây tử vong cao hơn 50% so với SARS-CoV-2 ban đầu, tỉ lệ tăng 50% này sẽ không đổi theo thời gian.
Ngược lại, biến thể SARS-CoV-2 có mức lây nhiễm cao gây hậu quả nghiêm trọng hơn vì một người bị nhiễm sẽ lần lượt lây nhiễm cho nhiều người khác nữa.
Hôm 12-1, GS Adam Kucharski đã đăng trên Twitter các biểu đồ minh họa làm sáng tỏ thêm mối nguy hiểm của ba chủng biến thể mới.
Ông đưa ra ba kịch bản như sau:
1. Nếu hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) là 1,1, nguy cơ tử vong là 0,8% và thời gian lây bệnh là 6 ngày với 10.000 người bị nhiễm, coronavirus thông thường sẽ gây ra 129 ca tử vong trong 30 ngày lây truyền tự do.
2. Nếu nguy cơ tử vong tăng lên 50%, số ca tử vong sẽ tăng lên 193 người, tức tăng hơn 64 người.
3. Nếu mức lây nhiễm tăng lên 50%, số ca mắc bệnh sẽ tăng nhanh dẫn tới… 978 ca tử vong.
Ba kịch bản của GS Adam Kucharski được giới thiệu trên kênh truyền hình LCI (Pháp) hôm 12-1 - Ảnh: LCI
GS Adam Kucharski kết luận: "Một biến thể của corona có nguy cơ lây nhiễm cao hơn 50% nói chung sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với một biến thể có nguy cơ tử vong cao hơn 50%".
Ngoài ra, biến thể SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm còn có thể kích thích số ca mắc COVID-19 tăng theo cấp số nhân, từ đó kéo theo số ca nhập viện tăng lên dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận