Đợt dịch virus Ebola thứ 12 kéo dài ba tháng ở CHDC Congo kết thúc vào đầu tháng 5-2021 - Ảnh: AP
Một ngày nọ, ông khoác trang phục bảo hộ bước vào phòng cách ly bế một bé trai bụ bẫm và cho em bình sữa. Hai ngày sau, bé trai tử vong. Nỗi ám ảnh về những cái chết không thể ngăn chặn cứ mãi đeo đuổi ông.
Thật kinh khủng khi biết chúng tôi có thứ gì đó có thể ngăn chặn cơn dịch bùng phát nhưng chẳng thể làm gì hơn.
TS STEVEN JONES
"Chúng ta làm không đủ nhanh"
Virus Marburg và virus Ebola đều thuộc họ virus filoviridae gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó virus Ebola gây tử vong cao hơn. Trong bốn chủng virus Ebola gây bệnh cho người, chủng Zaire ebolavirus (EBOV) gây tử vong cao nhất (từ 70%-90% số ca mắc bệnh).
Tháng 10-1976, tức hai tháng sau ca mắc Ebola đầu tiên ở Zaire (nay là CHDC Congo), ba phòng thí nghiệm ở Mỹ, Anh và Bỉ đã phân lập được virus Ebola. Sau đó, nhiều nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu tìm vắc xin ngừa Ebola. Tuy nhiên đến cuối những năm 1990, vắc xin vẫn bặt vô âm tín.
Vốn say mê miễn dịch học và thiết kế thí nghiệm trên động vật, TS Steven Jones đã miệt mài nghiên cứu hai loại virus Ebola và Marburg tại phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia thuộc Cơ quan Y tế công cộng Canada. Động cơ trước mắt của họ chỉ là bào chế một loại vắc xin có khả năng ngăn ngừa virus Ebola để bảo vệ chính họ.
TS Jones giải thích với tạp chí Frontline (Mỹ): "Chúng tôi muốn thứ gì đó có thể bảo vệ chúng tôi khỏi chết nếu vô tình bị kim tiêm đâm phải trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với virus Ebola và kim tiêm, do đó có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao".
Ông đề xuất chính phủ Canada tài trợ 6 triệu USD để thực hiện dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc xin ngừa virus Ebola trên người. Do họ chỉ nhận được 2 triệu USD nên vắc xin chỉ được thử nghiệm trên khỉ macaque rồi dừng lại.
Đến tháng 6-2005, tạp chí Nature Medicine công bố nghiên cứu của TS Jones cùng TS Heinz Feldmann và TS Thomas Geisbert ở Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quân y Mỹ (USAMRIID).
Nghiên cứu khẳng định vắc xin thử nghiệm đã đạt hiệu quả 100% trong quá trình kích hoạt hệ miễn dịch của khỉ chống hai virus Ebola và Marburg. Vắc xin thử nghiệm được mang tên "Virus mụn nước gây viêm miệng tái tổ hợp - virus Ebola ở Zaire" (rVSV-ZEBOV).
Tuy vắc xin chưa qua thử nghiệm trên người, nhưng TS Jones cùng các cộng sự vẫn mang một số lọ thử nghiệm sang Angola. Ông giải thích: "Nếu chúng tôi gặp sự cố lây nhiễm, chắc chắn chúng tôi phải dùng đến số vắc xin đó để cứu mình. Thật kinh khủng khi biết chúng tôi có thứ gì đó có thể ngăn chặn dịch bùng phát nhưng chẳng thể làm gì hơn".
Với mong muốn đưa vắc xin rVSV-ZEBOV ra thị trường, TS Jones và các đồng nghiệp đã cố công tìm kiếm công ty dược phẩm bỏ vốn đầu tư thử nghiệm trên người và sản xuất vắc xin.
Một bài báo nhỏ với tiêu đề "Tìm kiếm nhà sản xuất vắc xin ngừa Ebola và Marburg" đã được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada. Bài báo không có phản hồi nào tích cực!
Một thời gian sau, TS Jones chuyển sang làm việc trong khu vực tư nhân. Ông được mời đến Sierra Leone cùng với Văn phòng tư vấn McKinsey (Mỹ) để hỗ trợ Sierra Leone đối phó với dịch Ebola đang bùng phát ở Tây Phi.
Lúc bấy giờ ông tâm sự: "Gần 11 năm sau, chúng tôi đến và lại nhìn thấy hàng ngàn người tử vong. Chúng ta làm không đủ nhanh. Vắc xin vẫn chưa sẵn sàng".
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã dồn hết tâm huyết nghiên cứu vắc xin ngừa virus Ebola nhưng vắc xin đã bị lãng quên. Các hãng dược không mảy may quan tâm tới vắc xin này vì đủ thứ lý do như không có khả năng thu hồi vốn phát triển vắc xin, thiếu vốn đầu tư hoặc họ không quan tâm đúng mức do các đợt dịch Ebola chỉ bùng phát lẻ tẻ nên ít có cơ hội thử nghiệm vắc xin trên hàng chục ngàn người.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Ebola tại Gueckedou (Guinea) vào tháng 2-2021 - Ảnh: AFP
Kinh doanh hay sinh mạng?
Năm 2010, Chính phủ Canada đã cấp phép độc quyền sản xuất và kinh doanh vắc xin rVSV-ZEBOV cho một công ty nhỏ ở Mỹ tên là NewLink Genetics (NewLink) với giá 205.000 USD trong khi chi phí nghiên cứu vắc xin này đã lên đến 5,3 triệu USD.
TS Steven Jones giải thích: "Lúc bấy giờ họ là những người quan tâm duy nhất. Các công ty lớn như Merck đều không quan tâm. Không ai nghĩ dịch sẽ bùng phát lớn và rồi điều đó đã xảy ra ở Tây Phi".
Có hai yếu tố chính trị-xã hội thúc đẩy các công ty dược đầu tư phát triển vắc xin rVSV-ZEBOV. Đầu tiên, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, khủng bố sinh học nhanh chóng đứng đầu các mối đe dọa tiềm tàng.
Trong năm 2001-2014, Chính phủ Mỹ đã chi hơn 79 tỉ USD cho các chương trình đấu tranh chống khủng bố sinh học, bao gồm tăng cường kho dự trữ vắc xin và thuốc men. TS David Heymann từng làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận xét: "Sẽ không có vắc xin Ebola nếu ngân sách đầu tư chống khủng bố sinh học không gia tăng".
Yếu tố thứ hai là dịch Ebola đã bùng phát mạnh ở Tây Phi từ cuối năm 2013. Dịch từ Guinea tràn sang Liberia, Sierra Leone, Nigeria và Senegal. Trong đợt dịch 2014-2016 đã có hơn 14.000 ca mắc ở Sierra Leone, trong đó gần 4.000 ca tử vong. Tại Liberia, cùng kỳ có hơn 10.000 ca mắc, trong đó hơn 4.800 ca tử vong. Tháng 8-2014, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Trước sức ép chính trị, Cơ quan Giảm thiểu đe dọa quốc phòng (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã trao cho Công ty NewLink hợp đồng trị giá 1 triệu USD. Tháng 11-2014 (bốn năm sau khi NewLink được cấp phép sản xuất), vắc xin rVSV-ZEBOV mới bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn I trên người ở Mỹ.
Lúc bấy giờ hai nhà nghiên cứu Amir Attaran và Jason W. Nickerson ở Canada kêu gọi Chính phủ Canada hủy bỏ thỏa thuận với NewLink và tìm nhà sản xuất khác. Họ viết trên tạp chí The Lancet ngày 18-11-2014: "Nhu cầu của châu Phi quá cấp thiết nên không thể áp dụng biện pháp nửa vời...".
Rồi chỉ trong một tuần, NewLink ký hợp đồng chuyển giao quyền sản xuất và kinh doanh vắc xin rVSV-ZEBOV cho Công ty dược phẩm Mỹ Merck Sharp & Dohme (Merck). NewLink kiếm được 50 triệu USD trong thương vụ này và tiếp tục nhận tiền bản quyền từ doanh số thương mại.
Tổ chức Thầy thuốc không biên giới nhận xét: "Nếu NewLink (hoặc các công ty khác) tiến hành thử nghiệm cơ bản sớm hơn, vắc xin Ebola đã có thể được triển khai ở Tây Phi trong thời gian dịch bùng phát và cứu sống nhiều người. Cơ hội bị bỏ qua nhưng vẫn mang lại cho NewLink khoản lợi nhuận đáng kể trong khi họ chẳng làm gì thúc đẩy phát triển vắc xin".
TS Steven Jones đúc kết: "Tôi từng nghĩ dịch Ebola là vấn đề y sinh và kỹ thuật nhưng thực tế đây là vấn đề bất ổn liên quan đến chính trị, kinh tế và tình trạng bất bình đẳng. Nếu dịch bùng phát ở Mỹ hoặc Canada, chúng ta sẽ có vắc xin sử dụng ngay và dịch có thể được dập tắt".
TS Steven Jones không lấy làm ngạc nhiên khi chính phủ các nước phương Tây và các công ty dược phẩm bỏ qua cơ hội tiêu diệt virus Ebola sớm hơn. Ông nhận xét: "Điều này được gọi là thung lũng tử thần tính từ lần thí nghiệm vắc xin đầu tiên đến lần thử nghiệm vắc xin trên người đầu tiên.
Nhiều sáng kiến hay ho đã bị triệt tiêu như vậy!". Đến cuối năm 2019, Ủy ban châu Âu và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới quyết định cấp phép cho vắc xin rVSV-ZEBOV (tên thương mại là Ervebo) lưu hành có điều kiện.
Virus HIV đáng sợ hơn COVID-19. Chúng như lính đặc công thay hình đổi dạng nhanh khủng khiếp. Các nhà khoa học đã tấn công hai đợt nhưng đều thất bại.
Kỳ tới: Ba chiến dịch “đánh” virus HIV
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận