Người dân mang khẩu trang khi đi lại trong thành phố Tehran (Iran) trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng - Ảnh: AP
Sau khi nhấn mạnh rằng Iran không có ca nhiễm COVID-19 nào, chính quyền Tehran ngày 19-2 xác nhận 2 ca tử vong vì virus corona chủng mới tại thành phố Qom, cách thủ đô Tehran khoảng 145km về phía nam. Sau đó, nhiều ca tử vong lần lượt được thông báo trong những ngày tiếp theo.
Ngày 24-2, số người chết tăng lên 12 trong tổng số 66 ca nhiễm, so với 8 người chết của ngày trước đó, biến Iran thành vùng dịch nguy hiểm nhất bên ngoài Trung Quốc.
Ngoài Iran, Hàn Quốc và Ý cũng là những nước bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19: tính đến sáng 25-2 Hàn Quốc có 9 ca tử vong, Ý 7 ca tử vong.
Hầu hết các ca nhiễm và tử vong ở Iran liên quan đến người sống tại hoặc đến thăm thành phố Qom. Tuy nhiên, như báo South China Morning Post ngày 25-2 đưa tin, quan chức Minou Mohrez của Bộ Y tế Iran cảnh báo rằng nhiều khả năng virus corona chủng mới đã có mặt ở tất cả các thành phố của quốc gia này.
"Trong lịch sử gần đây, Iran không có kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh có quy mô như COVID-19 hiện nay. Lưu ý rằng Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã tác động rất ít tới Iran" - nhà nghiên cứu Asif Shuja, thuộc Viện Trung Đông tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), nhận định.
Trước đó, các quan chức Iran suy đoán rằng các nguồn lây dịch COVID-19 ở nước này có thể là từ công nhân người Trung Quốc hay người hành hương từ Pakistan. Tuy nhiên ngày 23-2, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki nói rằng dịch bệnh lây lan được cho là có liên quan đến một thương nhân của thành phố Qom.
Thương nhân này, đã chết vì nhiễm COVID-19, thường xuyên đi lại giữa Iran và Trung Quốc. Người này cũng từng sử dụng các chuyến bay gián tiếp nhằm né lệnh cấm để đi về giữa Iran và Trung Quốc trong khoảng thời gian cuối tháng 1-2020.
Mặc dù đã có đến 31 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận sự hiện diện của virus corona chủng mới nhưng sự gia tăng nhanh chóng các ca tử vong và nhiễm bệnh ở Iran, một quốc gia cách xa tâm dịch ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), khiến ngày càng có nhiều người lo sợ COVID-19 sẽ trở thành một đại dịch toàn cầu.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước cũng cảnh báo "cánh cửa cơ hội" để kiềm chế dịch COVID-19 lan rộng đang hẹp dần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận