Iran đang khốn đốn vì virus corona - Ảnh: AFP
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13-3 cho biết sẽ giữ hai tàu sân bay lại vùng Vịnh sau khi nã tên lửa xuống 5 địa điểm ở Iraq nhắm vào Kataeb Hezbollah, lực lượng dân quân mà Mỹ cho rằng Iran hậu thuẫn.
Chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm (phụ trách khu vực Trung Á và Trung Đông) Frank McKenzie khẳng định sự hiện diện của hai tàu sân bay này nhằm mục đích bảo vệ người Mỹ và lợi ích Mỹ trước các cuộc tấn công "giấu tay" của Iran.
IMF nên tuân thủ nhiệm vụ của quỹ, đứng về lẽ phải của lịch sử và hành động có trách nhiệm.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter.
Iran khổ trăm bề
Ngày 14-3, báo Tehran Times cho biết Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gửi bức thư tới người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Liên Hiệp Quốc bỏ qua lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ đang áp lên Iran giữa bối cảnh dịch virus corona bùng phát. Ông viết: "Tôi kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên bỏ qua lệnh trừng phạt kinh tế vô nhân đạo mà Mỹ áp lên đất nước tôi".
Trong dòng trạng thái trên Twitter, ông Zarif nhắc nhở rằng dịch COVID-19 không phân biệt ai với ai, và để chống lại chúng, "con người cũng không nên phân biệt".
Iran là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Tính đến chiều 14-3 (giờ Việt Nam), nước này có hơn 11.000 ca nhiễm và hơn 500 trường hợp chết vì virus corona. Dịch COVID-19 lấy đi mạng sống của người dân Iran và lãnh đạo chóp bu, mới nhất là Nasser Shabani - chỉ huy cấp cao của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Hậu quả kinh tế từ virus corona cũng đang tác động rõ rệt tới Iran, đặc biệt trong bối cảnh nước này đã tê liệt vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và giá dầu xuống thấp. Kết quả là sau 60 năm, Iran lần đầu tiên yêu cầu một khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để chống đỡ tác động của virus corona.
Nhưng hiện nay nền tài chính của Iran đang bị Mỹ phong tỏa, và Washington cũng có khả năng ngăn cản IMF giúp đỡ Iran.
Mỹ cân nhắc chính sách với Iran
Từ lúc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ quan điểm gây sức ép tối đa buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên theo AFP ngày 14-3, việc ra quyết định của Washington đối với Iran sắp tới có thể sẽ chịu tác động từ virus corona, một diễn biến "ngoài kịch bản".
Theo tướng McKenzie, hiện nay Mỹ tin rằng tình hình virus corona ở Iran còn tệ hơn số liệu công bố, vì vậy các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang đánh giá hệ quả chính trị.
Trước đó trong phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ, ông McKenzie nói rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đang khiến lãnh đạo Iran "nguy hiểm hơn", vì giới cầm quyền Iran nhiều khả năng sẽ tìm cách "đoàn kết số đông người dân chống lại một mục tiêu bên ngoài".
Theo GS Amir Afkhami tại Đại học George Washington, cuộc khủng hoảng hiện tại của Iran là kết quả từ những nước cờ sai của Tehran hơn là lệnh trừng phạt của Mỹ, "tuy nhiên lệnh trừng phạt của Mỹ chắc chắn đóng góp vào việc khiến tình hình vốn đã tệ của Iran có thể tệ hại hơn".
Hiện nay một số luồng ý kiến cho rằng Mỹ có thể kiềm chế hành động, tránh gây xung đột vũ trang. Thay vào đó họ có thể dùng sức mạnh mềm, từ ảnh hưởng đối với IMF, cho tới áp lực trừng phạt, để ngồi nhìn virus corona khiến Iran khốn đốn như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận