Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu nhiều ví dụ cho thấy tình trạng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi - Ảnh: Cổng TTQH |
Báo cáo được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19-4.
“Năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh (tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng đề dịp thành lập tỉnh), cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương (Tập đoàn than khoáng sản VN yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỉ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống) gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua” - ông Hải nêu.
Nhiều vấn đề về BOT
Vẫn theo báo cáo, công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm trong thời gian qua đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra.
Cụ thể như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long kiến nghị xử lý hơn 24,5 tỉ đồng trong đó giảm giá trị thanh toán hơn 8,9 tỉ đồng; Dự án đầu tư quốc lộ 1 đoạn km 672+600-km704+900 tỉnh Quảng Bình kiến nghị xử lý tài chính hơn 39 tỉ đồng, giảm giá trị quyết toán hơn 1,1 tỉ đồng…
Nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí, KTNN kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỉ đồng.
Việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình... (trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình...).
Trốn thuế, nợ đọng thuế còn nhiều
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước còn hạn chế, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước.
Năm 2016, thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 16.700 tỉ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN hơn 8,400 tỉ đồng, giảm chi NSNN hơn 696 tỉ đồng; giảm quyết toán, không thanh toán kinh phí 293,6 tỉ đồng; xử lý tài chính khác hơn 7.300 tỉ đồng.
Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hơn 753.300 tỉ đồng chi thường xuyên của NSNN, bằng 90% dự toán năm, đã phát hiện 28,8 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán 42 tỉ đồng; từ chối thanh toán vốn đầu tư hơn 149 tỉ đồng, do các chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng đối tượng, thủ tục đầu tư không đúng quy định); quyết toán chi chưa đúng quy định.
Bên cạnh những tồn tại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo nêu lên những điểm sáng, kiến nghị các bài học kinh nghiệm, mô hình tốt.
Ông nêu ví dụ như việc tinh giảm biên chế, tỉnh Quảng Ninh và TP Hà Nội làm rất tốt. Hà Nội có nhiều bệnh viện tự chủ, có bệnh viện 300 giường bệnh nhưng chỉ có 100 biên chế, có bệnh viện ở Quảng Ninh 350 giường cũng còn 100 biên chế. Quảng Ninh có nhiều huyện tinh giảm rất tốt, tiết kiệm mấy chục tỷ đồng mỗi năm...
“Vừa nhấn mạnh đến tinh giảm biên chế, thì cũng cần nhấn mạnh đến đạo đức cán bộ, công chức, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, người dân như thế nào để không làm lãng phí thời giờ, tránh gây phiền toái cho dân” - chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận