Cô Nguyễn Thị Hoài Thu- giáo viên Trường Mầm non Làng Chếu (Bắc Yên- Sơn La) - Ảnh: NGỌC HÀ
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu - giáo viên Trường Mầm non Làng Chếu, huyện Bắc Yên, Sơn La, một trong 183 giáo viên được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - đã chia sẻ với Tuổi trẻ Online bên lề buổi lễ tôn vinh nhà giáo tiêu biểu do Bộ GD- ĐT tổ chức ngày 18-11.
Đến từ một trong những nơi khó khăn nhất của tỉnh miền núi Sơn La, cô Thu đã ghi dấu ấn đặc biệt với thành tích vận động trẻ đến lớp và duy trì được sĩ số ở một vùng khó khăn và nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, lạc hậu.
"Trường Làng Chếu ở khu vực 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Việc vận động trẻ đến trường rất khó khăn vì nhiều phụ huynh chưa coi trọng bậc học mầm non, không sẵn sàng cho con đến trường. Nhiều khi thấy cô giáo đến vận động, phụ huynh còn... trốn, không ở nhà"- cô Thu kể.
Nơi cô Thu dạy học, dân cư thưa thớt, cả một quả đồi, chỉ có 1-2 gia đình có trẻ ở tuổi đi học sinh sống. Đường đến nhà mỗi học sinh chừng 2-3km cũng đi mãi mới đến vì đường rất khó đi. Chính các em học sinh cũng vất vả mỗi ngày đến trường.
4-5 tuổi, các em đã tự đi đến trường. 1km, 2km, 3km... toàn đi bằng đường bộ khúc khuỷu, có khi vài tiếng mới đến nơi.
Riêng cô Thu, trong hơn 20 năm làm nghề giáo, ban ngày dạy học, còn buổi tối, cô lại tranh thủ đến nhà học sinh để vận động gia đình đồng ý cho trẻ đến trường.
"Cô Thu là một tấm gương sáng về bám trường, bám lớp ở vùng khó khăn. Các cô giáo như cô Thu đã lặng lẽ cống cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Trường xa nhà, mỗi tuần về một lần. Nghĩa là thời gian cô dành cho học sinh còn nhiều hơn thời gian dành cho con cái..."- bà Cầm Thị Mai Phượng, chủ tịch Công đoàn giáo dục tỉnh Sơn La, nói.
Còn cô giáo Lê Thị Liên - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Đắk Nông - lại gây ấn tượng với việc đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi ở một địa phương mà điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Cô giáo Lê Thị Liên- giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh- Đắk Nông - Ảnh : NGỌC HÀ
Cô Liên cho hay khác với nhiều địa phương có điều kiện mời chuyên gia và các thầy từ Hà Nội vào bồi dưỡng, cô trò Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh hoàn toàn tự tìm tòi, học hỏi. "Một phần vì kinh phí không cho phép, một phần cũng vì trường ở xa các thầy"- cô Liên nói.
Vậy mà từ một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn ấy, hai năm liên tiếp vừa qua, cô Liên đều có học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh.
Cô Thu, cô Liên chỉ là hai trong số những tấm gương nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD- ĐT vinh danh nhân Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.
Phát biểu tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định hơn 70 năm qua, nền giáo dục nước nhà đã chứng kiến biết bao tấm gương nhà giáo vượt khó vươn lên, tình nguyện công tác ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD- ĐT cho những nhà giáo tiêu biểu - Ảnh : NGỌC HÀ
Riêng 183 nhà giáo được vinh danh năm nay là những tấm gương tiểu biểu nhất trong vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm...
Ông Độ cũng nhắn nhủ thời gian vừa qua "đã xảy ra hiện tượng một số thầy cô giáo có những hành vi chưa chuẩn mực trong ứng xử với học sinh, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh nhà giáo, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội".
Bộ GD- ĐT đề nghị các thầy cô, các nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo, lan toả những tấm gương sáng, đồng thời quan tâm chú trọng ứng xử văn hoá trong trường học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận