Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành Uỷ TP.HCM - gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các thầy thuốc trẻ tối 24-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Đây là các thầy thuốc trẻ đến từ các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM có nhiều sáng kiến, nghiên cứu khoa học phục vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả trong công tác chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời là những thầy thuốc tận tụy, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện...
Phát biểu chúc mừng các thầy thuốc trẻ, bà Võ Thị Dung (Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) nhấn mạnh đội ngũ thầy thuốc trẻ xung kích hôm nay và trở thành đội ngũ trụ cột nước nhà trong tương lai. Tuổi trẻ ngành y tế phát huy sáng tạo, rèn luyện y đức góp phần với toàn ngành y tế TP góp phần chăm sức sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân.
Bà Dung cho rằng: “Các điển hình xuất sắc không chỉ năng động sáng tạo, giàu y đức mà các bạn còn là tấm gương đầy nhiệt huyết trong nhiều hoạt động vì cộng đồng… Điều đó góp phần cùng xây dựng TP là nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tôi cho rằng đây là giải thưởng có uy tín, có sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ thầy thuốc trẻ. Tôi cũng nhắn gửi đến những thầy thuốc trẻ cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, phải đặt lên hàng đầu là trí tuệ, nhiệt huyết để có nhiều sáng kiến chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Bà Võ Thị Dung phát biểu tối 24-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Được biết. giải thưởng Phạm Ngọc Thạch được bình chọn và trao hai năm/ lần, đến nay có 124 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu được tuyên dương.
Một số điển hình tiêu biểu như bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hà Phương, bí thư Đoàn bệnh viện Ung bướu, Tiến sĩ bác sĩ Phan Minh Hoàng, trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ, bí thư Đoàn bệnh viện Quận 2 và thạc sĩ bác sĩ Trần Đặng Xuân Tùng, bí thư chi đoàn bệnh viện Vạn Hạnh, Q.10 đã cùng giao lưu với bạn trẻ TP.
Bác sĩ Nguyễn Hà Phương chia sẻ: “Kỷ niệm nhớ nhất, gần như là thay đổi cách nhìn cho mình trong ngành y, đó là một người bệnh tại khoa chăm sóc giảm nhẹ. Người bệnh đặc biệt đó là một phạm nhân được đưa vào điều trị.
Thấy người bệnh đầy mình xăm, lại có hai anh công an giám sát, ban đầu tôi không dám lại gần ngoài việc thăm khám là xong. Sau đó, trong quá trình làm việc, học tập tại khoa, tôi hiểu bệnh nhân tại khoa thời gian còn sống không còn nhiều nên không chỉ chăm sóc sức khỏe mà rất cần được chăm sóc cả tinh thần.
Từ đó tôi ngồi lại với anh bệnh nhân là phạm nhân nhiều hơn, tôi và anh nói chuyện nhiều hơn. Mãi về sau, khi tôi nhận điện thoại anh phạm nhân muốn gặp tôi để nói ra nguyện vọng cuối đời mong gặp được 2 người con.
Chúng tôi đã giúp anh đạt được nguyện vọng trước lúc ra đi, người nhà và hai người con của anh đã đến, ba ngày sau anh ra đi thanh thản. Từ đó tôi học được rất nhiều điều trong công việc của mình để chăm sóc, sẻ chia nhiều hơn với bệnh nhân”.
Bác sĩ Phan Minh Hoàng - Bí thư Đoàn bệnh viện Quận 2 - chia sẻ các kỷ niệm về nghề - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Sau khi chia sẻ câu chuyện về ca mổ cứu chữa bệnh nhân “người lật đật” từ tỉnh Đắk Nông do bị bỏng nặng co rút được các bác sĩ nhiều bệnh viện cùng mổ và hỗ trợ hoàn toàn kinh phí, bác sĩ Phan Minh Hoàng cho biết, tại bệnh viện Q.2 đã thực hiện văn hóa “dùng từ cô, chú, bác thay vì dùng từ bệnh nhân”. Ví dụ khi mời vào khám bệnh mình gọi mời cô, chú… vào khám sẽ nhẹ nhàng hơn là “mời bệnh nhân".
"Hiện chúng tôi cũng thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và chăm sóc, thăm khám sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng tại nhà" - bác sĩ Hoàng cho biết.
Bác sĩ Trần Đặng Xuân Tùng chia sẻ về những nghiên cứu gắn với đề tài “điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng ghép tự thân hỗn hợp tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu” góp phần giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, bắt đầu cuộc sống khỏe hơn, giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân.
Năm nay có 27 điển hình Thầy thuốc trẻ vinh dự được nhận giải Phạm Ngọc Thạch lần 5 - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch là giải thưởng lớn và vinh dự của những người thầy thuốc - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận