11/09/2016 11:04 GMT+7

Vĩnh cửu: Ta tựa vào nhau một kiếp dài

LINH THOẠI
LINH THOẠI

TTO - Chúng ta có nhau, có nhau! Sự có mặt của người này làm nên đời sống (rực rỡ) của người kia. Và ngược lại. Sự rực rỡ nào rồi cũng úa tàn. Trong trùng ngộ đã có mầm ly biệt.

Ta tựa vào nhau một kiếp dài... - Ảnh: Pathé

Vĩnh cửu còn lại trong tôi là câu thơ ấy, trong bài thơ nhỏ ứng tác khi đang xem phim. Những vòng ôm, những cái nắm tay, những ngồi đứng song hành trở thành nhũng khoảnh khắc người ta cần nhất, giữa những cơn vui và cơn đau, giữa trùng ngộ và chia lìa.

Biết nói gì (thêm) về Vĩnh cửu? ‎Khi tôi đồng cảm với cảm xúc của người ngợi ca và đồng ý luôn với những lý lẽ của người chê. Nhưng với riêng tôi, Trần Anh Hùng thật sự thành công với bài thơ của anh (tôi vẫn muốn gọi Vĩnh cửu là một bài thơ của cảm giác).

Nghe "thơ" anh, tôi thấy tim mình bị bóp nhẹ - như cách mà anh nói về cảm xúc của mình khi đọc cuốn Nét duyên góa phụ. Cái bài thơ dày đặc cảnh (so với tình) và có vẻ mỏng ý của anh cứ làm tôi nghĩ về nó suốt, sau khi đã rời rạp chiếu mấy ngày.

Chắc vì cái ý mỏng mảnh ấy lại khiến người xem mở ra thêm một câu chuyện cốt tử của đời người ở cõi dục này: Hợp và Tan, Sống và Chết.

Chúng ta có nhau, có nhau! Sự có mặt của người này làm nên đời sống (rực rỡ) của người kia. Và ngược lại. Gió buốt thốc một phần tim vắng - cái trái tim không còn nguyên vẹn hình hài và linh hồn nữa, khi một trong những người thân yêu của ta rời đi, vắng mặt. Vĩnh viễn.

Sự rực rỡ nào rồi cũng úa tàn. Trong trùng ngộ đã có mầm ly biệt.

Chỉ vậy thôi, cái lẽ đời Sinh - Dị - Diệt, cái vòng tròn Tử - Sinh của kiếp người. Đi hết cái kiếp vừa ngắn ngủi vừa dài thượt này, ta sẽ khó mà hiểu thấu, để bớt phí hoài, bớt đớn đau.

Nhưng đớn đau cũng không phải là thứ mà ta phải trốn chạy. Cứ mở lòng đón nhận những biến dịch, ngẫm lẽ vô thường để giúp mình đứng dậy, một mình, sau những lúc “rơi tự do” hay chỉ chực ngã vào ai đó, với thân tâm đầy thương tổn.

Tựa vào ai mà mình vững chãi nhất? Không ai cả. ‎Chính mình thôi. Cái thằng người cô đơn mà chẳng thể cô đơn, giữa vũ trụ diệu kỳ này. Khi anh được sinh ra từ chính hạt cải trong vườn, con nuớc dưới mương, từ chính bầu không đang quyện cả mùi hương hoa lẫn mùi tử thi của những người vừa nằm xuống.

Tựa vào ai? Cái thằng người bé nhỏ mà đầy sức mạnh tâm linh không chịu khai phá. Vì vậy mà, ai cũng qua một đời, nhưng không phải ai cũng sống đủ một đời. Không phải ai cũng tìm thấy chính mình như một "hải đảo tự thân".

Cảnh trong Vĩnh cửu - Ảnh: Pathé

 

Những người phụ nữ trong phim, họ không nói đến những triết lý dông dài xa xôi đó. Họ đơn giản sống cuộc đời của mình, sinh nở hoài hoài, dành hết tình yêu nồng thắm của mình cho người bạn đời, cho những đứa con. 

Giản dị vậy thôi, mà họ có lúc làm tôi - kẻ chưa bao giờ muốn tạo tác một sinh linh - nghẹn thở.

Hình ảnh nhớ nhất trong phim, lạ lùng, lại là hình ảnh một sợi dây buộc tóc bằng vải, khi cô con gái ôm choàng mẹ mình và tựa đầu vào bà. Một vẻ đẹp rất nhỏ thôi, đủ làm người xem xúc động, làm ta bỗng nhiên tự hào về giới nữ - những người tạo nên từng vẻ đẹp li ti tinh tế nhất của đời sống này.

Tôi sẽ còn nhớ lâu nữa, một hình ảnh khác ngoài khung hình. Đó là lúc rạp đã vắng người, màn hình đang chạy những dòng chữ cuối, một khán giả - cũng là một đạo diễn khá duy mỹ - ngồi bất động một mình, như là “lặng đi”, giữa những chiếc ghế trống.

Mắt anh mở to dán vào màn hình, không biết có người đang nhìn mình, nhìn những giọt nước trên má anh như sáng lên dưới ánh đèn. Tôi thấy mắt mình như đang nhòe đi.

Đạo diễn cần gì hơn nữa? Cái sự ám lấy khán giả ấy, từ một ý phim (rất) gợi, từ một âm thanh nhỏ trong "tiếng đàn" ngân, tắt, lịm của anh.

Và cả sự vô thanh sau đó?

LINH THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên