26/02/2018 06:30 GMT+7

Vịnh chó đực

ĐỒ BÌ - Theo TTC
ĐỒ BÌ - Theo TTC

TTO - Với con chó trung thành một đời trong nhà thì chưa có được một bài thơ, thậm chí vài câu thơ ra hồn ra vía, bởi vậy, mMay mắn thay, tôi kiếm được một bài thơ ca ngợi con chó đực...

Vịnh chó đực - Ảnh 1.

Chó là vật nuôi thông minh nhất, dễ thương nhất và gần gũi nhất của con người. Tình yêu thương của con người dành cho chó cũng rất nhiều nhưng thi ca nói về chó thì hơi hẻo, nếu không muốn nói là rất nghèo nàn, lạc hậu. 

Người ta có thể làm cả trăm bài thơ ca ngợi nhan sắc và bày tỏ lòng thương nhớ một (hoặc nhiều) người phụ nữ dù chưa nắm được... ngón tay người phụ nữ ấy; còn với con chó trung thành một đời trong nhà thì chưa có được một bài thơ, thậm chí vài câu thơ ra hồn ra vía.

Cảm thấy điều này là chưa công bằng, tôi bỏ công đi sưu tầm xem thử hình tượng con chó trong dòng thi ca bình dân ra sao. May mắn thay, tôi kiếm được một bài thơ ca ngợi con chó đực, thuộc hàng danh tác không biết do nhà thơ xứ nào của miệt vườn Nam bộ sáng tác. Bài thơ quý hiếm ấy như vầy:

Vịnh chó đực

Ấy là giống thú sủa gâu gâu

Tuy nhiên, hổng phải là con trâu

Khi nằm với vợ thì y... đứng

Suốt đời không ăn một miếng trầu!

Tôi khẳng định bài thơ phát xuất từ miệt vườn Nam bộ bởi lẽ trong ba chục chữ kể cả tựa đề, đã có hai chữ thuộc phương ngữ miền Nam là "hổng" (không) và "y" (nó) theo văn nói thông dụng của bà con gốc Triều Châu về ngôi thứ ba.

Câu thơ thứ nhất (câu Khai) khẳng định ngay kỹ năng trời phú cho con chó bởi chỉ có chó mới biết sủa gâu gâu. 

Câu thơ thứ hai (câu Thừa) có cách dùng trạng ngữ rất mới lạ. Thông thường sau trạng ngữ "Tuy nhiên", nội dung câu chữ sẽ nói lên một ý khác hẳn so với ý đứng trước trạng ngữ này. Ở đây, tác giả muốn khẳng định con chó "hổng phải là con trâu" là chính xác và khoa học nhưng trạng ngữ "Tuy nhiên" đứng giữa hai vế đó lại khiến ta có thể nhầm lẫn con trâu cũng biết "sủa gâu gâu" như chó. Thật là một lối dùng từ vô cùng sáng tạo và mới mẻ!

Câu thơ thứ ba (câu Chuyển) mới thật là câu thần bút! Tác giả dùng hai động từ có vẻ đối lập nhau là "nằm" và "đứng". "Nằm" ở đây nghĩa là làm động tác truyền giống, phối giống, giao hoan, giao cấu... 

Nhưng thi ca vốn lãng mạn và cao quý; tác giả cố tránh từ dung tục, sợ làm mất phẩm giá loài thú cưng nên mới dùng động từ "nằm" nhẹ nhàng và mềm mại. Động từ "đứng" ở phía sau thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với động từ "nằm" nhưng nghĩ kỹ lại thì ngữ nghĩa cả hai đều thống nhất bởi lẽ chỉ ở tư thế đứng thì chó đực mới... nằm với vợ được. Còn nằm thiệt thì thua!

Câu thơ thứ tư (câu Hợp) một lần nữa khẳng định tính chất loài chó "Suốt đời không ăn một miếng trầu". Chủ chó có thể ăn cả tấn trầu (và cau) nhưng chó thì chưa bao giờ ăn miếng nào. Chó ăn được nhiều thứ như cơm, cháo, bánh ngọt, thịt, cá. 

Hai con chó nhà tôi còn ăn được các loại trái cây; khi vợ tôi uống cà phê thì hai đứa còn đến ngồi trước mặt bà ngoắt đuôi để xin... nước đá, nhai rào rạo! Thế nhưng, chó không ăn trầu bởi chó mà ăn trầu thì không ra hồn vía con chó nữa. Câu thơ đưa ra một kết luận hồn nhiên và khách quan; không một nhà khoa học đại tài nào có thể bác bỏ nổi!

Con chó đực rất đáng yêu; làm thơ vịnh nó là xứng đáng. Loài chó là bạn của con cháu chúng ta, là người bảo vệ mẫn cán và tỉnh táo nhất trong nhà ta. Ai cũng yêu sự trung thành của nó. Thi thoảng vào giai đoạn động dục, chó đực hay bỏ trốn khỏi nhà đi tìm chó cái để... đứng. Trời sinh ra vậy, biết sao bây giờ?

Tuy nhiên, bản năng "nằm" của loài chó còn thua loài người rất xa! Có thơ làm chứng như vầy:

Chó thì động dục xuân, thu

Còn người động cỡn vi vu bốn mùa.

Không nên giết thịt hay hành hạ loài thú đáng yêu như loài chó. Bạn càng đối xử tốt loài chó càng yêu thương bạn, thậm chí có thể cứu bạn trong lúc nguy nan. Mong sao những con chó trên đời đều được chăm sóc tử tế!

Chơi chữ với... chó Giai thoại giang hồ về thơ và câu đối Mầy chỉ mặc cái áo  qua chơi
ĐỒ BÌ - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên