02/10/2024 16:08 GMT+7

Vĩnh biệt tác giả ‘Mảnh đất lắm người nhiều ma’

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng ‘Mảnh đất lắm người nhiều ma’, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội lúc 11h40 ngày 2-10, hưởng thọ 79 tuổi.

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường, 'cha đẻ' tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma - Ảnh 1.

Nhà văn Kim Lân và nhà văn Nguyễn Khắc Trường (phải)

Thông tin do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết. 

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học đổi mới; sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương đối với làng văn.

Nhiều lúc, ông như một tảng đá lớn mà khó ai có thể lay chuyển. Ông là một nhà văn tài năng và nhân cách mà tôi luôn kính trọng.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường - tảng đá lớn khó ai lay chuyển 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá "Mảnh đất lắm người nhiều ma là một tác phẩm đóng đinh vào nền văn học Việt Nam đương đại".

Những gì ông viết trong tiểu thuyết này "giống như một lời tiên tri về một thế giới chúng ta đang sống. Một thế giới người và ma lẫn lộn. Ma hiện hình trong cả những nơi chúng ta không hề nghĩ tới", chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có may mắn được làm việc với nhà văn Nguyễn Khắc Trường ở báo Văn Nghệ nhiều năm.

Trong ký ức của ông Thiều, nhà văn là một người sống giản dị, trung thực, người ta không tìm được những lời hoa mỹ, sáo mòn của ông trong cuộc sống hằng ngày. Đúng sai, hay dở luôn rành mạch trong con người ông.

"Giờ ông đã rời khỏi mảnh đất lắm người nhiều ma mà ông từng đau đớn, nổi giận và cảnh báo về một tương lai buồn của nó. 

Xin cúi đầu đưa tiễn ông về miền mây trắng. Xin cám ơn ông về những gì ông đã sống và đã viết cho cuộc đời này", Nguyễn Quang Thiều gửi lời chia buồn.

Trang bìa sau tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma in năm 1991 viết: "Yêu thương và ghét bỏ, hôn nhân và đất đai, quyền lực của cá nhân và dòng họ... Ở đây đều đi tới tận cùng. Có lúc người dọa ma, có lúc lại làm ma để dọa người! Đây là men rượu được gạn chắt ra từ những cảnh đời da diết và khốc liệt. Cốc rượu mạnh đang ở trong tay các bạn, xin mời".

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường, 'cha đẻ' tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma - Ảnh 2.

Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma mang cái tên Nguyễn Khắc Trường đến với bạn đọc

Nỗi mất mát của văn đàn Việt Nam

Nhà văn Trần Nhương và nhà văn Dương Hướng - hai bạn văn thân thiết của nhà văn Nguyễn Khắc Trường - nghe tin ông qua đời khi đang trên đường từ Phú Thọ về Trại sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc).

"Nghe tin, chúng tôi vô cùng bất ngờ vì mới đây Trần Nhương mới đến thăm Nguyễn Khắc Trường. Anh vẫn nói năng tỉnh táo, sảng khoái, đầy hào hứng", nhà văn Dương Hướng nói với Tuổi Trẻ Online "sự ra đi của nhà văn Nguyễn Khắc Trường là nỗi mất mát lớn của văn đàn Việt Nam".

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường, 'cha đẻ' tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma - Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường - Ảnh: Bảo tàng Văn học

Với cá nhân ông, ông gửi lời tạm biệt một trong những người bạn văn thân thiết, tri kỷ và có nhiều đồng cảm với nhau trong việc viết lách.

Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường và Bảo Ninh là ba nhà văn có tác phẩm (lần lượt là Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nỗi buồn chiến tranh) được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

Sau sự kiện đó, cả ba cũng trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Dương Hướng kể mỗi lần từ Quảng Ninh lên Hà Nội, ông đều đến thăm Nguyễn Khắc Trường, cùng ăn, cùng ngủ lại ở báo Văn Nghệ.

"Nhiều lần lên Hà Nội, hai anh em tự đi chợ, về nấu cơm ăn. Nguyễn Khắc Trường thích tự nấu cơm mời bạn bè", nhà văn nhớ lại. 

Đó là một con người nhiệt tình, sảng khoái, từ âm thanh, giọng nói, nụ cười đều bộc lộ sự thân tình, dễ mến.

Đều thuộc thế hệ nhà văn đổi mới, Dương Hướng nói "phải cảm ơn Đảng vì đường lối đổi mới khi đó mở cửa không chỉ kinh tế mà còn mọi mặt của đời sống xã hội, đã mang đến một niềm cảm hứng mới cho những người cầm bút. Chúng tôi viết một cách hồ hởi và đầy mê say, không né tránh. Nhiều tác phẩm ra đời trong giai đoạn đó đều gặt hái được nhiều thành công".

Theo ông, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường là một trong số ít các tiểu thuyết đứng vững đến tận bây giờ.

"Tác phẩm đã khai thác một cách kỹ càng, sâu sắc và sinh động về nông thôn Việt Nam một thời, cho thấy sự trăn trở lớn của một nhà văn trước hiện thực của cuộc sống", ông Dương Hướng đánh giá.

Nhà văn Trần Nhương chia sẻ Nguyễn Khắc Trường bước ra từ binh chủng Phòng không Không quân, xưa viết ký cũng rất hay (như Cửa khẩu)… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Nhà văn Trần Nhương cho biết để viết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường đã lăn lộn ở Thanh Hóa mấy tháng trời tìm tư liệu để viết. "Tới bây giờ, đây vẫn là những tiểu thuyết sáng giá của văn học Việt Nam", Trần Nhương nói.

Theo nhà văn, sau tiểu thuyết trên, Nguyễn Khắc Trường có viết tiểu thuyết Trang trại nhưng chưa hoàn thành.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (còn có bút danh khác là Thao Trường) sinh năm 1946 tại Thái Nguyên. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1982.

Năm 1965, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân, sau đó học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi làm việc ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Văn Nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho đến khi nghỉ hưu năm 2009, sau đó làm chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.

Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990) là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông về đề tài nông thôn Việt Nam, giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được chuyển thể thành phim Đất và người do Nguyễn Hữu Phần, Phạm Thanh Phong đạo diễn, ra mắt năm 2002.

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường, 'cha đẻ' tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma - Ảnh 5.Vĩnh biệt đạo diễn Nguyễn Hữu Phần của phim Ma làng, Đất và người

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần - người đứng sau nhiều bộ phim nổi tiếng về đề tài nông thôn như Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình… - đã qua đời lúc 12h10 ngày 22-5 ở tuổi 76.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên