104 năm tuổi đời, 70 năm nghiên cứu Việt sử địa, mấy mươi đầu sách sử liệu đồ sộ, bộ sưu tập bản đồ - sách cổ - gốm sứ quý giá như cả một kho tàng... tưởng như đã là quá nhiều với một người có vóc dáng mảnh khảnh và giọng nói nhỏ nhẹ từ lúc trẻ đến lúc già như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.
Tin "bác Đầu qua đời" khiến nhiều người bàng hoàng, giật mình, tiếc nuối, dù người đọc sử ai cũng hiểu lẽ vô thường...
Vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục
Giáo sư Hà Minh Hồng thảng thốt cho biết ông vừa ký giấy mời cụ Nguyễn Đình Đầu tham dự lễ trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 15 sẽ được tổ chức cuối tháng 9 này.
"Giấy mời chưa kịp gửi đi, tin dữ đã đến trước. Dẫu biết sức khỏe bác mong manh, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng... Lúc nào cũng vậy, được nhìn thấy bác Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư, như trước đây nhìn thấy thầy Trần Văn Giàu, chúng tôi như được nhìn thấy những tấm gương để mà học hỏi.
Tấm gương đời sống sáng trong vô vị lợi, làm việc nhẫn nại đến phút cuối cuộc đời, tận tụy với đất nước mình, say mê với lịch sử quê hương mình...
Với những người ấy, "đại thọ" không chỉ là tuổi trời trăm năm mà cuộc đời của họ còn lớn hơn cả khoảng thời gian dài dặc trăm năm ấy", ông Hồng trầm ngâm diễn đạt những cảm xúc cuộn lên trong lòng.
"Bản thảo cuối cùng của bác vẫn còn dang dở những chương cuối. Hôm Tết đến chúc thọ, chúng tôi vẫn thấy bác đang lui cui cắt dán, bổ sung những tư liệu vừa tìm được" - ông Nguyễn Thành Nam, tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, tiếc nuối nhắc về bản thảo "Con đường gốm sứ và tơ lụa trên Biển Đông".
Để chuẩn bị cho "cuốn sách cuối cùng" này, từ năm ngoái, bác Đầu đã nhờ con cháu trong gia đình mang những món đồ gốm Chu Đậu ra trưng bày gần ông hơn để làm cảm hứng và cả làm tư liệu. Nhà xuất bản Trẻ đã giành được quyền xuất bản toàn bộ các tác phẩm Nguyễn Đình Đầu và tất cả đều là những bộ sử liệu quý - rất quý.
Giáo sư Hà Minh Hồng nói thêm về những tác phẩm này: "Không phải người học sử, không chạy theo học hàm học vị, bác Nguyễn Đình Đầu chỉ say mê nghiên cứu và đã chứng minh tình yêu lịch sử mãnh liệt của mình bằng các tác phẩm.
Ông không chọn phương pháp sử luận, sử phán mà lại đi con đường chông gai hơn là sử liệu. Toàn bộ các tác phẩm của ông đều là sử liệu, dùng để phục vụ cho những nhà sử học thế hệ sau nghiên cứu, và những người làm được việc đó trong đời, tôi đếm không hết được một bàn tay".
Một trong những người nghiên cứu thế hệ sau ấy, TS Nguyễn Thị Hậu - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - kể: "Lần đầu tiên tôi gặp bác Nguyễn Đình Đầu là tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM, khoảng năm 1994.
Trước đó tôi từng đọc nhiều bài nghiên cứu của bác, vì đó là những kiến thức rất cần thiết cho ngành khảo cổ học. Sau lần gặp gỡ ấy, hai bác cháu thường xuyên liên lạc với nhau.
Nhà bác Đầu có bộ sưu tập cổ vật Việt Nam, tuy số lượng không nhiều nhưng quý hiếm.
Hai bác cháu có cùng đam mê đọc sách, có cuốn sách nào hay bác đều nhắn hỏi tôi đọc chưa?
Còn tôi muốn tìm sách sử gì hay đọc tài liệu nào chưa rõ cũng hay tìm đến nhờ bác giảng giải. Với tôi, bác luôn là một người thầy tận tâm, hiền hậu...".
Nhà báo Phúc Tiến cũng kể: "Cách đây hai năm, cụ gọi tôi đến nhà, tặng tôi một số sách nghiên cứu ruộng đất Nam Kỳ.
Hôm ấy, cụ tâm sự: làm sao để có thêm nhiều người nghiên cứu lịch sử địa phương, làm sao có người tiếp nối sử dụng các tài liệu, bản đồ, sách vở mà cụ đã gom góp qua hai thế kỷ này?
Nhìn thư phòng chen chúc, đầy ắp những vật phẩm quá khứ, tôi không khỏi rưng rưng. Trong lần sinh nhật cụ 103 tuổi, tôi đề xuất với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và TP.HCM việc nên thành lập Chi hội Nguyễn Đình Đầu tập hợp các nhà nghiên cứu trẻ, nhất là giới trẻ kế tục sự nghiệp của vị sử gia Sài Gòn quý hiếm.
Ước mong này chưa thực hiện được mà nay cụ đã "quy tiên" càng làm kẻ hậu sinh buồn tiếc".
Cuộc triển lãm dang dở...
Làm việc đến phút cuối cùng của cuộc đời 104 năm là có thật, luôn sẵn lòng trao truyền và luôn trông đợi ở những người trẻ hơn mình là có thật.
Trong công việc của mình, chúng tôi thường được gặp bác Nguyễn Đình Đầu trong những sự kiện văn hóa, lịch sử, khi nào bác cũng nhỏ nhẹ, kiên nhẫn trả lời đến câu hỏi cuối cùng.
Mới năm ngoái, khi may mắn được tham dự cuộc trò chuyện song đôi giữa hai "người trăm năm" Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư, nhiều người trẻ đã rất ngạc nhiên và khâm phục khi chứng kiến hai cụ già 103 tuổi trò chuyện sôi nổi, minh mẫn, duyên dáng suốt bốn giờ đồng hồ.
Hôm nay, căn nhà nơi góc đường quen thuộc mà lúc sinh thời bác Đầu hay đùa: "Nhà có 4 cái nhất: quận 1 - Thủ Khoa Huân - nhà số 1 - Nguyễn Đình Đầu" được chọn làm nơi để mọi người đến chia tay bác.
Anh Trần Ngọc Sinh, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, người gắn bó với bác qua mấy mươi bộ sách xuất bản nhiều năm qua, rơi nước mắt nói lời chia tay: "Một ngày nào đó, bác có nói với tôi rằng sau này khi bác ra đi, bác muốn cháu hoặc một bác sĩ viết điếu văn.
Lúc đó tôi biết mình nhỏ bé làm sao hiểu được một tâm hồn lớn với một hành trạng lớn như bác Nguyễn Đình Đầu. Thời gian trôi qua, tôi vẫn đến với bác có khi vì công việc biên tập, có khi để thăm.
Tôi nhớ bác như nhớ một người cha với nụ cười hiền hậu. Những câu chuyện của bác, tôi nghe dường như chưa bao giờ cảm thấy đủ. Đôi lúc trong ánh mắt ấy cũng ẩn niềm cô đơn của một người có quá nhiều thăng trầm khó san sẻ hết với ai, nhất là những đau đáu về nhân sinh, thời cuộc.
Một điều mà bác chưa thực hiện được là triển lãm những tấm bản đồ quý giá cho đồng bào, nhất là cho giới trẻ, nhận thức được sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Hàng trăm tấm bản đồ đã được bác tự tay chọn lựa từ số ngàn, tỉ mẩn đính chúng lên những tấm bìa. Giá vẽ cũng đã được mua về. Bác chờ đợi ngày triển lãm, giờ đây chỉ còn là dự định.
Ông cụ 104 tuổi vẫn thường hài hước, cho qua những chuyện vặt vãnh, dẫu có ai làm bác buồn thì đó cũng chỉ là một phút chốc, rồi bác lặng lẽ trở lại với việc nghiên cứu. Sức ngày càng yếu, hơn một năm nay bác chỉ đi từ phòng ngủ ra phòng thọ thực, phòng khách hầu như luôn khép cửa.
Lần cuối tôi gặp bác, câu nói cuối cùng bác nói với tôi, như mọi khi là: cháu hãy đến nữa nhé. Bây giờ tôi không thể đến kịp, nhìn gương mặt phúc hậu, vầng trán cao, vài nét đồi mồi trên gương mặt tươi sáng.
Thương bác Nguyễn Đình Đầu, người mang đến cho chúng ta một di sản quan trọng. Một tấm gương hiếu học và đam mê cống hiến mà tuổi trẻ rất cần noi theo như vang vọng của một cuộc đời đẹp đẽ vẫn còn mãi".
Bác Nguyễn Đình Đầu là người tôi rất kính trọng, thương yêu
Nhiều năm cùng cộng tác trong nhiều công việc khác nhau, tôi nhận thấy bác là một người đặc biệt, tiếp nhận một cách thấm nhuần văn hóa của cả phương Đông lẫn phương Tây: tinh thần tự học rất nghiêm túc, tận tâm tận lực; nghiên cứu khoa học bài bản và lý trí; nuôi giữ nhiệt huyết, trách nhiệm với xã hội, với thế hệ sau; khiêm cung, cởi mở, lắng nghe, tiếp nhận để hoàn thiện mình...
Khi gặp những chuyện không vui, bất như ý trong đời, trong công việc, bác bao giờ cũng bình tĩnh, không cay đắng, và luôn tin vào thay đổi của tương lai.
TS Bùi Trân Phượng
- Đối với việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, công trình nghiên cứu "Địa bạ triều Nguyễn" của Nguyễn Đình Đầu là một trong những nguồn sử liệu quan trọng nhất khi nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ.
Giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho bộ sách này là sự ghi nhận cống hiến của bác trong lĩnh vực sử học. Bác Nguyễn Đình Đầu là tấm gương lao động khoa học nghiêm túc, cần mẫn và rất khiêm nhường, luôn kiên trì theo đuổi mục đích"Vì sự thật lịch sử"!
TS Nguyễn Thị Hậu
- Tại buổi sinh nhật 102, cụ Nguyễn Đình Đầu có lời ký thác: "Nhà sử học nghiên cứu các quy luật Thiên - Địa - Nhân là để hiểu và phục vụ con người, xã hội và đất nước!". Thế hệ học sử chúng tôi không thể quên lời cụ nhắc nhớ và tấm gương của một nhà khoa học nghiêm cẩn, dồi dào tình yêu đất nước!
Trần Hữu Phúc Tiến
- Với tôi, bác Nguyễn Đình Đầu thật sự là một trí thức hàng đầu, vì yêu nước mà dấn thân qua nhiều giai đoạn lịch sử, lại vì yêu nước mà nghiên cứu sử.
Làm những công trình sử liệu, bác luôn hướng đến những mục tiêu rất cụ thể, rất thiết thực với chính lịch sử như minh định những điểm mờ, khẳng định danh nhân, chứng minh chủ quyền biển đảo đất nước, mạnh mẽ và kiên nhẫn với thời cuộc, kiên trì với sự thật.
Sống tới tuổi 104, cuối đời ông cũng đã được an ủi nhiều vì đã chứng kiến được những cởi mở, đổi mới trong nhìn nhận lịch sử.
Nguyễn Thế Thanh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận