Ngày 29-4, làng trẻ em SOS Việt Nam cho biết ông Helmut Kutin - "người cha" đặc biệt của các em nhỏ tại làng trẻ em SOS Việt Nam, nguyên chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế đã qua đời ngày 23-4 tại Thái Lan hưởng thọ 83 tuổi.
Tro cốt của ông Kutin sẽ được mang về quê hương là nước Áo, dự kiến lễ tang của ông sẽ được tổ chức vào 8-6 tới.
Ông Kutin - "cha đẻ" của các làng trẻ em SOS Việt Nam
Từ 26 đến 28-4, Văn phòng Quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam, các làng trẻ em SOS cơ sở và các trường phổ thông Hermann Gmeiner khắp Việt Nam đã tổ chức những buổi lễ tưởng niệm ông Helmut Kutin xúc động với sự tôn trọng và tiếc thương với người đã dành rất nhiều tình cảm, tâm huyết cho sự hình thành và phát triển của làng trẻ em SOS Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông Helmut Kutin là người đã rất nỗ lực với tâm nguyện được mở lại các làng trẻ em SOS để nuôi nấng những đứa trẻ mồ côi đất Việt.
Chính ông Kutin cũng là người đích thân kêu gọi kinh phí để xây dựng làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ bên cánh đồng Mường Thanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 29-4, ông Đỗ Tiến Dũng - nguyên giám đốc quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam - cho biết Helmut Kutin được sinh ra và lớn lên ở Áo, nhưng Việt Nam là quốc gia đặc biệt với ông.
Việt Nam là nơi khởi đầu sự nghiệp của Helmut Kutin khi ông mới 26 tuổi. Việt Nam cũng là nơi có gần 500 trẻ được Helmut Kutin trực tiếp quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng từ 1968 - 1976 và gọi ông là cha, là bố.
Theo ông Dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là thần tượng của Helmut Kutin. Do đó, ông Helmut Kutin có tình cảm, tình yêu đặc biệt với Việt Nam nói chung và với làng trẻ em SOS Việt Nam nói riêng trong suốt cuộc đời của mình.
Ông Dũng cho hay trong những năm tháng là chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế (1985 - 2012) và kể cả sau khi đã nghỉ hưu, với uy tín của mình, ông Helmut Kutin đã kết nối, vận động nhiều hiệp hội thành viên, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân ở các nước khác nhau quyên góp, ủng hộ kinh phí xây dựng và kinh phí hoạt động nhiều nhất có thể cho trẻ em của Việt Nam.
"Mỗi lần đến Việt Nam, ông Helmut Kutin lại quyết định tài trợ thêm dự án mới. Các dự án tại Cà Mau và Điện Biên Phủ được xây dựng từ nguồn kinh phí do chính ông Helmut Kutin trực tiếp đứng ra kêu gọi và vận động quyên góp nhân dịp sinh nhật của ông", ông Dũng chia sẻ.
Sau 30 năm, làng trẻ em SOS Việt Nam đã tiếp nhận được trên 171 triệu USD và mỗi năm có khoảng 25.000 lượt trẻ được hưởng lợi. Hiện số lượng làng trẻ em SOS của Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới sau Ấn độ và Brazil.
Ông Helmut Kutin cũng là nhân vật đặc biệt trên báo Tuổi Trẻ, cuộc đời và câu chuyện của ông đã được khắc họa trong bài báo "Ông Kutin và làng SOS đầu tiên ở Việt Nam" số ra ngày 8-7-2017 trong loạt hồ sơ về làng trẻ em SOS Việt Nam.
Thời điểm đó, ông Helmut Kutin nói với Tuổi Trẻ rằng: "Làng trẻ em SOS ở Việt Nam là gia đình gần gũi nhất đối với tôi trong số 134 quốc gia trên thế giới nơi có làng trẻ em SOS đang hoạt động.
Tôi không phải là cha của những đứa trẻ, nhưng chúng là con cái của tôi và bây giờ tôi đã được thăng lên chức ông. Vào ngày sinh nhật của tôi, tôi luôn mong muốn được giúp đỡ đặc biệt cho nhiều trẻ em đang có nhu cầu ở Việt Nam".
Người bạn lớn của Việt Nam
Năm 1967, ông Helmut Kutin đang học tập và làm trợ giảng tại Đại học Innsbruck (Áo). Không ít lần chàng sinh viên này xuống đường hòa vào dòng người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố Innsbruck.
Cuối năm đó, giáo sư Hermann Gmeiner (người sáng lập Làng trẻ em SOS) đã đề nghị ông sang Việt Nam xây dựng một làng trẻ em SOS để nuôi nấng những đứa trẻ mồ côi.
Ông nhận lời ngay và từ tháng 10 đến tháng 12 năm đó ông sang Pháp học tiếng Việt, chuẩn bị hành trình đến vùng chiến sự Việt Nam.
Sở dĩ ông Kutin được giao sứ mệnh đặc biệt này bởi ông cũng là trẻ mồ côi lớn lên ngay trong ngôi làng trẻ em SOS đầu tiên do ông Hermann Gmeiner thành lập.
Chứng kiến nỗi đau mất mát gia đình của trẻ em Việt trong thời chiến, ông Gmeiner đã trở lại châu Âu nhờ bạn bè của làng trẻ em SOS ở Áo và Đức trợ giúp xây dựng làng ở Việt Nam.
Cuối năm 1968, ông Helmut Kutin được bổ nhiệm là giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp với 41 ngôi nhà SOS (là ngôi làng trẻ em SOS lớn nhất thế giới thời điểm đó).
Năm 1971 (30 tuổi), ông Helmut Kutin được bổ nhiệm là đại diện của Làng trẻ em SOS quốc tế tại châu Á đồng thời kiêm nhiệm giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp.
Tháng 3-1976, do thời cuộc, Làng trẻ em SOS Gò Vấp dừng hoạt động. Suốt chặng đường sau đó, ông Helmut Kutin đã nhiều lần trở lại Việt Nam để đàm phán mở lại làng trẻ em SOS.
Mãi cho đến 1987, nguyện vọng của ông Kutin mới trở thành hiện thực khi các làng trẻ em SOS được hoạt động trở lại và phát triển thêm nhiều cơ sở trên khắp cả nước.
"Những hiểu biết sâu sắc về Việt Nam đã được ông truyền đạt với bạn bè quốc tế qua các cuộc đối thoại, vận động tài trợ cho Việt Nam, làm cho nhân dân thế giới biết đến, cảm tình và đóng góp cho Việt Nam nhiều hơn.
Ông luôn tự nhận Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình và ông đã công hiến trọn đời mình vì những trẻ em thiệt thòi, kém may mắn", ông Dũng bộc bạch.
Vĩnh biệt một con người cả cuộc đời vì trẻ em kém may mắn...
Cả cuộc đời gắn bó, đau đáu vì trẻ em mồ côi trên thế giới cũng như duyên phận đặc biệt với Việt Nam, ông Helmut Kutin đã được các làng trẻ em SOS tại Việt Nam và trên thế giới tổ chức những lễ tưởng niệm, tri ân lắng đọng.
Với những đóng góp lớn lao của mình, ông đã được Việt Nam trao tặng huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, trong đó có Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao vào 2015.
Đồng thời, ông nhận được các huy chương, kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ", "Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội", huân chương Hữu nghị, kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận