10/01/2013 00:04 GMT+7

Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Hiệp

H.H.
H.H.

TT - Lúc 12g45 ngày 9-1, nhạc sĩ Hoàng Hiệp - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trở về dòng sông tuổi thơ... đã trút hơi thở sau cùng ở tuổi 82 tại nhà riêng (Q.2, TP.HCM).

smTz7Xee.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Ảnh: H.Sơn

Theo thông tin của Hội Âm nhạc TP.HCM, nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, còn có bút danh Lưu Nguyễn. Hoàng Hiệp tham gia cách mạng vào năm 1945 thuộc Đoàn tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và Phân hội văn nghệ Long Châu Hà. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Việc tập kết ra Bắc như một khởi điểm cho cảm hứng sáng tác dạt dào của người nhạc sĩ Nam bộ này.

Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương do ông viết chung lời với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp. Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (1955-1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ: Lá đỏ, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.

Sau năm 1975 Hoàng Hiệp trở về miền Nam, công tác tại Nhà xuất bản Âm Nhạc TP.HCM, sau chuyển sang Hội Âm nhạc TP.HCM và một thời gian làm tổng thư ký Hội Âm nhạc. Dấu ấn của thời kỳ sáng tác này có thể kể đến: Trở về dòng sông tuổi thơ, Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng)...

Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc. Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu...; nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn... Ông còn là dịch giả cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine và là tác giả nhiều sách giáo khoa âm nhạc. Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trước khi qua đời, vào ngày 8-1 ông được nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Bình dị nhưng tao nhã, lịch lãm; tài năng nhưng khiêm cung là những gì mà đồng nghiệp nghĩ về nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Chia sẻ nỗi buồn trước tin người nhạc sĩ mình kính trọng ra đi, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Điều đáng khâm phục là nhạc sĩ sáng tác cả nhạc thiếu nhi lẫn nhạc cho người lớn đều hay. Điểm đặc biệt nữa là các ca khúc nhạc sĩ phổ thơ đều để lại dấu ấn đẹp. Gia tài ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng gắn liền với sự nghiệp phục vụ cách mạng của ông. Những ca khúc ấy sẽ sống mãi với thời gian vì tình cảm yêu thương, tinh thần trữ tình công dân chứa chất trong đó”.

Vẫn còn xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm với người nhạc sĩ có nét mặt hiền hòa, nụ cười ấm áp, thái độ nhã nhặn nhưng thân tình cùng cách đối xử trân trọng, hết lòng với anh em, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đúc kết: “Hoàng Hiệp là một nhạc sĩ sáng tác có ngôn ngữ, bút pháp rất riêng, rất độc đáo. Ông không bao giờ lặp lại chính mình trong từng tác phẩm nhưng khi nghe bất kỳ tác phẩm nào của ông, ta cũng biết đó là sáng tác của Hoàng Hiệp chứ không phải ai khác. Những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có thể được xem là một biên niên sử bằng nhạc về lịch sử dân tộc, cách mạng, với từng cột mốc lịch sử ông đều có những ca khúc để đời”.

Linh cữu nhạc sĩ Hoàng Hiệp được quàn tại nhà tang lễ TP.HCM, lễ viếng từ 19g ngày 9-1 và sẽ đưa đi an táng tại nghĩa trang TP.HCM ngày 12-1.

Nhớ mãi dòng sông tuổi thơ

Giữa tôi và nhạc sĩ Hoàng Hiệp có nhiều điểm giống nhau: cùng quê, cùng đi kháng chiến, cùng là văn nghệ sĩ, cùng sinh năm Tân Mùi. Chúng tôi là đồng hương huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Anh Hiệp ở Cù Lao Giêng, xã Mỹ Hiệp, tôi ở Mỹ Luông. Xã Mỹ Hiệp của anh rất đặc biệt khi có ba người nổi tiếng tài hoa, giỏi giang là đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và Hoàng Hiệp. Trong ba người này thì có hai người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, một người đoạt Giải thưởng Nhà nước. Lúc đầu, Hoàng Hiệp chưa phát lộ tài năng nhưng sau thời gian ra Bắc học thì anh phát triển rất nhanh, sáng tác những ca khúc rất hay và sống mãi với thời gian đến bây giờ: Lá đỏ, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây...

Tôi có một kỷ niệm nhớ hoài với Hoàng Hiệp ở lần tôi mời anh về thăm lại sông Tiền sau thời gian dài xa quê hương miền Tây Nam bộ. Chuyến đi đó gây cho Hoàng Hiệp cảm xúc và anh viết bài Trở về dòng sông tuổi thơ. Trên bài hát, Hoàng Hiệp có ghi là tặng Nguyễn Quang Sáng. Đó là món quà rất đặc biệt với tôi. Nhìn sông là tôi nhớ đến ca khúc đó và nhớ lại tuổi thơ của mình, nhớ đến Hoàng Hiệp.

Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG

Chỉ một người con gái làm anh say đắm

Với tôi, Hoàng Hiệp là người có trái tim dễ rung cảm trước vẻ đẹp của đất nước, con người. Trong hơn 100 ca khúc của anh luôn ẩn hiện hình bóng người con gái VN nhân hậu, hiền lành... Với Hoàng Hiệp, chỉ có một người con gái Hà Nội làm trái tim anh say đắm, thăng hoa. Đó chính là nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan - người vợ cùng anh đi suốt 60 năm tình nghĩa mặn nồng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc năm 1954, quen và yêu cô gái xinh đẹp có nhà ở phố Nguyễn Du. Chiều chiều, hai người thường tản bộ từ đường Nguyễn Du ra Khâm Thiên và từ tình cảm đó, anh đã viết nên ca khúc để đời Nhớ về Hà Nội với nỗi nhớ rất chung của cả một thế hệ và rất riêng của chính anh: “Nhớ phố Khâm Thiên đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng...”.

Giáo sư, nhạc sĩ CA LÊ THUẦN - H.Hạnh ghi

H.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên