Chương trình Mừng Tết Tân Sửu 2021 do NXB Trẻ tổ chức tại Đường sách TP.HCM - Tết đến mọi nhà, tặng quà sách hay. Giao lưu cùng giáo sư Phan Văn Trường và nhà văn Lê Văn Nghĩa (ngày 24-1-2021) - Ảnh: LÊ ĐỨC TRUNG
Ông Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại tỉnh Chợ Lớn. Ông làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến năm 2015.
Nhà báo Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975. Ông từng xuống đường lãnh đạo thanh niên học sinh đấu tranh trực diện với cảnh sát, từng bị bắt, trải qua một số nhà tù giam của chế độ Việt Nam Cộng hòa, kể cả ở Côn Đảo.
Sau ngày thống nhất đất nước, Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ làm báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ, cùng với làng báo TP.HCM lúc bấy giờ góp phần xây dựng đời sống mới.
Nhà báo Lê Văn Nghĩa phát biểu trong lễ trao giải Cù Nèo Vàng 2013 - Ảnh: T.T.D.
Linh hồn của Tuổi Trẻ Cười
Ông thể hiện thiên khiếu của mình trong các tác phẩm trào phúng, châm biếm khi nhận thấy tác dụng độc đáo của thể loại báo cười trong công cuộc đấu tranh cái xấu và uốn nắn nhân quần theo lẽ phải.
Lê Văn Nghĩa có một thời gian dài phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười (báo Tuổi Trẻ), ông tham gia xây dựng nhiều chuyên mục cũng như các nhân vật trào phúng được xem là "để đời" gắn với ông như các bút danh: Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề...
Sự xuất hiện của báo Tuổi Trẻ Cười vào trước lúc Đổi mới, vắt qua đến cuối thập niên 1980 đã trở thành tờ báo ăn khách khắp trong Nam ngoài Bắc, ở tận các vùng nông thôn xa xôi, nhiều gia đình không đọc báo Tuổi Trẻ nhưng vẫn đặt mua Tuổi Trẻ Cười do lẽ người dân mến mộ "ông Hai Cù Nèo" - một bút danh chung do Lê Văn Nghĩa sản sinh và ký phần lớn dưới các bài viết.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa - Ảnh: T.T.D.
Viết văn đến ngày cạn sức
Khi tuổi đời đã cao, tạm gác công việc làm báo, Lê Văn Nghĩa tập trung viết sách và tiếp tục giành được nhiều cảm tình từ người đọc qua các tập hồi ức/tự truyện và các thiên khảo cứu về văn nghệ Sài Gòn một thời.
Đó là các tác phẩm hồi ức về một thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa đi học dưới mái trường Bình Tây (nay là trường Nguyễn Huệ - Q.6): Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020); câu chuyện về thời trung học của ông được kể lại xúc động trong truyện dài Mùa hè năm Petrus (2012).
Đồng nghiệp của ông còn nhớ mấy năm trước khi ra mắt quyển truyện về ngôi trường Bình Tây, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa quay lại ngôi trường thuở xưa mình học để tặng sách cho các học sinh thế hệ con cháu bây giờ, trò chuyện cùng nhau, bất giác ông rơi nước mắt khóc ngon lành.
Dịp ra mắt quyển Mùa hè năm Petrus, ông còn tâm sự riêng với một số đồng nghiệp thân thiết rằng chế độ giáo dục của Sài Gòn trước đây rất hay, "nhất là hệ thống trường công lập, ai thi đậu vô đó là chuyện học được bảo đảm chắc chắn không phải lo lắng gì".
Nhà báo Lê Văn Nghĩa (trái) trong một dịp họp măt cộng tác viên báo Tuổi Trẻ Cười (1-2011) - Ảnh: T.T.D.
Vào những năm cuối đời, dù đã lâm trọng bệnh, nhà văn Lê Văn Nghĩa vẫn cần cù làm việc, tìm kiếm trong nhiều nguồn tư liệu để thực hiện các thiên biên khảo về đời sống văn nghệ Sài Gòn một thời sôi động hàng đầu của cả miền Nam mà theo ông là không khi nào có được không khí đặc biệt như vậy.
Kết quả của những ngày tháng vừa chống chọi bạo bệnh vừa làm việc cật lực là các quyển sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020).
Cả một đời gắn liền với nghiệp viết, Lê Văn Nghĩa xuất bản rất nhiều tác phẩm. Tác phẩm sớm nhất của ông là Vượt sóng (1986) - tập truyện ký kể lại những tháng ngày trong nhà tù Côn Đảo, tiếp theo là các tác phẩm:
Thằng láu cá (1989), Vua lừa (1990), Ôi bóng đá (1990), Hoa hậu phường Cây Mít (1991), Đám cưới nàng Thanh Mã (1991), Nô tế bồ (1994), Nếu Adam không có xương sườn (tuyển tập truyện vui cười về phụ nữ dưới con mắt của đàn ông xấu / Lê Văn Nghĩa sưu tầm và bình, 2016),
Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ (tạp văn 2016), Phá án sex-tour (tiểu phẩm trào phúng, 1995), Nhà mùi học (tiểu phẩm trào phúng, 2000),
Bạn đời (truyện ngắn, 2002), Điệp viên 00 thấy (2003), Tùy viên giảm béo (tiểu phẩm trào phúng, 2004), Trùm cá độ (2005), Người bán nụ cười (2006),
Ngôi nhà ma (tập truyện ngắn trào phúng, 2009), Tào lao xịt bộp (tuyển tập truyện trào phúng, 2010), Hạt bụi bên nhau (tập truyện rất ngắn và truyện trào phúng, 2010), Chuyện chán phèo (tuyển tập truyện trào phúng, 2011), Nỗi buồn đàn ông (2017)...
Nhà văn Lê Văn Nghĩa trong lễ trao giải Cù Nèo Vàng - Ảnh: T.T.D.
Trong trái tim bạn bè, đồng nghiệp
Khi hay tin bệnh tình của nhà văn Lê Văn Nghĩa trở nặng, NXB Tổng Hợp TP.HCM ráo riết làm bản thảo để in 2 tập truyện trào phúng của ông là: Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ.
Tuy nhiên, trong những ngày qua TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, hầu hết các nhà in dừng hoạt động nên in chưa kịp. Bè bạn thân thiết hay tin đều tiếc cho người bạn vốn nặng tình với anh em, mà khi ra đi lại gặp lúc mọi người không thể đến viếng.
"Cách đây chừng hai mươi ngày, anh Nghĩa còn viết mấy dòng thư điện tử gửi cho chúng tôi và nhóm bạn, đại ý nói rằng ‘mệt lắm các anh ơi, chắc khó gặp các anh rồi’, quả đúng đó là lời tuyệt mệnh của anh Lê Văn Nghĩa vậy", nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh chia sẻ.
Tang lễ nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa tổ chức tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, do đang trong đợt cao điểm giãn cách phòng chống dịch COVID-19, chúng tôi thông tin để bạn đọc gần xa tưởng niệm ông thay vì đến viếng trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận