14/09/2017 15:06 GMT+7

Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng: Hoa như mưa rơi rơi

LÊ MINH QUỐC
LÊ MINH QUỐC

TTO - Thanh Tùng là thi sĩ hồn nhiên và đáng yêu. Từ một công nhân khuân vác, bốc vác, kiếm sống bằng giọt mồ hôi mặn chát, đắng nghét, nhọc nhằn ở Hải Phòng,

Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng: Hoa như mưa rơi rơi - Ảnh 1.

Nhà thơ Thanh Tùng - Ảnh: Hoài Linh

Thanh Tùng đã thản nhiên đi vào cõi thơ. Sự xuất hiện của anh không kèn trống, không ầm ĩ khua chiêng gõ mõ, vậy mà theo năm tháng, những dòng thơ ấy đã len lỏi vào trí nhớ người đọc.

Năm tháng lao động cật lực ấy chính là chất liệu để anh có được Con sông chảy từ lòng phố, Cửa sông… và đã hai lần nhận được giải thưởng của Tổng công đoàn Việt Nam. 

Và Hải Phòng - nơi cưu mang chàng công nhân bến tàu từng ngày cơm áo - cũng trao cho ông giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cứ thế, Thanh Tùng sống trọn vẹn, tràn trề, đắm đuối với thơ như một lẽ sống. Con người ấy vô tư, trong sáng như tâm thế có một đứa trẻ con ở mãi trong hình hài già theo năm tháng. 

Đã gặp nhau là tủm tỉm cười, rồi dù không ai yêu cầu, không ai đòi hỏi, anh vẫn cứ đọc thơ khi du dương, lúc trầm lắng.

 Đã vào quán nhậu, lúc ngất ngưởng men say, thế nào anh cũng khóc. Một cái khóc vô tư lự khi nhớ về chuyện cũ từ gia đình, từ bạn bè; chẳng phải buồn đâu, mà khi niềm vui được nhắc đến đột ngột quá thì anh lại òa lên như đứa trẻ.

Chỉ thế thôi ư?

Không, ấy mới là lúc Thanh Tùng "xuất thần", tôi từng nhiều lần chứng kiến lúc ấy, anh cứ tuôn ra dào dạt những câu thơ bất chợt ùa đến trong đầu, cứ đọc mãi đến lúc say quá thì gục đầu xuống bàn mà ngủ. Thế thôi. 

Đó mới là tính cách "trẻ con" của anh, một nhà thơ từ phương Bắc vào Nam được đồng nghiệp yêu mến và gần gũi.

Từ tình cảm "tình thương mến thương này", Thanh Tùng đâm ra yêu dấu chốn này, và anh tự nhủ phải viết một cái gì đó như một sự tạ ơn. 

Còn nhớ dăm năm mới đây, trước ngày ra Hà Nội dự Đại hội nhà văn Việt Nam, đại diện Thành ủy TP.HCM có tổ chức cuộc gặp mặt với anh em hội viên, lúc ấy Thanh Tùng cho biết đang viết Đất phương Nam. 

Trường ca ấy, còn nhớ câu thơ gây ấn tượng cho tôi khi anh miêu tả công nhân sống trong nhà trọ: "Các em nằm chen chúc chèn như cá hộp".

Ngày con gái anh tổ chức sinh nhật lần thứ 80 cho anh, cô Lan Hương rủ rê dẫn chương trình. Tất nhiên, tôi gật đầu. 

Nhờ vậy, tôi ít nhiều hiểu được đôi điều về hoàn cảnh riêng tư của anh. Mà thôi, cũng chẳng nên nhắc lại, bởi lẽ trong đời ai lại không "có những niềm riêng làm sao nói hết"? 

Từ nỗi đau lẻ loi, cá nhân ấy có bật ra thơ, có thơ tràn trề trong cảm xúc hay không mới là điều cần thiết. Với Thanh Tùng là có.

"Tôi sẽ thành tan nát / Nếu không kịp trốn vào đâu / Bông lau tím lật qua chiều đông tái / Cho tôi quên cả lối đi về / Em sôi nổi đến làm tôi ngần ngại". 

Sự sôi nổi xa xăm từ thời trai trẻ ấy lại vọng về như một vết thương không kín miệng. Âu cũng là một cảm hứng của thơ. 

Và bây giờ vĩnh biệt anh, chắc rằng người yêu thơ đang đặt lên môi mình những dòng chữ run rẩy và hát: "Mỗi mùa hoa đỏ về / Hoa như mưa rơi rơi / Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi / Như máu ứa một thời trai trẻ / Hoa như mưa rơi rơi…".

LÊ MINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên