Ông Trần Hoài Nam - con trai nhà báo Thái Duy - cho Tuổi Trẻ biết bố ông ra đi nhẹ nhàng bên con cháu. Ông mất vì tuổi cao, gần đại thọ 100 tuổi.
Nhà báo Thái Duy - Sống như ông!
Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn, còn có bút danh khác là Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang.
Ông tham gia cách mạng, làm báo Cứu Quốc từ năm 1949, là một trong số ít nhà báo tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1964, ông vào Nam, cùng hai đồng nghiệp thành lập báo Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Năm 1977, ba tổ chức mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo Cứu Quốc và báo Giải Phóng được sáp nhập thành báo Đại Đoàn Kết.
Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu.
Như vậy cả cuộc đời làm báo của ông chỉ làm duy nhất cho một cơ quan báo chí và chỉ làm phóng viên, dù ông là tên tuổi lớn trong làng báo, được nhiều thế hệ các nhà báo nể trọng.
Ông không chỉ đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, mà tiếp tục là một trong những cây bút đi đầu đấu tranh cho cái mới, cho tiến bộ xã hội, lên tiếng cho nông dân để thúc đẩy cho sự ra đời của khoán 10 trong nông nghiệp, xóa bỏ hình thức khoán việc làm suy sụp nền kinh tế, nông dân đói nghèo những năm 1970 - 1980.
Ông đã xuất bản nhiều đầu sách như Sống như anh, Người tử tù khám lớn, Hải Phòng anh dũng…
Trong đó cuốn Sống như anh viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã xuất bản được hàng triệu bản ở nhiều nước trên thế giới.
Năm 2023, nhà báo Thái Duy nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Bản lĩnh Thái Duy trong bài phỏng vấn cuối cùng với Tuổi Trẻ
Không chỉ nổi tiếng với cuốn Sống như anh (bút danh Trần Đình Vân) viết về Nguyễn Văn Trỗi, Thái Duy còn được ghi công là nhà báo đã bền bỉ, mạnh mẽ viết về "khoán chui" trong hàng chục năm để "phong trào" này của hàng triệu nông dân cuối cùng cũng đi đến thắng lợi vào năm 1988.
Trong lần trả lời phỏng vấn cuối cùng dành cho Tuổi Trẻ gần một năm trước (tháng 8-2023), ông tỏ ra rất khiêm cung và tự tại, tự nhận mình bình thường như những người khác và rất hạn chế nói về mình bởi "không thấy có gì để kể".
Ông cũng từ chối trả lời nhiều câu hỏi vì "không nên nói nhiều là một đức tính tốt, nói nhiều về mình càng không nên".
Nhưng ông lại một mực ca ngợi nông dân, nhân dân. Ông cho nhân dân mới vĩ đại, nhân dân làm ra tất cả.
Trước thông tin được truyền tai nhiều rằng hồi ấy vì ông mải mê về với nông dân để viết về "khoán chui" nên cuộc sống của gia đình ông cũng vất vả, khó khăn, thậm chí lắm lúc ảnh hưởng tới cả chuyện "sinh mệnh chính trị" của ông nữa, ông từ tốn nhận mình cũng không khó khăn nhiều.
Ông hết sức khiêm hạ nhận rằng việc ông về với nông dân, viết tâm tư của nông dân giữa lúc họ chưa được tin, chưa được lắng nghe "cũng không phải là việc hy sinh ghê gớm gì như người ta ngợi khen".
Khi được hỏi rằng người ta đánh giá ông là một nhà báo đã có đóng góp lớn bảo vệ "khoán chui" của nông dân để tới ngày phong trào đi tới thắng lợi, ông lập tức phủ nhận.
Ông bảo: "Tôi nhờ nông dân chứ không phải công đó là của tôi. Nông dân mới thông minh. Mỗi người phải chịu khó mà nhìn ra cái thông minh của nông dân, của nhân dân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận