28/12/2007 13:10 GMT+7

Vĩnh biệt "người đàn bà thép" của Pakistan

T.VY (Tổng hợp)
T.VY (Tổng hợp)

TTO - Ngày 28-12, hàng trăm ngàn người Pakistan đã tham dự lễ tang của bà Bhutto và cùng các lãnh đạo PPP đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng.

0BgvYDId.jpgPhóng to
Bà Bhutto trong vòng vây những người ủng hộ tại Rawalpindi trước khi bị ám sát - Ảnh: Xinhua

Tang lễ bắt đầu từ buổi trưa ở thị trấn Naudero. Thi hài bà được quàn trong một quan tài bằng gỗ phủ cờ PPP, sau đó được một xe cấp cứu chở đến khu lăng mộ gia đình bà ở Garhi Khuda Bakhsh, cách đó khoảng 5km.

Người phát ngôn PPP, ông Nazir Dhoki, cho biết bà đã được chôn cạnh cha, cựu thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.

“Bà không chỉ là lãnh đạo của PPP, bà là nhà lãnh đạo của cả nước. Giờ thì tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với đất nước này”, Nazakat Soomro, 32 tuổi, nói. Những người khác, kẻ thì gào khóc, người thì đấm thùm thụp vào ngực mình trong nỗi đau không thốt nên lời...

Trước đó, Tổng thống Pevez Musharraf thông báo Pakistan để quốc tang 3 ngày để tưởng niệm bà Bhutto.

Sẽ không hoãn bầu cử

Sau vụ ám sát bà Bhutto, các quan chức Mỹ kêu gọi Pakistan tổ chức cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch (dự kiến ngày 8-1-2008). Tuy nhiên theo nhận định của giới báo chí, vụ ám sát đã làm tăng nghi vấn xung quanh cuộc bầu cử này.

Về phía PML, ông Nawaz Sharif tuyên bố đảng của ông sẽ tẩy chay cuộc tổng tuyển cử. "Đảng PML sẽ tẩy chay cuộc bầu cử sau khi bà Bhutto bị ám sát. Không thể có bầu cử tự do nếu Tổng thống Pevez Musharraf còn tại vị", ông Sharif nói tại một cuộc họp báo ở Islamabad. “Tôi yêu cầu ông Musharraf từ chức để cứu lấy Pakistan”.

Tuy nhiên ngày 28-12, Thủ tướng Mohammedmian Soomro cho biết chính phủ Pakistan hiện không có kế hoạch hoãn cuộc bầu cử ngày 8-1-2008, bất chấp tình trạng lộn xộn trên cả nước đang ngày càng tăng và tuyên bố của cựu thủ tướng Nawaz Sharif.

“Cuộc bầu cử vẫn sẽ diễn ra như kế hoạch. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến tất cả các đảng chính trị để đưa ra quyết định về vấn đề này”, ông nói tại một cuộc họp báo.

Al Qaeda nhận trách nhiệm ám sát bà Bhutto

LHP4myHO.jpgPhóng to
Hãng tin AKI nói Ayman al-Zawahiri đã bắt đầu lên kế hoạch ám sát bà Bhutto vào tháng 10 - Ảnh: AFP/Getty Images
Hãng thông tấn AKI của Ý đưa tin hôm qua, 27-12, một người phát ngôn của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Trước đó, Al-Qaeda cũng nhận trách nhiệm vụ đánh bom ngày 18-10 ở Karachi. Lần đó bà Bhutto may mắn thoát chết.

“Chúng tôi đã kết liễu nhân vật thân cận với Mỹ, người từng tuyên bố đánh bại các chiến binh Hồi giáo (mujahadeen)”, người phát ngôn Al-Qaeda Mustafa Abu Al-Yazid nói với AKI qua điện thoại từ một địa điểm chưa được xác định.

Al-Yazid, chỉ huy chính của Al-Qaeda tại Afghanistan, cho biết quyết định sát hại bà Bhutto được nhân vật số 2 của tổ chức khủng bố này, Ayman Al-Dhawahiri, đưa ra vào tháng 10 năm nay.

Theo các nhà phân tích, vụ ám sát bà Benazir Bhutto là một đòn nặng nề và có khả năng gây nhiều tổn hại cho hy vọng của cộng đồng quốc tế về việc khôi phục ổn định cho Pakistan. Đây là một trở ngại nữa cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, vốn coi việc khôi phục dân chủ tại Pakistan là giải pháp thay thế để tránh xa chủ nghĩa quân sự và chủ nghĩa khủng bố. Chiến lược của Mỹ giờ đây đang đứng trước rủi ro nghiêm trọng.

Họ cũng nhìn nhận quyết định của bà Bhutto tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử là một quyết định dũng cảm. Tuy nhiên, có lẽ bà đã đánh giá thấp quyết tâm của những kẻ muốn ám sát bà khi quyết định như vậy.

Pakistan "báo động đỏ" trên toàn quốc

Sau cái chết cựu thủ tướng Benazir Bhutto, tình hình Pakistan trở nên cực kỳ căng thẳng. Hiện lực lượng an ninh nước này đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ, mức báo động cao nhất.

"Tình hình an ninh đã trở nên căng thẳng và tình trạng báo động đỏ đã được áp đặt trên toàn quốc", người phát ngôn Bộ Nội vụ Javed Iqbal Cheema thông báo. Theo nhiều nguồn tin, ngay sau vụ sát hại bà Bhutto, đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ bạo lực ở nhiều thành phố của Pakistan.

vPohnkCs.jpgPhóng to

Những người ủng hộ bà Bhutto than khóc sau cái chết của bà - Ảnh: AFP

Ở Karachi, ngày 27-12, những người nổi loạn đã chặn các con đường, tấn công cảnh sát và đốt xe công cộng. Ở Lahore, hai chiếc xe tải của cảnh sát bị đốt, nhiều cảnh sát bị đánh.

Tại thành phố Sargodha, những người biểu tình đã đốt một khán đài và chuẩn bị tham gia một cuộc biểu tình do đảng đối lập PML của cựu thủ tướng Nawaz Sharif tổ chức. Ở Sukkur, đám đông giận dữ đã đốt nhiều tòa nhà và ôtô. Tình trạng lộn xộn cũng được ghi nhận ở Peshawar, Tando Allahyar, Quetta, Multan và Shikarpur.

DfPmVVKU.jpgPhóng to

Xe bị đốt cháy trên đường ở Karachi - Ảnh: Xinhua

Cuối ngày 27-12, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) đã họp khẩn cấp để thảo luận tình hình ở Pakistan sau khi bà Buhtto bị ám sát. Hội đồng bảo an đã lên án vụ ám sát bà Buhtto là "hành động khủng bố tàn ác" và kêu gọi người dân Pakistan kiềm chế.

Trong một tuyên bố riêng, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon cũng lên án vụ tấn công ở thành phố Rawalpindi là hành động "tấn công vào sự ổn định ở Pakistan". Các hãng thông tấn Nga cũng dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vụ sát hại bà Bhutto là "một hành động khủng bố dã man".

Ngày 28-12, bạo loạn vẫn tiếp diễn, với nhiều nhóm người ủng hộ bà Bhutto giận dữ đốt ôtô, tàu hỏa và các cửa hàng. Tại Karachi, đám đông đã đập phá và châm lửa đốt 3 ngân hàng. Tại thành phố Multan, khoảng 7.000 người cướp phá 7 ngân hàng và một trạm xăng, ném đá vào cảnh sát và bị chống trả bằng hơi cay.

Còn tại thành phố Peshawar, khoảng 4.000 người ủng hộ bà Bhutto đã tuần hành phản đối vụ ám sát bà. Hàng trăm người trong số này sau đó đã tràn vào văn phòng của một đảng ủng hộ ông Musharraf, đốt cháy đồ đạc và nhiều giấy tờ văn phòng. May mắn không có ai bị thương.

Ngày 28-12, Thiếu tá Athar Ali, một chỉ huy lực lượng bán vũ trang tại Pakistan cho biết các đơn vị của lực lượng này ở thành phố Karachi đã được lệnh "bắn hạ những kẻ gây rối nếu bắt gặp" nhằm ngăn chặn tình trạng rối loạn sau vụ ám sát nhà lãnh đạo đối lập Benazir Bhutto.

"Lực lượng bán vũ trang đã được lệnh bắn hạ nếu bắt gặp những kẻ vô lại có các hành động chống đối nhà nước, phá hoại của công hay đốt phá nhà cửa của người dân", ông nói, và cho biết lực lượng bán vũ trang đã triển khai 16.000 quân tại tỉnh Sindh ở miền nam, và riêng ở thành phố Karachi đã có 10.000 quân được điều động.

Cùng ngày, Thiếu tướng Waheed Arshad, Người phát ngôn quân đội Pakistan cũng cho biết binh lính đã được triển khai đến các thành phố Larkana, Sukkur, Shahdad Kot và Rohri ở tỉnh Sindh, nơi đám tang của bà Bhutto sẽ được tổ chức.

Các vụ ám sát chính trị gia ở Nam Á

Tại Ấn Độ:

- Ngày 30-1-1948: Mahatma Gandhi, người được coi là cha đẻ của nền độc lập ấn Độ và thuyết “bất bạo động” đã bị một tín đồ Hindu cuồng tín sát hại ngay gần nhà của ông ở New Delhi.

- Ngày 31-10-1984: Thủ tướng ấn Độ Indira Gandhi bị chính 2 vệ sĩ theo đạo Sikh sát hại tại New Delhi vì bà đã ra lệnh tấn công quân sự vào Đền Vàng linh thiêng của người Sikh hồi đầu năm đó.

- Ngày 21-5-1991: Con trai bà Gandhi và là Thủ tướng kế vị Rajiv Gandhi, bị những kẻ ly khai người Tamil ám sát trong chiến dịch tranh cử ở miền Nam ấn Độ.

- Ngày 16-10-1951: Thủ tướng đầu tiên của Pakistan Liaqat Ali Khan bị một kẻ cực đoan người Afghanistan ám sát khi đang vận động tranh cử tại Rawalpindi.

- Ngày 4-4-1979: Cha của cố thủ tướng Benazir Bhutto, thủ tướng Pakistan Zulfiqar Ali Bhutto, người trước đó bị viên tướng Mohammad Zia-ul Haq lật đổ năm 1977, bị treo cổ sau khi bị xử tại một phiên tòa gây nhiều tranh cãi.

- Ngày 17-8-1988: Tổng thống Zia-ul Haq bị giết trong một vụ đánh bom máy bay của ông.

- Ngày 27-12-2007: Cựu Thủ tướng, lãnh đạo phe đối lập ở Pakistan, bà Benazir Bhutto bị sát hại trong một vụ đánh bom liều chết khi đang vận đông tranh cử tại Rawalpindi.

Tại Sri Lanka:

- Ngày 25-9-1959: Thủ tướng Sri Lanka Salomon Dias Bandaranaike bị một tín đồ đạo Phật ám sát. Sau đó, con gái ông là Thủ tướng kế vị Chandrika Kumaratunga, cũng bị thương trong một vụ tấn công năm 1999.

- Ngày 8-5-1993: Tổng thống Srilanka Ramasinghe Premadasa bị ám sát tại Côlômbô.

- Ngày 23-10-1994: Gamini Dissanayake - lãnh đạo phe đối lập ở Sri Lanka bị sát hại trong một vụ tấn công khi đang trở về từ Colombo.

- Ngày 15-8-1975: Thủ tướng đầu tiên của Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman bị ám sát.

- Ngày 30-5-1981: Thủ tướng kế nhiệm là Tướng Ziaur Rahman cũng bị ám sát.

TTXVN

T.VY (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên