Vừa chia tay ông hoàng cải lương Hồ Quảng Vũ Linh, người hâm mộ lại phải nói lời vĩnh biệt với người mà NSND Bạch Tuyết tôn vinh là "huyền thoại của sân khấu Việt Nam".
Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc.
Người diễn độc bằng mắt tuyệt vời
8 tuổi, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp theo đoàn cải lương Tam Phụng. Cha đã tìm thầy cho Diệp Lang học hát và bắt đầu với những vai phụ.
Rồi ông theo đoàn Kim Thoa, Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo - Ba Vân... Khi về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, ông được giao vai chánh - hoàng tử trong vở Chiếc nhẫn kim cương.
Nghệ danh Diệp Lang của ông mang ý nghĩa con của ông Ba Diệp. Năm 1962, ông thể hiện vai kép lão vở Người anh khác mẹ trên sân khấu Kim Chưởng và đoạt giải Thanh Tâm danh giá năm 1963.
Kể từ đó, nghệ sĩ Diệp Lang nổi danh với những vai kép tính cách, kép độc, kép lão xuất sắc, khó ai thay thế. Ông ghi dấu ấn trong vở Tìm lại cuộc đời, hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, Lỗ Quý trong Lôi Vũ...
NSND Bạch Tuyết buồn bã chia sẻ ở tuổi 79 chứng kiến những cuộc ra đi của người thân, bạn bè, đồng nghiệp... bà đã quen dần. Vậy mà khi nhận được tin buồn của nghệ sĩ Diệp Lang, bà vẫn cứ day dứt và đau lòng khó tả. Với bà, chuyến lưu diễn Tây Âu năm 1984 với vở Đời cô Lựu là cuộc hội ngộ đặc biệt trong cuộc đời làm nghệ thuật của cả hai.
"Ông Hội đồng" của nghệ sĩ Diệp Lang khiến "cô Lựu" Bạch Tuyết đau đớn và nặng lòng nhất với từng câu thoại rất ư là "Hội đồng Thăng".
Nghệ sĩ Bạch Tuyết nhấn mạnh: "Một vở cải lương đã gần 40 năm mà đi đâu, làm gì khán giả cũng nhắc nhớ. Đó là phước báu của Tổ dành tặng cho cả ê kíp. Từng câu ca, từng vai diễn của anh sẽ còn sống mãi và đi cùng năm tháng. Anh đã là một huyền thoại của sân khấu Việt Nam"...
Nghệ sĩ Lệ Thủy nghẹn ngào nói bà không chỉ coi Diệp Lang là ông anh trong nghề mà còn trân trọng xem ông như người thầy. Bà nói rất nhiều vai diễn của bà sau 1975 được khán giả nhớ đến hôm nay đều nhờ công chỉ dạy của nghệ sĩ Diệp Lang.
Bà kể năm 1984, một đoàn nghệ sĩ được tập họp lại từ các đoàn hát khác như Diệp Lang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tòng... đã tham gia chuyến lưu diễn phục vụ khán giả năm nước Tây Âu.
Khi về nước, thấy đoàn ăn khách, họ quyết định giữ lại thương hiệu này. Vì việc lập một đoàn hát thời ấy không đơn giản này nên các nghệ sĩ đã quyết định làm đoàn theo mô hình nhóm hát xã hội hóa lấy thời điểm lưu diễn là tháng 2-1984 đặt tên đoàn là 2-84.
Ông Thoại Sỹ trưởng đoàn, nghệ sĩ Diệp Lang và Bạch Tuyết phó đoàn. Qua nhiều giai đoạn sau đó thì nghệ sĩ Diệp Lang nắm vị trí trưởng đoàn và kiêm luôn chỉ đạo nghệ thuật. Đoàn dựng rất nhiều vở gây được tiếng vang và tồn tại khoảng 5-6 năm.
"Nhiều vai diễn của tôi từ đoàn hát này được khán giả nhớ đến hôm nay như vở Tô Ánh Nguyệt (cô Nguyệt), Đời cô Lựu (Kim Anh), Áo cưới trước cổng chùa (Xuân Tự), Lôi vũ (Lỗ Tứ Phượng)...
Tất cả đều nhờ anh Diệp Lang chỉ dạy tận tình. Tôi nhớ vở Tô Ánh Nguyệt anh nói không có người mẹ Việt Nam nào nỡ lòng bỏ con cho người khác nên ông viết thêm một lớp cảnh ba cô Nguyệt (nghệ sĩ Diệp Lang đóng) gặp cô đưa ra những lý do gia đình bị đàm tiếu, mẹ cô bệnh nặng, em trai bỏ học, vì lẽ đó mà Nguyệt đành phải hy sinh giao con cho Minh...".
Lệ Thủy cũng nói nhờ sự uốn nắn của nghệ sĩ Diệp Lang mà bà biết cách diễn khác giữa vai nữ trong tuồng sử, kiếm hiệp và nhân vật phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Bà phân tích cái hay ở nghệ sĩ Diệp Lang là biết vận dụng cặp mắt rất hay, tinh tế, độc ra độc, mùi ra mùi. "Có một vai diễn của anh rất ít thoại, vậy mà chỉ cần nhìn ánh mắt của anh là khán giả "đọc" hết được tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật" - Lệ Thủy nói.
Con người nghiêm túc và tình cảm
Nghệ sĩ Hồng Vân ngưỡng mộ diễn xuất của nghệ sĩ Diệp Lang, vì vậy khi thành lập sân khấu kịch Phú Nhuận năm 2001, chị mơ ước mời ông về cộng tác.
Khi lên kế hoạch dựng vở Chí Phèo - Thị Nở, chị cứ theo hình mẫu của ông mà khắc họa nhân vật Bá Kiến. Và may mắn cho Hồng Vân, người nghệ sĩ giỏi nghề ấy đã đồng ý về giúp cho sân khấu của lớp trẻ.
Với góc độ đạo diễn, nghệ sĩ Diệp Lang cũng hỗ trợ Hồng Vân rất nhiều. Chị nhớ lại khi dựng lớp cuối vở Chí Phèo, chị lên ý tưởng nghệ sĩ Diệp Lang đứng trên miếng gỗ có xe kéo giật đi, từ trên nóc nhà mái ngói sẽ rơi xuống thể hiện hệ quả của việc "nhà dột từ nóc".
Tuy nhiên, chị cứ chần chừ vì sợ chú Hai Diệp Lang lớn tuổi, có thể nguy hiểm. Tuy nhiên, nghệ sĩ Diệp Lang đã bảo chị cứ làm, ông quyết định diễn khụy gối trên miếng ván và đau đớn ôm đầu bất lực, như vậy không bị té và đã có tay che không sợ bị ngói rớt trúng đầu.
Ở mỗi buổi tập, nghệ sĩ Diệp Lang và Bảo Quốc luôn đến sớm khiến các diễn viên trẻ không dám lơ là. Hồng Vân cho biết ông rất hiền, không la mắng ai bao giờ. Tánh ông nghiêm túc nên ít nghệ sĩ dám giỡn hớt, bỡn cợt với ông. Thế nhưng kỳ thật ông rất tình cảm, có gì là chỉ bảo tận tình.
Nghệ sĩ Ngọc Huyền đang ở Việt Nam, khi nghe tin bác Hai Diệp Lang qua đời, chị đã liên lạc với bà Thu Phong, vợ nghệ sĩ Diệp Lang. Vợ ông kể mấy hôm trước đọc tin tức về sự ra đi của Vũ Linh, người em mà ông từng chỉ bảo trong nghề nghiệp, khiến ông rất đau buồn.
Nghệ sĩ Diệp Lang bệnh tim lâu nay. Trước khi mất ông bị mệt, ông nói người nhà lấy cho ông ly nước. Khi người nhà mang vô, đầu ông đã nghẹo sang bên, mọi người ngỡ ông mệt rồi bất tỉnh. Đến khi nhân viên y tế đến thăm khám báo ông đã ra đi, khiến cả nhà bàng hoàng.
"Khi có thời gian tôi hay qua thăm bác. Mỗi lần gặp, bác lại ca bài vọng cổ lẻ, đặc biệt bác hay hát lại vai hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu. Dù sức khỏe yếu nhưng bác còn mê nghề lắm" - nghệ sĩ Ngọc Huyền nói.
Trong ấn tượng của nhiều khán giả là "ghét" Diệp Lang bởi ông đóng nhiều vai phản diện. Nhưng một số khán giả bày tỏ rằng dù ghét vẫn ghiền coi ông diễn. Và dù là người đóng vai phản diện thuộc bậc thầy, ông vẫn làm khán giả mê mệt với từng trạng thái cảm xúc.
Và giờ đây, Diệp Lang đã về cõi mênh mông nhưng làng sân khấu và khán giả sẽ mãi nhớ ông.
Một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhưng bình dân
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền kể anh nhớ mãi nhiệm vụ khó mà cố đạo diễn Châu Huế giao cho anh khi anh làm phó đạo diễn bộ phim truyền hình Bình minh châu thổ là thuyết phục nghệ sĩ Diệp Lang hóa thân thành nhân vật Lê Niềm - lấy hình ảnh từ anh hùng lao động chân đất Trần Ngọc Hoằng (Ba Hoằng).
Đạo diễn Phương Điền nói: "Lúc đó chú Diệp Lang nổi tiếng, đắt sô diễn trên sân khấu. Ban đầu chú cũng ngại vì ít khi đóng phim, nhưng khi nghe tôi kể về nhân vật, về phim, chú thích quá nên nhận lời.
Hồi đó phim truyền hình sơ khai lắm, đóng phim vất vả. Có ngày chú quay ở Mộc Hóa (Long An), tối tôi chở chú bằng xe máy về lại Sài Gòn để kịp giờ hóa trang diễn trên sân khấu. Tôi nhớ lúc đó hơn 5h chiều, tôi chạy một mạch gần 2 tiếng về Sài Gòn.
Chú ngồi sau không nói tiếng nào. Lúc xuống xe ở rạp hát quận 5, chú hài hước chắp hai tay vào và nói với tôi "Kính thưa ông nội, đây là lần đầu cũng như lần cuối ngồi xe ông". Đến giờ hình ảnh về chú - một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, bình dân, hài hước - vẫn in dấu trong tôi".
Hoàng Lê
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận