04/03/2013 08:20 GMT+7

Vĩnh biệt nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Trưa 3-3, đạo diễn Lương Đình Dũng - người kiên trì trong bốn năm ròng để làm cho được bộ phim tài liệu Xẩm đỏ (Tuổi Trẻ ngày 7-8-2011) về cuộc đời của cụ Hà Thị Cầu - gọi điện thoại báo tin: Cụ Cầu mất rồi...

uMLoFPhk.jpgPhóng to
Cụ Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng tại Hà Nội năm 2011 - Ảnh: Hoàng Điệp

“Trời cao có thấu tình chăng/Đời người mấy lúc gian truân mà già”. Và câu hát ấy của cụ Cầu cứ vang lên giữa buổi trưa ngưng đọng...

Cụ Cầu ốm đã lâu rồi, từ trong tết, nhưng tin cụ mất vẫn khiến nhiều người trong giới thấy hụt hẫng, nhất là những người từng gắn bó với cụ, làm phim về cụ, nghiên cứu về cụ, học hát với cụ và những nhà báo đã viết bài về cụ.

Người già, trở bệnh rồi ốm đau, mà cụ Cầu đã nhiều lần ốm thập tử nhất sinh rồi, nhưng tiếng hát xẩm lại vực cụ dậy. Nên ai cũng mong lần này cụ ốm thế, nhưng biết đâu “ơn giời” cụ khỏe lại thì sao. Mọi người nói cũng chỉ biết “ơn giời”, bởi nghèo như cụ Cầu không ơn giời thì ơn ai để được sống đến bấy nhiêu tuổi mà rày đây mai đó?

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm, sinh năm 1921 tại Ý Yên, Nam Định. Cụ Cầu hành nghề hát xẩm từ khi 5 tuổi. Sau một thời gian dài ốm đau, cụ mất lúc 12g30 ngày 3-3 tại nhà riêng ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, hưởng thọ 92 tuổi. Lễ viếng cụ Hà Thị Cầu bắt đầu từ 7g ngày 4-3. Cụ sẽ được an táng lúc 9g30 ngày 5-3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô).

Cay đắng cả đời, mãn nguyện cả đời vì xẩm

Khi cụ Cầu trở bệnh, đạo diễn Lương Đình Dũng - người quyết tâm để quay cho được những thước phim thật nhất về cụ - đã hớt hải về thăm.

20 năm nay, cụ Cầu được tôn xưng là “báu vật nhân văn” của nghệ thuật hát xẩm. Ai cũng biết đến cụ là nghệ nhân cuối cùng của bộ môn nghệ thuật này nhưng bất kể ai từng gặp cụ Cầu một lần, từng ghé thăm căn nhà nhỏ bé đến mức không thể bé hơn của cụ đều biết cụ Cầu sống rất khổ sở. Khổ sở đúng nghĩa với nghề hát xẩm đã gắn vào cuộc đời cụ từ lúc còn ẵm ngửa. Và rồi cũng vì xẩm mà cụ gắn bó cả đời với ông Trùm Mậu trong thân phận người vợ thứ 18 - người vợ cuối cùng của ông.

Xẩm cũng khiến cụ lưu lạc khắp nơi từ Nam chí Bắc. Cụ giữ xẩm vì xẩm nuôi sống cụ, nuôi sống đàn con của cụ, dù cái nghề bạc bẽo ấy chả vinh dự gì. Cụ gắn bó thân thiết với xẩm đến mức khi ngủ cũng phải đắp chiếu vào người mới ngủ được, bởi đó là thói quen của những người hát rong bên manh chiếu rách.

Chả lần nào thấy cụ tỏ ra buồn rầu hay đau đớn vì đã chọn xẩm. “Từ khi còn ẵm ngửa đã theo mẹ đi hát xẩm, rồi quen với xẩm, với tiếng phách, tiếng nhị từ khi còn trong trứng thì còn gì khác nữa để mà lựa chọn” - cụ Cầu đã nói thế khi được hỏi sao không từ bỏ nghề này để chọn một công việc khác cho bớt cực.

Xẩm đối với cụ không chỉ là kế sinh nhai mà như cơm ăn, như hơi thở, như là nước uống hằng ngày. Dù nghèo khổ, cụ thật sự hạnh phúc vì xẩm. Xẩm đưa đôi chân cụ đi khắp chốn khắp nơi, được nghe đủ mọi chuyện từ sang hèn đến hỉ nộ ái ố. Xẩm cũng mang lại cho cụ cảm giác hạnh phúc khi được những người dân nghèo nghe xong và bỏ tiền vào chiếc khay đặt giữa chiếu xẩm đầu làng.

Cụ Cầu có thể hát hàng trăm bài xẩm, không bài nào giống bài nào, thậm chí cụ có thể ứng khẩu mà kéo nhị thành những bài hát, những câu thơ như một nghệ sĩ sáng tác. Tiếng nhị cứ như tiếng cứa, đau đến buốt lòng người nghe. Nói vui, cụ hát vui, nói buồn, cụ hát về nỗi buồn, nói nhân tình thế thái, cụ hát về nhân tình thế thái... lại rất đúng, rất chuẩn... Xẩm là cái nghiệp đã gắn bó với cụ cho đến lúc nhắm mắt...

Mất mát không gì bù đắp được...

Ngày 2-3, đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Thao Giang dẫn đầu đã về thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nhắc lại giây phút gặp gỡ cuối cùng, nhạc sĩ Thao Giang nghẹn ngào: “Hôm qua chúng tôi về thăm cụ khi biết cụ đã yếu lắm rồi. Chân lạnh, tay lạnh và không còn cử động được nữa. Để duy trì sự sống cho cụ, gia đình đã phải cho cụ ngậm sâm và uống nước nhiều ngày nay. Thế mà khi chúng tôi về nói chuyện, cụ vẫn mấp máy môi và gật đầu nhận ra từng người. Tôi chỉ có thể nói rằng đây là mất mát không gì có thể bù đắp được cho nghệ thuật hát xẩm Việt Nam”.

Khi thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thao Giang và giáo sư Phạm Minh Khang đã nhiều lần đưa học trò về tận Ninh Bình để học hỏi nghệ nhân Hà Thị Cầu, và cũng nhiều lần trung tâm đón nghệ nhân lên Hà Nội biểu diễn. Trung tâm cũng là nơi đầu tiên mở ra chiếu xẩm ở Hà Nội với mong ước khôi phục chút đỉnh nghệ thuật hát xẩm đang ngày càng mai một.

Năm 2011, lần đầu tiên trung tâm tuyển sinh học viên hệ đại học cho bộ môn hát xẩm, với mong ước sau hai năm học lý luận về âm nhạc xong các em sẽ được nghệ nhân Hà Thị Cầu trực tiếp chỉ giáo: “Nhưng các em ấy chưa một lần được học cụ Cầu vì cụ ốm quá. Thế là ước mơ của chúng tôi với cụ lại dang dở nữa rồi...”.

Đang ở Tây nguyên để thực hiện một dự án bảo tồn về văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chỉ biết buông những tiếng thở dài khi nói về sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Trước tết, khi nghe tin cụ ốm nặng đến mức không nói được, anh Hiền đã không quản ngại đêm hôm rét mướt chạy xe máy một mạch về thăm “bu Cầu”.

Ăn với cụ bát cơm, ngủ lại nhà cụ một đêm rồi sáng hôm sau lên Hà Nội hớn hở khoe: “Tôi về bu lại ngồi lên được rồi, lại ăn được một chút cháo, cả ngày bu nằm im trong nhà như giận dỗi, thế mà nhắc đến xẩm một cái là bu tỉnh ngay...”. “Hôm mồng 6 tết tôi lại về, bu vẫn nhận ra tôi và nhúc nhắc nói chuyện. Thật không ngờ...” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền buông tiếng “thật không ngờ” đầy đau đớn. Đối với anh, cụ Cầu không chỉ là “báu vật nhân văn” quốc gia mà còn gắn bó như ruột rà rất nhiều năm nay. Và nỗi xót xa của anh đối với người đàn bà hát xẩm này đã được tha thiết kêu nhiều lần nhưng nó cứ chìm vào thinh không...

Còn đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết với hàng ngàn phút phim về cuộc đời cụ Hà Thị Cầu mà anh tự bỏ tiền túi ghi hình trong nhiều năm trời, anh tin rằng đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho nghệ thuật dân gian Việt Nam. Điều mà anh cảm thấy tiếc nhất đối với cuộc đời cụ Cầu không chỉ là câu chuyện mất đi một nghệ nhân dân gian, báu vật sống của Nhà nước mà còn bởi sự không trân trọng đối với những người như cụ Cầu sẽ dần mất đi vốn văn hóa rất khác biệt và đặc trưng của Việt Nam.

Và suy nghĩ này chắc chắn không chỉ của Lương Đình Dũng mà còn của những người đã lặng lẽ nghe cụ Cầu hát, lặng lẽ trân trọng những gì còn sót lại của nghệ thuật hát xẩm thông qua người phụ nữ có cuộc đời kỳ lạ như cụ...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên