Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang và NSND Trần Bảng tại lễ mừng thọ nhân dịp ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 - Ảnh: Đ. Triết
Theo thông tin từ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và gia đình, tang lễ của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội vào sáng 21-2 (tức mồng 6 tết Mậu Tuất).
Trước đó, lễ viếng từ 7h45 đến 8h45; truy điệu lúc 8h45; di quan lúc 9h15 và an táng vào 15h cùng ngày tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình.
Hội thảo mừng thọ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang trăm tuổi vừa mới tổ chức hồi cuối tháng 1 cùng biết bao lời tôn vinh, niềm yêu kính của bao thế hệ học trò, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ dành cho "lão tướng tuồng" thì cụ đã tạ thế lúc 18h30 ngày 14-2 (29 tết), hưởng thọ 101 tuổi.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sinh ngày 1-5-1917 tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng từ tháng 8-1945. Ông công tác tại các cơ quan văn hóa văn nghệ cách mạng ở Bình Định, Huế, Sài Gòn, Khánh Hòa và Thủ đô Hà Nội trong hơn 70 năm qua.
Ông được coi là một trong những soạn giả và nhà nghiên cứu hàng đầu của nền sân khấu cách mạng.
Ở lĩnh vực sáng tác của ông phải kể đến những vở như Đường về Lam Sơn, Má Tám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Vua Hùng kén rể, Hộp truyền đơn, Phất cờ nương tử, Thanh gươm hát bội, Giấc mộng hồ hoa, Bà mẹ làng Sen…
Trong số đó, vở tuồng Thanh gươm hát bội đã giành Huy chương vàng tại hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 1990; kịch bản kịch thơ Vua Hùng kén rể không chỉ được sân khấu tuồng dàn dựng mà nhiều đoàn cải lương, múa rối cũng biểu diễn thành công.
Đặc biệt, vở tuồng Má Tám là vở đã mở lối cho Nhà hát Tuồng Việt Nam tiếp tục thành công về đề tài hiện đại ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, không thể không nhắc đến những tâm huyết của ông ở các công trình: Tìm hiểu nghệ thuật tuồng, Đặc trưng nghệ thuật tuồng, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc,Thân Thế và sự nghiệp Đào Tấn, Khơi nguồn mỹ học dân tộc…
Với những công trình nghiên cứu này, ông là người luôn xông pha, đi đầu, tích cực và triệt để nhất trong trận chiến bảo vệ nền nghệ thuật truyền thống dân tộc, bắt đầu từ nghệ thuật tuồng.
Qua những đóng góp bền bỉ cho nền nghệ thuật dân tộc, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nhưng, có lẽ, với ông niềm hạnh phúc nhất là luôn được nhiều thế hệ nghệ sĩ, học trò nghiêng mình trước tài năng, niềm say mê tâm huyết của ông với nghệ thuật dân tộc cũng như nhiều người luôn coi ông là tấm gương về ý chí tự học, sự khiêm nhường mà không màng danh lợi khi đã dấn thân vào nghệ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận