05/11/2016 10:05 GMT+7

Vĩnh biệt chính ủy của trời và biển

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Thiếu tướng Trần Văn Giang là một trong những nhân vật đặc biệt của lịch sử quân đội Việt Nam. Ông là chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội và sau này là chính ủy Quân chủng hải quân.

Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang (thứ hai từ trái) trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Liên Xô - Ảnh: M.L.
Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang (thứ hai từ trái) trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Liên Xô - Ảnh: M.L.

Con người xuất chúng ấy đã về với trời xanh, mây trắng khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3-11, ở tuổi 93.

Là một cán bộ dày dạn trận mạc, có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, thiếu tướng Trần Văn Giang là hiện thân của một phần lịch sử quân sự Việt Nam. Vị tướng ấy gắn bó cả cuộc đời với công cuộc chiến đấu, bảo vệ trời và biển Tổ quốc.

Dày dạn trận mạc

Sinh thời, trong những câu chuyện ôn lại thuở chinh chiến, vị tướng người Hải Phòng ấy luôn là sự ngưỡng mộ và tôn trọng của những người vào sinh ra tử cùng ông.

Ông là một trong số cán bộ trực tiếp tham gia, chỉ huy đơn vị trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trận Điện Biên Phủ trên không.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị trung đoàn pháo cao xạ 367, người chỉ huy trẻ Trần Văn Giang cùng với các chỉ huy đơn vị làm rất tốt công tác lãnh đạo về tư tưởng, đồng thời làm tốt việc thực hiện phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ông cũng là một trong những người tổ chức cho trung đoàn phối hợp với các đơn vị tham gia chiến dịch trút lưới lửa lên đầu quân địch, cùng với quân và dân làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, người chỉ huy ấy đảm nhận cương vị mới: chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội rồi chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hải Phòng.

Đặc biệt, trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, với cương vị chính ủy sư đoàn phòng không 361 (sư đoàn phòng không Cận vệ đỏ), ông đã góp phần cùng sư đoàn phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, địa phương bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khi bảo vệ thủ đô.

Đại tá Hoàng Bảo (84 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) - nguyên trưởng ban huấn luyện sư đoàn phòng không 361 - nhớ lại: Chính ủy Trần Văn Giang luôn nho nhã, hiền lành, giản dị, khiêm nhường, là người lãnh đạo “miệng nói tay làm”.

Khi đã là chỉ huy cấp cao của lực lượng phòng không, ông vẫn thường xuống trận địa cùng với anh em đốc chiến chứ không ngồi một chỗ ở sở chỉ huy.

Nhiều lần chính ủy Trần Văn Giang ngồi trong xe chỉ huy tên lửa, cùng chịu nóng với anh em chiến sĩ. Trong xe như cái lò, nhiệt độ lên đến 42-43oC.

Ban đêm báo động 7-8 lần. Ông vẫn nằm trong xe suốt đêm với bộ đội. Ngoài trận địa, xe chỉ huy tên lửa là nơi nguy hiểm nhất vì tên lửa tự dẫn của địch khi bay ra khỏi máy bay cứ theo cánh sóng của xe phát ra mà lao vào.

“Năm 1967, thời điểm ác liệt nhất, địch dùng tên lửa không đối đất bắn, có trận địa cả xe chỉ huy hơn 10 người tan nát hết. Nguy hiểm sinh mạng là thế, nhưng anh Giang vẫn không ngại ra tận trận địa để động viên tinh thần anh em” - đại tá Hoàng Bảo nói.

Luôn lắng nghe

Ông Bảo tâm sự: “Điều chúng tôi quý nữa ở chính ủy Trần Văn Giang là anh ấy luôn biết lắng nghe cấp dưới. Nhiệm vụ của chính ủy là người lãnh đạo công tác chính trị, công tác Đảng nhưng anh ấy còn biết lắng nghe ý kiến của cả bộ phận tác huấn tên lửa”.

Đại tá Hoàng Bảo cho biết trong thời kỳ đánh Mỹ trên bầu trời, địch thay đổi rất nhiều kỹ thuật, phương án tác chiến, thủ đoạn. “Có một thời gian Mỹ nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để chống tên lửa ta. Bộ đội tên lửa gặp rất nhiều khó khăn. Tên lửa mình cứ phóng lên là rơi xuống đất.

Chúng tôi tập trung tìm cách đánh. Lúc đó tôi là trưởng ban tác huấn tên lửa Bộ đội phòng không Hà Nội. Tôi đề xuất phương án kết hợp quan sát mắt thường với dùng kính ngắm quang học. Nhưng nhiều người cứ gạt đi vì họ học ở nước ngoài về, cho rằng đó là phương pháp cũ, sẽ thất bại.

Tôi ức lắm vì không ai chịu nghe mình. Anh Giang biết chuyện đến gặp tôi, điềm đạm bảo: “Cậu nói cho tớ nghe xem nào”. Nghe xong, anh bảo tôi: Cậu chuẩn bị thật kỹ đi, khi họp thường vụ sư đoàn tôi sẽ để cậu trình bày”.

Sau lần trình bày đó, phương án của ông Bảo được chấp thuận. Chính ủy Trần Văn Giang luôn đến tận trận địa cùng bộ đội huấn luyện theo lối đánh mới. Ngay trong trận đánh sau đó, đơn vị bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay địch.

“Là chỉ huy nhưng anh luôn luôn gợi mở để anh em phát huy hết khả năng của mình. Nhiều chỉ huy thường nghiêng theo ý kiến số đông nhưng anh thì khác. Anh luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến trái chiều, ý kiến thiểu số” - đại tá Hoàng Bảo nói.

Tháng 7-1974, vị chính ủy của Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội Trần Văn Giang được bổ nhiệm làm chính ủy của một quân chủng khác: Quân chủng hải quân. Trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho chính ủy Trần Văn Giang cùng đơn vị chuẩn bị lực lượng giải phóng Trường Sa.

Từ một chỉ huy cấp cao của phòng không, chuẩn đô đốc (thiếu tướng) Trần Văn Giang cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi nghỉ hưu, chuẩn đô đốc Trần Văn Giang là một trong những người sáng lập Hội Cựu chiến binh TP.HCM.

“Tôi nằm đây thanh thản một cuộc đời”

Là một vị tướng tài ba nhưng có tâm hồn thi sĩ, thiếu tướng Trần Văn Giang đã xuất bản nhiều cuốn sách được người đọc yêu mến, trong đó có những cuốn sách được tái bản đến 8 lần như Bác Hồ kể chuyện Tây du ký.

Thật thú vị khi biết nhiều bài thơ của ông như: Chim nhạn, Có những tuổi 20 như thế, Còn có kiếp sau, Mãi còn yêu... được phổ nhạc và được công chúng đón nhận.

Trong gia đình, vị tướng ấy là người chồng, người cha, người ông mẫu mực: luôn nhỏ nhẹ, khiêm nhường, nhân từ và bao dung. Ông có ba người con. Các con cháu của ông đều thành đạt. Người con trai cả là tiến sĩ đang giảng dạy trong một trường đại học tại Úc.

Con rể là một vị tướng lãnh đạo một bệnh viện lớn của quân đội phía Nam. Con gái ông là phó giám đốc Bệnh viện An Sinh... Có một sự gắn kết, đồng điệu giữa các thành viên trong gia đình khi nhiều bài thơ của ông được con trai, con rể phổ nhạc.

Vị tướng của bầu trời và mặt biển ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Xin khép lại bài viết bằng lời trong bài hát Có những tuổi 20 như thế do ông viết lời và con rể (thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện 175) phổ nhạc: “Tôi ngã xuống giữa lòng đất mẹ đỏ.

Ngày lại ngày lặng lẽ trôi. Tôi nằm đây thanh thản một cuộc đời. Cỏ cây xanh mỗi ngày mỗi mới. Và bầu trời xanh thẳm phủ trên tôi. Có những tuổi hai mươi như thế. Có những tuổi hai mươi như tôi…”.

Thiếu tướng Trần Văn Giang mất lúc 12g15 ngày 3-11-2016 tại Bệnh viện quân y 175. Lễ viếng từ 9g30 ngày 5-11 đến 7g ngày 7-11-2016 tại nhà tang lễ quốc gia (số 5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Lễ truy điệu, đưa tang lúc 7g ngày 7-11-2016 và sau đó an táng tại nghĩa trang TP.HCM.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên