TTCT - Những diễn biến liên quan tới vịnh Bắc Bộ mấy ngày qua khiến nảy ra hai câu hỏi. (1) Trung Quốc "bỗng dưng" đòi thiết lập đường cơ sở mới ở vịnh Bắc Bộ... để làm gì? (2) Tại sao Việt Nam tiếp tục yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)?Hai câu hỏi trên phản ánh hai thái độ hoàn toàn trái ngược: một bên nhất mực tuân thủ luật pháp quốc tế, mà cụ thể là UNCLOS, như cách đây hơn 30 năm khi bước vào vòng đàm phán cuối cùng về vịnh Bắc Bộ (từ năm 1992 tới 2000); còn bên kia, ban đầu cũng tuân thủ luật pháp, song sau đó đổi sách lược...Đã từng thượng tôn luật phápBáo của Hong Kong South China Morning Post (SCMP) 13-3 dựa trên ý kiến của các chuyên gia quốc tế cao cấp về luật pháp trên biển đã nhận định: "Động thái của Bắc Kinh nhằm thiết lập đường cơ sở ở vịnh Bắc Bộ là dấu hiệu cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược này". Quả quyết này là của Isaac Kardon, thuộc Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie có trụ sở tại Washington, D.C. Theo đó, hành động mới nhất của Bắc Kinh đã biến một phần lớn phía bắc Biển Đông thành vùng nội thủy của Trung Quốc, trái ngược với những thỏa thuận trước đây.Ranh giới trên biển giữa hai nước theo Hiệp định Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: CSIS/AMTITrong một phân tích công bố năm 2015 trên website của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), chính Kardon đã thuật lại quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Vịnh Bắc Bộ: "Trung Quốc đã có những tương nhượng đáng kể. 21 điểm (mốc) địa lý tạo thành ranh giới Trung - Việt ở vịnh Bắc Bộ chia vịnh này thành hai phần không bằng nhau, với 53,23% diện tích nước nằm bên phía Việt Nam của đường này". Một vấn đề khác được nhắc tới là đảo Bạch Long Vĩ: "Hòn đảo này, từng là chủ đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, đã được giải quyết vào năm 1957 khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai từ bỏ yêu sách của phía Trung Quốc". Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140km.Tại sao Bắc Kinh lại tương nhượng? Theo Kardon, lý do là "để sau này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề biên giới... và các đàm phán trong tương lai".Benoît de Tréglodé của Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quân sự Pháp (IRSEM), trong nghiên cứu "Phân định ranh giới biển và hợp tác Trung - Việt ở vịnh Bắc Bộ (1994-2016)", giải thích sách lược và thái độ của phía Trung Quốc vào thời điểm đàm phán: "Những năm 1992 và 1993, với tinh thần "ngoại giao ngoại vi", Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng (nhiệm kỳ 1987-1998) đã thay mặt đất nước đề nghị với chính quyền Việt Nam nối lại đàm phán biên giới, trước hết dọc theo biên giới đất liền (hiệp định được ký năm 1999), và sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, trên biển, ở vịnh Bắc Bộ".Theo tác giả, trong giai đoạn đó, Trung Quốc đang tìm cách nâng thế và lực của họ, nên "đã sốt sắng tìm cách tái lập quan hệ đối tác dọc biên giới phía nam càng sớm càng tốt". Tác giả đi sâu vào những tính toán của Trung Quốc lúc đó. (1) "Mặc dù Vịnh Bắc Bộ không phải là khu vực nằm trong danh sách những ưu tiên của Bắc Kinh, nhưng quyết định này có lợi thế là tái cân bằng sách lược hàng hải của nước này ở một khu vực ít tranh chấp hơn khu vực Biển Đông". (2) "Làm như vậy, Trung Quốc cũng tự tạo cho mình khoảng cách an toàn để chứng tỏ cho các quốc gia khác giáp Biển Đông rằng họ có thể hành động thiện chí khi giải quyết xung đột trên biển". Những tính toán đó, theo tác giả, dẫn tới "kết quả là suốt những năm 1990, chính quyền Trung Quốc đã rất quan tâm đến các cuộc đàm phán với Hà Nội ở vịnh Bắc Bộ".Cần nhắc lại rằng mãi đến năm 1991, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam mới đi vào ổn định sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt vào tháng 11, để "chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước" (tạp chí Cộng Sản 8-10-2011). Sau đó nữa các cuộc đàm phán biên giới được nối lại.Đến tháng 10-1993, Trung Quốc và Việt Nam đã có thể công bố "Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ", tiến hành đàm phán về biên giới trên đất liền, phân định vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Thỏa thuận này, theo de Tréglodé, "áp dụng luật pháp quốc tế và thích ứng với thông lệ quốc tế, đồng thời tính đến hoàn cảnh đặc biệt của vùng vịnh Bắc Bộ để đạt được giải pháp công bằng". Trong 6 năm, từ tháng 3-1994 đến tháng 12-2000, Trung Quốc và Việt Nam đã tập hợp các nhóm công tác chung vào 17 dịp khác nhau. Ngày 25-12-2000, hiệp định về phân định ranh giới trên biển được ký kết tại Hà Nội, cùng hiệp định về nghề cá.Ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước. Ảnh: TTXVNUNCLOS và UNCLOSĐến đây, cần trở lại với hiện tại, cụ thể là phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 13-3 vừa rồi: "Việt Nam cho rằng các quốc gia ven biển cần tuân thủ công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS năm 1982 khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải".Phải thấy rõ rằng thoạt kỳ thủy, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng đàm phán trên nền tảng UNCLOS. Ngay trong Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ (tên đầy đủ: Hiệp định giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc Bộ), điều 1 đã khẳng định: "Hai Bên ký kết căn cứ vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, các nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế được công nhận". Có thể thấy rõ khi đàm phán và cuối cùng ký kết hiệp định, hai bên đã căn cứ trước hết vào UNCLOS 1982.Điều 1 đó cùng chữ ký của hai bộ trưởng ngoại giao lúc bấy giờ: Nguyễn Dy Niên (Việt Nam) và Đường Gia Triền (Trung Quốc) nay đều còn giá trị pháp lý không thể tranh cãi.UNCLOS cũng là chủ đạo trong các đàm phán và ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4-11-2002 ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Điều 1 của tuyên bố nêu rõ: "Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á...".Ngoài điều 1 trong tuyên bố, UNCLOS còn được viện dẫn trong điều 3 liên quan đến quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, điều 4 liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tài phán bằng các phương tiện hòa bình... Việc UNCLOS là cơ sở tham khảo và viện dẫn của DOC cho thấy vị trí nền tảng của luật này vào thời điểm đó (cũng đáng nhắc rằng thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc khi đó là ông Vương Nghị, nay là bộ trưởng ngoại giao và hơn thế nữa). Người cũ, cảnh cũ vẫn còn, nhưng cục diện đã khác!Có nhiều lý giải về sự thay đổi thái độ này, như việc Trung Quốc bị Philippines kiện ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và bị xử thua, trên cơ sở UNCLOS, vào năm 2016. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là những diễn tiến trên thực địa. Các hoạt động thực thi pháp luật hàng hải đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông cũng không tuân thủ nhiều quy định khác nhau của UNCLOS về quyền của quốc gia ven biển và các quy định về tự do hàng hải trong luật.Trong khi đó, Tuyên bố Cấp cao năm 2020 của các nước ASEAN đã nhấn mạnh một cách nhất quán rằng UNCLOS là khuôn khổ pháp lý để xác định các quyền trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển ở Biển Đông. Thành ra, Việt Nam, vốn chấp hành UNCLOS, viện dẫn đến luật này trước thực tế Trung Quốc đang có những động thái đáng ngại ở vịnh Bắc Bộ là tất yếu, hợp pháp, và chính đáng.Trong bối cảnh đó, tờ SCMP của Hong Kong nhận xét: "Việc phân định lại ranh giới [của Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ] cũng có thể coi là "bước đi tất yếu" hướng tới khả năng quần đảo Trường Sa đang tranh chấp sẽ trở thành khu vực tiếp theo mà Bắc Kinh muốn vạch các đường ranh giới của họ".Để kết luận, có thể dẫn lời nhà nghiên cứu Shashank S. Patel phát biểu với EurAsian Times 9-3: "Đường cơ sở mới sẽ xác định hơn 60% mặt nước thuộc chính quyền Trung Quốc, vi phạm trắng trợn UNCLOS về lãnh hải..., ảnh hưởng đến quyền đánh bắt cá, chuỗi cung ứng và tuyến đường biển của Việt Nam trong những ngày tới".■ Stein Tønnesson của Trung tâm Nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO) đánh giá Hiệp định Vịnh Bắc Bộ là "một khuôn mẫu giải quyết xung đột" (Cambridge University Press, 2016). Tác giả người Thụy Điển rất đề cao quá trình đàm phán: "Thỏa thuận biên giới biển Trung - Việt và thỏa thuận nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, cả hai đều được ký kết năm 2000, chỉ ra một số cách thức mà các quốc gia trong khu vực có thể tiến tới giải quyết tranh chấp trên biển ở Biển Đông".Tác giả nêu ra 6 điểm tích cực của quá trình đàm phán, đáng lưu ý nhất là: "Đầu tiên, là cách thức họ đã thương lượng. Thứ hai, là bằng cách sử dụng luật pháp quốc tế". Tags: Vịnh Bắc bộLiên Hiệp QuốcLuật pháp quốc tếKhu vực Biển ĐôngThăm Trung Quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.