Đại diện VKSND TP.HCM tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Sáng 28-12, phiên tòa xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab) bắt đầu phần tranh luận với việc đại diện VKSND TP.HCM phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Tòa khẳng định vẫn độc lập phán quyết
Trước khi tranh luận, HĐXX đã có ý kiến giải thích về việc vụ án kéo dài. Thẩm phán chủ tọa Huỳnh Công Toại cho rằng đây là vụ kiện xảy ra lần đầu tiên ở Việt Nam nên rất nhiều quan điểm, ý kiến được các bên đưa ra và được dư luận quan tâm.
Ông Toại cũng cho biết vụ án kéo dài do chờ kết quả giám định, có nhiều trường hợp phiên tòa phải dừng, hoãn, ngoài những điều kiện khách quan như tòa án đang trong giai đoạn trùng tu nên điều kiện cơ sở vật chất hạn chế thì còn có nguyên nhân chủ quan như đương sự xin vắng mặt, xin hoãn hoặc tạm ngừng để hòa giải như vừa qua.
"Đổ tội cho tòa kéo dài vụ án là không công bằng", chủ tọa nói.
Ngoài ra, HĐXX còn cho biết thêm trong thời gian tòa đang xử vụ án này, các đương sự đã gửi đơn, văn bản lên các cơ quan khác như Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch nước, thậm chí gửi các cơ quan ở nước ngoài...
Có ý kiến đề cập đến chuyện vụ án nhỏ mà phải báo cáo Hội đồng thẩm phán, đặt vấn đề có vi hiến hay không.
Chủ tọa phiên tòa nói: "Tôi không khẳng định về việc có báo cáo án hay không, vì có nghĩa vụ trả lời đương sự, tuy nhiên nếu có báo cáo thì cũng không vi hiến vì báo cáo để người giải quyết vụ án có thêm thông tin, còn việc giải quyết vụ án như thế nào là việc của HĐXX. HĐXX độc lập khi xét xử và không bị tác động bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào".
Tài xế Vinasun phản đối quan điểm Vinasun không chứng minh được thiệt hại là do Grab gây ra của VKS - Video: HOÀNG ĐÔNG
Đề nghị bác yêu cầu của Vinasun
Trong phần tranh luận, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp về kinh doanh thương mại, thuộc thẩm quyền của TAND TP.HCM.
Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng quá trình xem xét tài liệu trong hồ sơ vụ án và quá trình tranh luận tại phiên tòa cho thấy Grab có vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng đề án 24.
VKS cho rằng báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Vinasun thể hiện lợi nhuận của năm 2016 đến đầu năm 2017 đã bị giảm sút. Tuy nhiên Vinasun không chứng minh được thiệt hại này do Grab gây ra.
Kết luận giám định của công ty Cửu Long cho rằng nguyên nhân chính do Grab là không hợp lý. Công ty Cửu Long tuy được tòa triệu tập nhiều lần nhưng không đến tòa.
Theo VKS, giá cổ phiếu giảm sút không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Vinasun mà ảnh hưởng đến các cổ đông. Hoạt động của Vinasun có nhiều lĩnh vực nhưng Vinasun không tách bạch ra để chứng minh thiệt hại.
Trên thực tế thiệt hại của Vinasun có thể lớn hơn nhưng Vinasun không chứng minh được hành vi của Garb là nguyên nhân duy nhất gây thiệt hại.
Từ đó, VKS đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tuy nhiên, VKS sẽ báo cáo, đề xuất Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng lại phương pháp quản lý.
Sau khi VKSND TP.HCM phát biểu quan điểm trên, các tài xế Vinasun đã tụ tập, phản đối trước cổng tòa.
Các tài xế Vinasun phản đối phát biểu "đề nghị bác đơn kiện của Vinasun" của VKS - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận