Gian trưng bày của VinAI tại NeurIPS - Ảnh: VinAI
Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với TS Bùi Hải Hưng - viện trưởng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI Research - về khát vọng đưa trí tuệ nhân tạo Việt Nam ra với thế giới.
* NeurIPS được xem như "Oscar" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thế giới. Là tên tuổi mới, VinAI đã mang đến đây nghiên cứu gì và điều gì khiến VinAI tự tin chọn "sân khấu lớn" như vậy để ra mắt các nghiên cứu?
- Bất kỳ ai nghiên cứu về AI đều có chung mong muốn có các nghiên cứu được công bố ở NeurIPS. Thông thường hằng năm, chỉ 20% các công trình nghiên cứu "vượt qua" được những đánh giá tương đối khắt khe từ ban giám khảo là hội đồng các nhà khoa học hàng đầu thế giới. NeurIPS là nơi tốt nhất để công bố kết quả các nghiên cứu về AI.
VinAI gửi đến nghiên cứu và được hội đồng thông qua 2 nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có công bố tại hội thảo số 1 về AI và máy học này. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước thứ hai sau Singapore có nghiên cứu được công bố tại NeurIPS.
NeurIPS cũng là nơi mà những công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Apple, Amazon, Microsoft đến "săn đầu người". VinAI cũng tới hội nghị này để xây dựng mạng lưới nghiên cứu và chọn lọc những nhân sự tốt nhất cho mình.
TS Bùi Hải Hưng
* Các nghiên cứu của VinAI tập trung vào lĩnh vực gì, liệu có được áp dụng rộng rãi hay không?
- Các nghiên cứu của VinAI được công bố tại NeurIPS là những kết quả ban đầu của dự án nghiên cứu về vấn đề tối ưu hóa quyết định và lựa chọn hành động cho hệ thống AI.
Khi máy tương tác với môi trường, đặc biệt khi những tương tác này ảnh hưởng trực tiếp đến dữ liệu của hệ thống trong tương lai, máy cần cân nhắc giữa việc tối ưu hóa dựa vào những thông tin máy đã học được với việc khám phá những thông tin và khái niệm mới.
Những nghiên cứu này có nhiều ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhau như robot thông minh, hệ thống đưa ra gợi ý, đề xuất, tiếp thị kỹ thuật số, mua hàng trực tuyến, quảng cáo web, điều chỉnh siêu tham số của các thuật toán học máy.
Ngoài dự án này, VinAI còn tập trung vào các dự án khác liên quan đến nhận diện khuôn mặt, thị giác máy tính, xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên.Với hệ sinh thái đa ngành của Vingroup thì những nghiên cứu từ VinAI sẽ sớm có cơ hội được đưa vào ứng dụng thực tiễn.
* Chuyện nghiên cứu khoa học không phải "ngày một ngày hai" mà có kết quả. Nhưng với hai nghiên cứu tại NeurIPS chỉ sau 8 tháng thành lập, liệu VinAI có phải "đốt cháy" giai đoạn không?
- Xác định xây dựng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong nước, chúng tôi tự đặt mục tiêu cao ngay từ đầu. Quan trọng nhất là về nhân sự, VinAI đã tập hợp những nhà khoa học người Việt và các chuyên gia quốc tế có danh tiếng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đã có thành tựu được công bố toàn cầu để có thể bắt tay vào việc luôn.
Bên cạnh đó, VinAI hợp tác với những viện nghiên cứu, các trường đại học công nghệ hàng đầu thế giới để tạo ra mạng lưới cùng trao đổi, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp AI cho những bài toán mình đặt ra.
* Với việc đưa trí tuệ nhân tạo Việt Nam ra khỏi "vùng trắng" của AI thế giới, VinAI kỳ vọng gì từ lần "chơi lớn" này?
- Trong giới công nghệ, AI được quan tâm và có tính dẫn dắt nhất. Việc có công trình khoa học được công bố trên thế giới đã ghi dấu ấn trong cộng đồng công nghệ, nâng cao vị thế của VinAI. Quan trọng hơn, khi bắt đầu được biết đến trong ngành, VinAI sẽ dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam làm việc.
Đồng thời, việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu đỉnh cao về trí tuệ nhân tạo mang lại điều kiện rất tốt để các nhà khoa học tên tuổi sẵn sàng tới Việt Nam trao đổi khoa học, nâng cao cơ hội học tập, trao đổi chuyên môn.
Lần đầu tiên Việt Nam có nghiên cứu công bố tại NeurIPS 2019
NeurIPS 2019 (Neural Information Processing Systems - hội nghị quốc tế hằng năm về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh nhân tạo) diễn ra từ ngày 8 đến 14-12 tại Vancouver, Canada. Đây là hội nghị số 1 trên thế giới về AI và học máy. Với quy mô hơn 10.000 người tham dự, NeurIPS là nơi quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong giới học thuật.
Hội nghị năm nay có tổng cộng 1.428 nghiên cứu được nhận, trong tổng số 6.743 nghiên cứu nộp. Google, Google Brain và Google Deepmind là công ty có số lượng nghiên cứu được nhận nhiều nhất với 170 nghiên cứu; đứng thứ hai là ĐH MIT với 86 nghiên cứu. ĐH Stanford đứng thứ ba với 85 nghiên cứu, ĐH CMU (Cernegie Mellon University) có 79 nghiên cứu...
Với 2 nghiên cứu từ VinAI, đây là lần đầu tiên Việt Nam có công bố tại hội thảo này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận