Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp thẩm định và cho ý kiến, hiện các hồ sơ đã được gửi lại cho 3 doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống theo quy định nêu tại quyết định 316 của Thủ tướng về việc phê duyệt thí điểm dịch vụ này.
Theo quyết định 316, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn tại các điểm kinh doanh để nhận biết và xác thực chính xác khách hàng (nhận diện khuôn mặt...) khi đăng ký sử dụng dịch vụ mobile money.
Đồng thời, doanh nghiệp thí điểm dịch vụ này còn phải xây dựng cơ chế kiểm soát các giao dịch tiền mặt tại các điểm kinh doanh đảm bảo nhận biết và kiểm soát được chính xác số tiền đã nhận của khách hàng...
Ngân hàng Nhà nước khẳng định ngay khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, các doanh nghiệp sẽ được triển khai thí điểm theo quy định là 2 năm.
Mục tiêu của việc triển khai mobile money là góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu...
Việc tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông còn giúp phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Với dịch vụ mobile money, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa. Không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng, sau khi có tài khoản mobile money được định danh, khách hàng có thể chi tiêu đến 10 triệu đồng/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận