Khán giả dõi mắt theo hai nhóm Traqué Studio và nhóm Dzô Lô xé dán giấy trong cuộc thách đấu Tái chế hình ảnh tại sự kiện Đấu trường sáng tạo - Ảnh: Thanh Tùng |
Sự kiện mới mẻ và độc đáo diễn ra tại nhà ga 3A Tôn Đức Thắng (TP.HCM) này thu hút hàng ngàn bạn trẻ đến tham dự.
Chợ phiên sáng tạo “chất” và “trẻ”
Chương trình sôi nổi nhất của sự kiện là hoạt động Thách đấu sáng tạo với ba trận đấu: Cuộc chiến đẫm... màu! giữa Art Soup và Lai.Ninja; Tái chế hình ảnh giữa Traqué và Dzô Lô; Bão não giữa Redcat, Flavien Vinh và Sundog. Ngoài ra, chương trình còn có hoạt động phối hợp sáng tạo hấp dẫn khi các nghệ sĩ hướng dẫn người tham dự tạo ra một sản phẩm có dấu ấn riêng. Gọi là đấu trường nhưng không hề có chuyện đổ máu xảy ra, thay vào đó là... “đổ màu” như cách nói vui của những nghệ sĩ tham gia. Bởi những đấu sĩ đã dùng cọ vẽ, ý tưởng và tài năng của mình để tạo ra những tác phẩm độc đáo và giành chiến thắng bằng những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. |
Ý tưởng tổ chức một ngày hội dành cho những nhà sáng tạo trẻ VN được hình thành bởi Creative Entrepreneurs Network, Lai Studio và Freeland.
Họ vốn cũng là những nhà sáng tạo trẻ và độc lập với ước mong tạo nên một sân chơi dành cho những người giống mình, đồng thời làm cầu nối để những sáng tạo này có thể đến được với công chúng và những khách hàng tiềm năng.
Ở đó, họ dự định sẽ làm ba việc chính: bàn về sáng tạo, cùng nhau sáng tạo và thách đấu sáng tạo. Khi ý tưởng này thành hình và bắt đầu được thực hiện, trên mạng xã hội nhiều bạn trẻ đã chia sẻ thông tin thú vị này cùng những kỳ vọng về một đấu trường sáng tạo hay ho, chất lượng và trẻ trung, phản chiếu thế giới đầy màu sắc của họ.
Trong không gian đầy tính đương đại của nhà ga 3A - một khu nhà bỏ hoang vừa được chuyển thành khu phức hợp các hoạt động sáng tạo dành cho giới trẻ thành phố, 26 gian hàng nhỏ được bố trí để triển lãm, giới thiệu và bày bán những ý tưởng và sản phẩm sáng tạo của mình.
Đó có thể là những bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp, những tấm tranh siêu thực dữ dội hay những bức chân dung biếm họa méo mó đầy ẩn ý.
Đó cũng có thể là những tấm thiệp, sổ tay, mặt nạ, áo thun được làm bằng tay hoặc sản xuất theo những ý tưởng không giống ai.
Ngoài ra còn có những ý tưởng về nghệ thuật thị giác, nhảy múa đương đại, chuyển động số, âm nhạc điện tử... được trưng bày thu hút rất đông bạn trẻ.
Chủ nhân các gian hàng này là các nghệ sĩ, nhà thiết kể trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, thiết kế tạo mẫu, thời trang, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, nhiếp ảnh, game, thủ công mỹ nghệ, nội dung số...
Hầu hết họ đều là những nhà sáng tạo trẻ và độc lập, nhiều người trong số họ rất nổi tiếng trong cộng đồng sáng tạo underground VN như: Red Cat (kể chuyện bằng video), Team Show (làm việc nhóm để phát triển 140 kỹ năng tiềm ẩn của con người), Art Soup (concept art), Sân Si Studio (digital art), Quang Hậu (trang sức thủ công trên nền gốm Bát Tràng), Clayyot (chân dung đất sét), Sundog Studio (truyện tranh và phim hoạt hình), Nhộng (áo thun độc đáo)...
Để “cái tôi sáng tạo” sống được
Một hoạt động nổi bật và rất chất lượng của Đấu trường sáng tạo chính là 10 buổi trò chuyện bàn về sáng tạo được trình bày bởi những chuyên gia, nghệ sĩ, khách mời có tiếng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo tại VN hiện nay.
Ban tổ chức khá bất ngờ khi những buổi tọa đàm này đông nghịt người ngoài dự kiến. Rất nhiều bạn trẻ phải xếp hàng dài ở hành lang chờ đến lượt mình vào nghe thuyết trình. Còn bên trong căn phòng thì gần như không còn chỗ trống và khoảng cách giữa diễn giả và người nghe.
10 chủ đề được đưa ra thảo luận gồm: Làm thế nào để đột phá trong sáng tạo; Làm thế nào để một người không chuyên có thể khởi nghiệp với một studio sáng tạo; Xây dựng thương hiệu cá nhân; Ý tưởng kịch bản đến từ đâu; Cái tôi giữa hành trình sáng tạo; Ai sẽ trả tiền cho đam mê của bạn; Để vẽ được, không khó; Phi logic trong logic sáng tạo; Cuộc chiến giữa ông kẹ và các ý tưởng; Giải mã “độc cô cầu bại”.
Tất cả đều là những chủ đề rất nóng hổi trong nền công nghiệp sáng tạo - một trong những ngành nghề thời thượng bậc nhất nơi có thể biến giấc mơ của nhiều người trẻ thành hiện thực, nhưng cũng là nơi có thể mang lại sự thất vọng não nề nhất.
Giải thích cho nguyên nhân này, chuyên gia Phan Hải (phụ trách digital marketing của Le Media) nhắc các bạn trẻ rằng có hai không gian sáng tạo: hoặc là thuần kinh doanh, hoặc là thuần nghệ thuật và điều quan trọng nhất là cần phải phân biệt được mình thuộc loại nào.
Nếu sáng tạo thuần kinh doanh thì nhà sáng tạo buộc phải thỏa mãn và thỏa hiệp với khách hàng, còn nếu sáng tạo thuần nghệ thuật thì người nghệ sĩ đôi khi chỉ sáng tạo để thỏa mãn bản thân.
Điều khó khăn nhất hiện nay dành cho những nhà sáng tạo là đôi khi cái tôi của họ quá lớn và họ luôn nhầm lẫn giữa kinh doanh và nghệ thuật, dẫn đến những sự không công nhận của người tiếp nhận hay những đổ vỡ tự thân.
Nhiều bạn trẻ tại buổi tọa đàm đã đặt câu hỏi về sự va đập của những cái tôi đôi khi rất “cứng đầu” đó và làm sao để cái tôi vừa trở thành cái duy nhất, nhưng lại vừa có thể “bán được tiền”.
Các diễn giả trong những phần trình bày của mình đều thống nhất ý kiến: một khi cái tôi sáng tạo đó là cái tôi đẹp, tích cực, có ích cho cộng đồng và không ngừng sáng tạo thì chắc chắn chủ nhân của nó sẽ sống khỏe với nghề.
Có thể nói Đấu trường sáng tạo lần đầu tiên tổ chức đã thành công ngoài mong đợi của ban tổ chức khi khuôn viên của nhà ga 3A luôn chật như nêm trong suốt 12 giờ diễn ra sự kiện.
Nhiều bạn trẻ đến vì tò mò, nhưng phần lớn họ đến là để được truyền cảm hứng và khơi gợi những đam mê sáng tạo của chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận