Trao đổi bên lề hội nghị tổng kết của ngành giao thông vận tải sáng 28-12, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết trong giai đoạn vừa qua, nhiều hãng hàng không gặp khó khăn. Đặc biệt với Hãng hàng không Bamboo Airways sau khi cắt giảm quy mô đội bay đã dôi dư phi công rất lớn.
Trong điều kiện khó khăn, hoạt động theo nguyên tắc thị trường như vậy, nhưng theo ông Hà vẫn có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn.
"Với Vietnam Airlines, hậu quả hệ lụy của COVID-19 rất nặng nề. Hiện tại, Vietnam Airlines Group đang phải tái cơ cấu mạnh mẽ, đặc biệt là Pacific Airlines, đảm bảo hiệu quả hoạt động", ông Hà nói.
Liên quan những khó khăn của Hãng Bamboo Airways, ông Hà cho biết đã có trao đổi với lãnh đạo của hãng để tìm ra cơ hội nhằm có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong khả năng của mình.
Trong công bố mới đây, Bamboo Airways có kế hoạch không sử dụng dịch vụ của SAGS, mà sử dụng dịch vụ của Pacific Airlines tại một số sân bay. Điều này cũng giúp Pacific Airlines có thêm công việc cho người lao động.
Liên quan các nguồn lực về phi công dôi dư của Bamboo, ông Hà nói Vietnam Airlines cũng đang có chương trình đánh giá, lựa chọn những vị trí phi công phù hợp với hãng. Trên cơ sở đội hình máy bay hiện tại của Vietnam Airlines đã đủ nguồn lực, nên phải đánh giá để có thể sử dụng thêm nguồn lực trên khả năng của mình phù hợp.
"Những vị trí công việc nào cần có thể lựa chọn lấy người, phi công thêm của Bamboo Airways", ông Hà thông tin thêm.
Trước đó, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng đang dư thừa rất nhiều lao động. Trong đó, phi công dư cả trăm người, tiếp viên dư khoảng 500 người.
Trước bối cảnh dôi dư nguồn lao động, Vietjet đã nhận giúp hãng 50 tiếp viên và 20 phi công. Bamboo Airways tiếp tục kêu gọi các hãng hàng không tích cực giúp hãng giải quyết lao động dôi dư.
Nhiều khó khăn do yếu tố đầu vào diễn biến rất bất lợi
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa đã chia sẻ nhiều khó khăn mà các hãng hàng không nói chung, Vietnam Airlines nói riêng đối mặt trong năm 2023.
Ông Hòa cho hay hoạt động kinh doanh vận tải hàng không của các hãng hàng không cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi yếu tố đầu vào diễn biến rất bất lợi.
Giá nhiên liệu bay đang ở mức rất cao, cả năm 2023 khoảng 105 USD/thùng, vượt 30% so với năm 2019, làm chi phí của các hãng hàng không tăng nhiều nghìn tỉ đồng. Riêng Vietnam Airlines tăng hơn 6.000 tỉ đồng so với năm 2019.
Tỉ giá cũng diễn biến bất lợi khi các đồng tiền thu chính của hãng hàng không như tiền Nhật Bản, Hàn Quốc đều mất giá so với đồng chi phí của các hãng là USD.
Năm 2023 thị trường hàng không quốc tế phục hồi, diễn biến khá tích cực nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng. Nhưng tốc độ phục hồi ở những tháng cuối năm đang chậm hơn dự kiến, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á.
Tính chung cả năm 2023, khách thị trường quốc tế ước đạt khoảng 30 triệu lượt, đạt gần 74% so với năm 2019. Tổng thị trường nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 7,5% so với năm 2019.
Sang năm 2024, theo ông Hòa, là một năm rất quan trọng. Vietnam Airlines sẽ duy trì thị phần ở các đường bay trọng điểm, mở rộng đường bay quốc tế, dự kiến mở một loạt đường bay xuyên lục địa đi Canada, Ý, các nước Bắc Âu.
Lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị trong năm 2024 cho phép các hãng hàng không linh hoạt về giá vé theo cơ chế thị trường, song không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành nhằm giành thị phần, triệt tiêu cạnh tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận