Thị trường hàng không trong nước khởi sắc giúp Vietnam Airlines giảm lỗ 43% trong quý 2 năm 2022 - Ảnh: VNA
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 vừa được Vietnam Airlines công bố, doanh thu thuần của doan nghiệp này trong quý đạt 18.323 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 6 tháng dương gần 3.900 tỉ đồng.
Điểm sáng của báo cáo tài chính quý 2 năm 2022 là kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines khả quan hơn, khi mức lỗ của công ty mẹ Vietnam Airlines ít hơn 44% so sánh cùng kỳ, dừng ở mức 2.243 tỉ đồng. Mức lỗ của hợp nhất ít hơn 43% so sánh cùng kỳ, ở mức 2.568 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức lỗ công ty mẹ là 4.685 tỉ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 39%, mức lỗ hợp nhất là 5.254 tỉ đồng, ít hơn cùng kỳ gần 40%.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, hàng không Việt Nam chịu ảnh hưởng rất tiêu cực khi thị trường quốc tế vẫn khai thác hạn chế và giá nhiên liệu bay tăng cao.
Với Vietnam Airlines, thị trường quốc tế vốn mang tới 65% doanh thu của hãng, mới chỉ có những bước phục hồi khá khiêm tốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines nối lại được 35 đường bay quốc tế, chỉ bằng 53% trước đại dịch. Do vậy, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch, do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể.
Về nhiên liệu bay, tháng 11-2021 Vietnam Airlines xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1 (bình quân của các năm trước đấy chỉ có 76 USD/thùng). Nhưng sang năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7-2022 là 165 USD/thùng Jet A1, gấp đôi dự kiến.
Việc chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines lên 10 tỉ đồng/tháng. Với sự chênh lệch từ 80 USD/thùng Jet A1 đến 116 USD/thùng Jet A1, 6 tháng đầu năm 2022 Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỉ đồng.
Kết quả phục hồi và giảm lỗ đáng kể của Vietnam Airlines đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các khó khăn còn tồn tại khiến hàng không chưa thể thoát lỗ gồm giá nhiên liệu bay (chiếm 40% chi phí khai thác) tăng cao đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân cao gấp đôi cùng kỳ, thị trường quốc tế phục hồi chậm chạp, chưa được như kỳ vọng.
Trước đó, do dịch COVID-19, từ quý 1 năm 2020, Vietnam Airlines liên tục lỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận