19/07/2014 09:00 GMT+7

Vietnam Airlines bay tránh xa vùng chiến sự

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Đêm 17-7, ngay sau khi được thông báo về chuyến bay Malaysia Airlines gặp tai nạn tại Ukraine, Vietnam Airlines đã cho dừng bốn chuyến bay sang châu Âu để điều chỉnh lại đường bay và xin phép bay.

tp1jLt2O.jpg
Nguồn: Vietnam Airlines - Đồ họa: V.CƯỜNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn Vietnam Airlines (VNA), cho biết đêm 17-7, ngay sau khi được thông báo về chuyến bay Malaysia Airlines gặp tai nạn tại Ukraine, vì lý do an toàn, VNA đã cho dừng bốn chuyến bay sang châu Âu để điều chỉnh lại đường bay và xin phép bay.

Trong đêm 17 và sáng sớm 18-7, các bộ phận liên quan đã liên lạc với các nước liên quan xin phép thiết lập đường bay mới.

Theo ông Giang, hồi tháng 3-2014, khi tình hình chiến sự tại Ukraine căng thẳng, VNA đã chủ động điều chỉnh đường bay theo hướng bay vòng lên phía trên bán đảo Crimea để tránh tình hình chiến sự. Sau khi tình hình chiến sự đã ổn, các chuyến bay VNA lại bay xuống phía dưới bán đảo Crimea.

Ngay sau khi xảy ra sự cố MH17, VNA đã thiết lập đường bay mới vòng lên trên bán đảo Crimea, bay qua Belarus. Đường bay mới này dài hơn đường bay cũ khoảng 10 phút bay trên không.

Bốn chuyến bay bị chậm nêu trên đã khởi hành vào sáng sớm 18-7, chậm từ 3 giờ 25 phút đến 5 giờ 10 phút so với kế hoạch dự kiến.

Ông Giang cho biết mỗi tuần VNA có 22 chuyến bay nối liền TP.HCM, Hà Nội sang London (Anh), Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp).

Tất cả các chuyến bay này từ ngày 18-7 đều phải áp dụng đường bay mới vòng qua Belarus, tuy nhiên VNA đang tiến hành các thủ tục để rời khỏi không phận Ukraine bay sang không phận các nước khác ở phía Nam châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Hungary...

Việc điều chỉnh đường bay nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay của VNA.

Một cơ trưởng của VNA thường bay sang châu Âu cho Tuổi Trẻ biết đường bay mà Hãng hàng không Malaysia Airlines đã bay trên chuyến bay nối các điểm châu Âu sang Kuala Lumpur là đường bay ngắn và tiết kiệm nhất, tuy nhiên đó cũng là đường bay khá nguy hiểm vì ngang qua vùng chiến sự.

Theo giải thích của phi công này, các rađa theo dõi và đài chỉ huy dẫn đường dưới mặt đất đều có thể biết được chính xác máy bay này là máy bay dân dụng hay quân sự vì trên màn hình sẽ hiển thị rất rõ “đốm sáng” mang số hiệu gì, của hãng hàng không nào, mang số hiệu bao nhiêu, bay từ đâu đến đâu, với độ cao nào, tốc độ bao nhiêu...

Hơn nữa tổ lái và đài chỉ huy mặt đất thường xuyên liên lạc với nhau để nhận biết máy bay này có vi phạm không phận hay bay chệch khỏi đường bay đã quy định hay không.

Trước khi bay vào vùng FIR (vùng thông tin bay) do quốc gia nào quản lý, đội bay đều phải thông tin với mặt đất và xin phép được vào FIR này cũng như chịu sự hướng dẫn của vùng FIR đó.

Về nguyên tắc, sau vài lần phát tín hiệu mà máy bay không phản hồi, mặt đất sẽ phát tín hiệu cảnh báo yêu cầu máy bay đổi hướng bay, buộc phải hạ cánh khẩn cấp hoặc máy bay quân sự sẽ tiếp cận buộc phải trục xuất...

Vì vậy rất khó có sự nhầm lẫn giữa máy bay dân sự và quân sự trên bầu trời khi bay qua không phận của quốc gia nào.

Sáng 18-7, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã gửi thư chia buồn đến cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã ban hành công điện gửi các cơ quan, đơn vị trong ngành để ứng phó với sự cố MH17.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chỉ đạo Trung tâm điều hành khai thác (OCC) rà soát tất cả các chuyến bay của hãng từ Việt Nam đi châu Âu (và ngược lại) để lập kế hoạch bay vòng tránh các vùng thông báo bay của Ukraine, đặc biệt là khu vực miền đông Ukraine và vùng thông báo bay Simferopol.

TUẤN PHÙNG

Vùng không phận Ukraine luôn là một tuyến hàng không đông đúc của các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á. Nhiều hãng hàng không vẫn lựa chọn đường bay qua Ukraine do đây là đường bay ngắn nhất, giúp ít tốn thời gian và nhiên liệu.

Tuy nhiên, nhiều hãng lớn của châu Á gồm Korean Air, Asiana (Hàn Quốc), Qantas (Úc), China Airlines (Đài Loan) đã thay đổi đường bay từ đầu tháng 3 khi Nga đưa binh sĩ đến Crimea. “Chúng tôi đã ngừng bay qua Ukraine do lo ngại an ninh” - người phát ngôn của Asiana Lee Hyo Min cho biết. Các hãng Cathay Pacific, Pakistan International Airlines cũng cho biết đã thay đổi lộ trình tránh bay qua Ukraine từ trước khi chiếc MH17 bị bắn rơi.

Khi được hỏi vì sao Malaysia Airlines không đưa ra các biện pháp phòng ngừa tương tự, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) xác định tuyến đường mà chiếc MH17 bay qua là an toàn và không thuộc khu vực bị hạn chế. Dù vậy, ICAO đã tư vấn các hãng hàng không dân sự xem xét các đường bay khác như một biện pháp phòng ngừa. Cách đây vài ngày, Tổ chức Eurocontrol điều phối an toàn hàng không châu Âu cũng đã gửi thông điệp cảnh báo các phi công tránh không phận Ukraine.

Nhiều hãng hàng không của châu Âu và Mỹ như Air France (Pháp), Lufthansa (Đức), Delta (Mỹ), British Airways (Anh)... tuyên bố sẽ tìm đường bay khác nhằm tránh không phận Ukraine sau khi chính quyền Kiev gọi đây là một cuộc tấn công “khủng bố”.

Kiev cũng đã tuyên bố thiết lập vùng cấm bay tại phía đông Ukraine. Các hãng hàng không khác như Air India, Thai Airways, Air China, China Eastern Airways cho biết đã yêu cầu tất cả máy bay tránh không phận Ukraine.

ĐÔNG PHƯƠNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên