27/06/2014 11:33 GMT+7

VietJetAir bị giám sát đặc biệt như thế nào?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc triển khai ngay công tác giám sát đặc biệt với VietJetAir (VJA), Cục Hàng không đã ban hành Chương trình giám sát đặc biệt (GSĐB) với VJA từ ngày 26-6 đến 26-7-2014.

tUCkARDX.jpgPhóng to
Cục Hàng không đã ban hành Chương trình giám sát đặc biệt với VJA - Ảnh: Tuấn Phùng

Theo đó nhân lực của Cục Hàng không sẽ giám sát toàn bộ hoạt động về khai thác, bảo dưỡng máy bay, khai thác mặt đất và huấn luyện. Chương trình GSĐB sẽ bao gồm các nội dung về giám sát tổ chức và hệ thống tài liệu; giám sát thực địa; giám sát trên chuyến bay và giám sát công tác kiểm soát, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở chính của VJA.

Cụ thể, trong giám sát tổ chức và hệ thống tài liệu sẽ rà soát về cơ cấu tổ chức, hệ thống, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động; rà soát toàn bộ hệ thống tài liệu khai thác, bảo dưỡng và huấn luyện; rà soát toàn bộ các hợp đồng cung cấp dịch vụ khai thác, bảo dưỡng, điều phối bay, phục vụ mặt đất, huấn luyện đào tạo; rà soát toàn toàn bộ hệ thống tài liệu hướng dẫn, quy trình phục vụ công tác bảo dưỡng, khai thác và điều hành...

Về giám sát thực địa: giám sát việc thực hiện toàn bộ quy trình khai tác tại các sân bay khởi hành và sân bay đến của VJA theo quy trình khai thác; giám sát hoạt động khai thác của máy bay tại sân bay đối với từng chuyến bay.

Về giám sát trên chuyến bay: các giám sát viên thực hiện giám sát việc thực hiện quy trình khai thác của tổ lái; giám sát an toàn khoang hành khách.

Về giám sát công tác điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở: thực hiện giám sát quy trình xây dựng, bổ sung, sửa đổi các tài liệu trước khi trình Cục Hàng không phê chuẩn, chấp thuận; giám sát việc tổ chức thực hiện các khuyến cáo của Cục Hàng không; giám sát công tác đánh giá chất lượng nội bộ; giám sát năng lực tài chính trong công tác đảm bảo an toàn khai thác máy bay của VJA.

Để thực hiện chương trình GSĐB, Cục Hàng không đã điều động 10 người thuộc phòng Tiêu chuẩn An toàn bay và Phòng quản lý hoạt động bay cùng 18 người thuộc các Cảng vụ Hàng không khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó sẽ có đại diện trưởng của cảng vụ tại các sân bay địa phương tham gia giám sát.

Ngoài việc bố trí lực lượng thường trực ở sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, các giám sát viên sẽ bay theo từng chuyến bay của VJA đến các sân bay khác để đánh giá.

Cục Hàng không yêu cầu các giám sát viên có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát hàng ngày đến phòng Tiêu chuẩn an toàn bay qua thư điện tử vào 16g30 hàng ngày. Trưởng phòng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo nội dung kiểm tra trong ngày tới lãnh Cục Hàng không vào 17g hàng ngày.

Kết thúc giai đoạn giám sát, các giám sát viên sẽ tổng hợp, báo cáo về phòng Tiêu chuẩn An toàn bay của Cục Hàng không để tổng hợp báo cáo lãnh đạo cục xem xét, đánh giá năng lực đảm bảo an toàn bay của VJA.

Không phải "gây khó dễ"

Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, cho biết đã khẳng định với lãnh đạo VJA cục sẽ làm rất nghiêm túc. Việc GSĐB không phải gây khó dễ gì với VJA mà còn là một cơ hội để VJA học hỏi từ các giám sát viên, đồng thời yên tâm khai thác trong quá trình khắc phục những tồn tại của hãng.

“Sự giám sát quản lý nhà nước lúc nào cũng áp đặt lên hãng nhưng mức độ giám sát khác nhau và kết quả cuối cùng là phải an toàn. Giai đoạn này nếu tôi “thả” anh thì có khi sẽ xảy ra sự cố lớn hơn. Cái này cục phải đánh giá được và phải có những biện pháp cụ thể. Cục giám sát các hãng chặt không chỉ là “khỏe” cho cục cũng là để cục “giữ đầu” của mình. Mục tiêu là mức độ giám sát của cục cộng với năng lực của hãng thì kết quả là an toàn”, ông Thanh nói.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên