Các hãng bay đang tìm cách huy động tiền để có thêm nguồn lực phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vietjet Air huy động 3.000 tỉ đồng từ trái phiếu để trả tiền xăng dầu, đặt cọc máy bay...
Ông Nguyễn Anh Tuấn - phó chủ tịch Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) - vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị, thông qua phương án phát hành trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thu về 3.000 tỉ đồng.
Đây là trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm.
Trái phiếu có mức lãi suất cố định 10,5%/năm cho hai kỳ đầu, sau đó sẽ tính lãi bằng tổng của biên độ 3,5%/năm và lãi tham chiếu (lãi tiền gửi trả sau cá nhân bình quân 12 tháng được công bố bởi bốn ngân hàng gồm Vietcombank, HDBank, Vietinbank và BIDV).
Cứ nửa năm sẽ thanh toán lãi một lần, tiền gốc sẽ trả vào thời điểm đáo hạn. Ngoài ra hãng bay được phép mua lại trái phiếu sau một năm phát hành hoặc theo quy định pháp luật.
Mục đích phát hành trái phiếu để có tiền trả các chi phí về xăng dầu, cảng, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay (PDP) và các chi phí khác.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế đầu năm 2023 Vietjet gặt hái hơn 43.700 tỉ đồng doanh thu thuần và lãi ròng sau thuế 192 tỉ đồng, tăng lần lượt 59% và 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý vừa qua có chuyển biến rất tích cực. Sự chênh lệch lớn giữa doanh thu và lợi nhuận vì chi phí bán hàng, nhiên liệu… tăng mạnh.
Tính đến cuối quý vừa qua, hãng hàng không của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt tổng tài sản hơn 76.500 tỉ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng lên mốc hơn 61.300 tỉ đồng (+15%), gấp bốn lần vốn chủ sở hữu.
Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 37.900 tỉ đồng, có kế hoạch phát hành cổ phiếu
Thừa ủy quyền từ lãnh đạo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN), bà Kim Thị Thu Huyền - thư ký - vừa thay mặt doanh nghiệp giải trình biến động kết quả kinh doanh, lộ trình khắc phục việc cổ phiếu HVN bị kiểm soát và việc vi phạm công bố thông tin.
Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy quý 3-2023 doanh nghiệp bị lỗ ròng sau thuế hơn 2.200 tỉ đồng, cải thiện trên 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự chuyển biến trên là do thị trường vận tải từng bước hồi phục, doanh nghiệp cũng chủ động điều hành linh hoạt, cắt tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ…
Tính chung ba quý đầu năm nay, hãng hàng không bị lỗ hơn 3.700 tỉ đồng, giảm một nửa so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước.
Trải qua nhiều năm khó khăn, đến nay Vietnam Airlines đang gánh lỗ lũy kế hơn 37.900 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng bị âm hơn 13.900 tỉ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng ba quý vừa qua, khoản nợ phải trả đã tăng thêm hơn 14.500 tỉ đồng, hiện đang neo ở mốc gần 75.290 tỉ đồng.
Phía Vietnam Airlines cho biết hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi, do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn. Các yếu tố căng thẳng địa chính trị, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào giá nhiên liệu, tỉ giá, lãi suất… làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh.
Để sớm đưa cổ phiếu thoát khỏi diện bị kiểm soát, hãng bay đã tìm cách khắc phục việc lỗ và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, thông qua việc hoàn thành đề án tái cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025.
Vietnam Airlines cũng sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để tăng thu nhập, dòng tiền. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, sau khi được phê duyệt.
Dự kiến hãng hàng không quốc gia sẽ công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vào tháng 11 này, hoặc muộn nhất trong tháng 12. Nhiều khả năng đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 sẽ tổ chức vào tháng cuối năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận