TTCT - Điềm đạm, nhẹ nhàng và cẩn trọng là những gì người đọc có thể cảm nhận tính cách của Phạm Công Luận qua văn anh. Sau cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố 1 được độc giả quan tâm đặc biệt, Phạm Công Luận trở thành tên tuổi mới đáng chú ý trong dòng sách viết về Sài Gòn vốn ít ỏi bấy lâu. Sự chỉn chu kỹ lưỡng và cái nhìn của một ký giả biết lùi khỏi những chộn rộn thời sự giúp anh có được sự giản dị, tinh tế khi thu thập và kể lại vệt chuyện về Sài Gòn - thành phố mà anh sinh ra và lớn lên. TTCT trò chuyện cùng anh khi Sài Gòn - Chuyện đời của phố 2 vừa phát hành. Tác giả Phạm Công Luận (ảnh nhân vật cung cấp)Viết chuyện “trên bờ” lịch sử...Một người Sài Gòn khi viết về Sài Gòn sẽ chịu những áp lực gì?- Dù sinh ra và lớn lên ở đây, tôi cũng giống như nhiều người chỉ biết rõ không gian hẹp đã sống lâu nay, không hiểu nhiều về thành phố rộng lớn, có cuộc sống đa dạng này. Đi sâu vào tìm hiểu Sài Gòn như là một đối tượng nghiên cứu, càng thấy rõ điều đó. Điều đó dễ dẫn đến thiếu sự tự tin cần thiết khi muốn bắt tay vào.Bên cạnh đó, hiện nay có những đề tài không dễ viết, không dễ thể hiện hết bởi những lý do chủ quan và khách quan.Thử nói về khách quan. Dường như kho tài liệu nghiên cứu văn hóa, đời sống về một thành phố có tuổi đời trên ba thế kỷ vẫn chưa thật dày và hệ thống. Đó có phải là một trong những cái khó?- Ai cũng thấy lịch sử Sài Gòn chỉ vài trăm năm, tài liệu cổ rất ít. Các tài liệu viết có bài bản chủ yếu bằng tiếng Pháp, là điều khó khăn nếu không nắm được ngôn ngữ này. Tôi tự biết không thể đi vào việc nghiên cứu, nên chỉ nhẩn nha viết điều gì mình có tài liệu, điều gì đủ cảm hứng để xông vào tìm hiểu. Cuốn sách của tôi giống như một cuốn tạp chí về Sài Gòn xưa do một người viết, sắc thái chính là chủ quan. Tài liệu là tùy duyên, phải tương đối lạ và độc, quan trọng nhất là tài liệu sống qua gặp gỡ, phỏng vấn. Hình ảnh cố gắng sao cho phong phú. Trong quá trình đi tìm tài liệu, khi không lần ra đầu mối hoặc thấy không có gì hay, tôi bỏ qua đề tài đó và đi tìm điều khác.Phạm Công Luận sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Hiện làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò, cơ quan đại diện tại TP.HCM.Ngoài hai cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố, anh còn là tác giả của một số cuốn sách được độc giả trẻ mến mộ như Trên đường rong ruổi, Lạc giữa nhân gian, Những lối về ấu thơ, 2011; Nếu biết trăm năm là hữu hạn, 2011 (bút danh Phạm Lữ Ân, viết cùng người bạn đời của anh - chị Đặng Nguyễn Đông Vy)...Từ góc độ một nhà báo, từng sưu tập sách báo cũ và đặc biệt là người viết về Sài Gòn, xin thử cắt nghĩa xem vì sao lại có câu chuyện Sài Gòn chưa có những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp viết về nó một cách thật bài bản, cũng như chưa có những nhà văn gắn tên mình với tên đô thị Sài Gòn (như Orhan Pamuk với Istanbul, James Joyce với Dublin, Paul Auster với New York...)?- Tôi nghĩ thành phố nào trên thế giới này cũng đáng để viết về nó. Nhưng vì sao có những nhà văn gắn tên mình với tên đô thị như anh nói, hay nói khác đi có những đô thị gắn tên mình với tên một nhà văn? Tôi nghĩ trong mối quan hệ này, tài năng của nhà văn sẽ quyết định và Istanbul, Dublin hay New York đã may mắn gặp được Pamuk, Joyce hay Auster. Đã có những tác giả viết sách về thành phố này như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Minh... Chưa kể có một số nhà văn trước kia, trong tiểu thuyết của họ đậm đặc cuộc sống về Sài Gòn. Các nhà văn, nhà nghiên cứu đi trước đã có những thành công và hi vọng duyên may sẽ giúp thành phố này có tác phẩm lớn như anh nói.Nhưng nói cho cùng tài năng thường được trổ sinh trên một nền tảng văn hóa. Với Sài Gòn, dường như sự “đứt gãy” văn hóa trong tiến trình lịch sử hiện đại đã là một hạn chế đáng tiếc?- Nếu có đứt gãy, phải tìm cách nối lại bằng sự góp sức của mọi người yêu và gắn bó với Sài Gòn. Đã có những tập sách ảnh, tranh vẽ, bưu ảnh cổ được xuất bản. Trên mạng xã hội, nhiều trang chia sẻ ảnh hay bài viết về kỷ niệm Sài Gòn xưa đã được lập ra với nhiều thành viên. Các cuộc thi viết về tết trong hoài niệm, về kỷ niệm gia đình cũng đã có. Những việc này chính là lưu giữ ký ức và nên được khuyến khích. Những sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn xưa cần được đánh giá và khẳng định giá trị. Cần có những bù đắp về ký ức đô thị đã bị mai một. Trong hai quyển sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, rất nhiều câu chuyện thuần túy là cảm xúc cá nhân (chuyện trường lớp, học hành, những ấn tượng thời ấu thơ với Sài Gòn, những biến cố trong gia đình...) khi tìm tòi và ngồi viết ra, có bao giờ anh sợ rằng chúng quá khu biệt, riêng tư, không mang tính đại diện cho cái gọi là “chuyện đời của phố”?- Cuốn 1 như mối tình đầu, tôi thổ lộ cảm xúc nhiều hơn, mang tính chủ quan và riêng tư. Tôi nghĩ dù cái tôi là đáng ghét, nhưng khi chia sẻ cái nhìn, cảm nghĩ riêng một cách chân thành sẽ nhận được đồng cảm, và điều đó đã có ít nhiều. Sách không bị ràng buộc bởi thể loại, người viết sẽ cảm thấy thoải mái khi viết điều mình cảm nhận và có hiểu biết ít nhiều. Quan trọng là bạn đọc chấp nhận được nó. Ở cuốn 2, anh sẽ thấy ít cảm xúc cá nhân hơn, tư liệu nhiều hơn. Tôi đọc được câu: “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ” (Will & Ariel Durant). Có những điều đã có người viết rất giỏi, nên tôi muốn góp sức viết chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử, là những chuyện đời thường “cất nhà, làm vườn, nuôi con...”. Có thể chúng riêng tư nhưng cuộc sống đời thường của một giai đoạn quá khứ nào đó vẫn góp phần vào chuyện đời của một thành phố. Nghe nói trong quá trình tìm hiểu để viết cuốn 2, anh đã khám phá thêm nhiều tư liệu rất thú vị?- Lần này tôi may mắn gặp được một nhân vật hoạt động trong giới nghệ thuật của Sài Gòn cách nay sáu mươi năm. Từ ông, tôi có nhiều tư liệu quý về chuyện tổ chức dịch vụ du lịch Sài Gòn thời chiến khá thú vị. Ông cũng cho phép đăng những tấm ảnh tư liệu màu hiếm có do ông chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuổi 23 khi còn là thầy giáo sống trong một căn gác trọ. Ngoài ra, đó là câu chuyện về ban nhạc thiếu nhi lừng tiếng, ban Tuổi Xanh với kỹ thuật biểu diễn bài bản, nơi xuất phát các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Mai Hương, Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, nhạc sĩ Quốc Dũng... Là câu chuyện Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam. Là chuyện mối duyên tình của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trung Cang và cuốn sổ tay cuối cùng của ông. Qua tư liệu trên báo xưa, sách cho độc giả hình dung về siêu thị đầu tiên của Sài Gòn với diện tích lớn, kệ quầy, cửa quay, bàn cuốn, máy tính, kho lạnh không thua siêu thị ngày nay và những người quản lý được mời sang Bangkok (Thái Lan) để hướng dẫn kinh nghiệm. Về vẻ đẹp của đàn ông Sài Gòn cách nay trên dưới nửa thế kỷ qua những bức chân dung của các nam nghệ sĩ. Là những trang hồi ký của một thanh niên Quảng Bình kể chuyện kiếm sống ở Sài Gòn trước năm 1945 với những chi tiết thú vị...Hình ảnh xe điện Sài Gòn ở đại lộ Gallie'ni (Trần Hưng Đạo) trước năm 1945, in trên bưu thiếp xưaCần truyền ký ứcĐọc hai cuốn sách của anh, với tôi, sự thú vị nằm ở tính tư liệu, nâng niu vàng son, trân trọng ký ức, nhưng thiếu vắng sắc thái đương đại hay những góc nhìn, thái độ thật rõ ràng với rất nhiều thứ xáo trộn đang gây tổn hại trực tiếp hệ giá trị Sài Gòn... Đó là một sự cố tình né tránh?- Cảm ơn về nhận xét của anh. Có lẽ do mục đích của tôi xuyên suốt hai tập sách vẫn là câu chuyện Sài Gòn của những năm đã xa xưa. Nếu có nhân vật hay câu chuyện của thời hiện đại, chẳng qua vì cuộc sống của họ hiện nay có nhắc nhớ tới quãng đời trước kia ở thành phố này. Ưu tiên viết về những giá trị đó, tôi muốn dành thời gian để nhặt nhạnh, gom góp những điều đang dần bị lãng quên một cách nhanh chóng, từng ngày một.Cuộc sống hiện nay tất nhiên đang đặt ra nhiều vấn đề cho thành phố này, nhưng những điều đó không thuộc chủ đề của bộ sách này.Ký ức có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của một đô thị?- Tôi nghĩ về chuyện này: Sài Gòn trước kia có nhiều khu xóm lụp xụp và nay đã dần mất đi. Có lẽ số đông không thích những khu xóm đó, nhưng phải thấy rằng nó có vai trò trong sự phát triển đô thị. Tôi có đọc ở đâu đó cho rằng: các khu xóm này đảm nhiệm vai trò duy nhất là giúp những cư dân từ thôn quê lên tỉnh thích nghi dần với đời sống tân tiến nơi đô thị. Con người nông thôn ở đây biến đổi dần thành người đô thị một cách chậm chạp, vì nơi họ sống vẫn còn những yếu tố của cả hai thế giới chung sống nhau một cách hòa hợp. Khi họ có thể nâng cao và thoát khỏi các khu xóm lụp xụp về các phương diện kinh tế và xã hội, họ cũng biến cải về phong cách sống, trở thành một thị dân tân tiến. Khi chuyện đó hoàn tất, ký ức về nơi xuất thân giúp họ không quên nguồn cội và từ chỗ này, họ đóng góp cho đô thị những sắc màu của cố hương từ phong tục, ẩm thực, lời ăn tiếng nói và những thế mạnh riêng.Ký ức sau khi được chiêm nghiệm giúp thị dân nhận thức các giá trị lâu đời trong văn hóa, lối sống và truyền đến lớp người sinh sau. Ký ức đô thị cần được lưu giữ. Một đô thị không có ký ức giống như một con người không nhớ gì về nơi mình sinh ra, lớn lên và cách mình trưởng thành ra sao. Nếu vậy, sẽ không biết đánh giá đúng các giá trị để chọn lọc, giữ gìn, truyền lưu.Sài Gòn những năm đầu thập niên 1950, còn thấy tấm bảng cà phê Givral góc đường Bonard và Catinat (nay là Lê Lợi và Đồng Khởi), anh Khưu Đức còn giữ lại làm kỷ niệm một chuyến đi chơi cùng ba mẹ khi còn bé thơAnh có hai con trai. Có bao giờ anh thử so sánh sự khác biệt giữa thế giới Sài Gòn trong mắt hai cậu bé với thế giới Sài Gòn của anh, tình yêu với Sài Gòn của chúng với tình yêu Sài Gòn thời thơ ấu của anh trước đây...- Tình yêu Sài Gòn của tôi trước hết từ cảm xúc yêu thương gắn bó với người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, những trò chơi tuổi nhỏ và những chuyến đi chơi Sở thú, chợ hoa Nguyễn Huệ dịp tết... Nếu sau này các con tôi lớn lên và sống xa thành phố này, tôi tin rằng kỷ niệm trong gia đình ngày tết, trường lớp bạn bè, những chuyến đi cùng cha mẹ sẽ hình thành tình yêu của các con tôi đối với thành phố này giống như tôi dù cuộc sống và diện mạo Sài Gòn có khác đi.Thử hình dung, 50 năm sau, giả dụ hai con trai của anh sẽ tiếp tục viết một dạng TP.HCM - Chuyện đời của phố thì chúng sẽ viết gì?- Năm 1972, khi tôi 11 tuổi, ba của tôi là nhân viên cửa hàng Kim Phát ở chợ Bến Thành vừa đi làm về đã cho biết người ta định đập ngôi chợ này để xây một khu chợ mới hiện đại nhiều tầng lầu. Sau đó một thời gian, ông lại kể rằng vì dân chúng phản đối quá nhiều nên cuối cùng ngôi chợ vẫn được giữ nguyên, tồn tại đến ngày nay. Câu chuyện đã diễn ra từ hơn bốn mươi năm trước, tôi có viết lại trong phần 2 cuốn sách. Sài Gòn nửa thế kỷ sau chắc sẽ rất hiện đại, và rất có thể các con tôi trong câu chuyện giả định này sẽ viết về những quyết định đúng hay sai khi người ta đứng trước một hay nhiều kiến trúc cổ của thành phố này. Biết đâu chúng sẽ đưa hình ảnh một tòa nhà cổ, vẫn đang tồn tại bây giờ, cho mọi người xuýt xoa tiếc rẻ, vì ở thời của chúng đã biến mất để thành một khu buôn bán hay cao ốc gì đó.Xin cảm ơn anh! Tags: Phạm Công LuậnDòng lịch sửSài Gòn - Chuyện đời của phố 2
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.