TTCT - Mỗi lần đọc những tập tiểu luận và hồi ức của Orhan Pamuk (nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, chủ nhân Nobel văn học 2006), tôi cứ nghĩ rằng nhà văn này chẳng chịu đi đâu ngoài thành phố quê hương của ông. Minh họa: VIIP Hay nói cách khác, ngay cả khi đứng diễn thuyết trong các trường đại học bên Tây hay nện gót trên những đường phố phương Đông cổ kính, thì tâm hồn ông vẫn chỉ luẩn quẩn ở một chỗ rất đặc biệt - Istanbul - cái gạch nối Đông - Tây, không gian tịnh mặc của bản nguyên và những cuồng lưu tiếp biến. Tâm hồn ông vẫn ở đó, vừa như một thi sĩ tĩnh lặng dõi theo con chim hải âu già bay về từ vịnh Bosphorus, đậu trên thảm rêu, bó cánh nhìn trời và chết trong ngày giá lạnh, như một nghệ nhân cần mẫn ngồi lặng trước những hoa văn truyền thống tinh xảo mà hình dung về thuở “hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha” (cách nói của Cung Tiến). Và tâm hồn ông vẫn ở đó, trên những con phố, cửa nhà, bảo tàng, thư viện, kỷ vật, hành lang, phòng khách... của những gia đình trong thành phố đã từng trải qua biết bao cuộn xoáy thời cuộc được tạo nên bởi hai chiều sóng Đông - Tây khốc liệt. Orhan Pamuk chỉ thuộc về một thành phố. Duy nhất. Không gì khác. Và nếu bứt ra khỏi thành phố đó, ở giác độ tinh thần, ông vô nghĩa, nhạt nhòa, bỏ đi, đánh mất bản sắc. Chính vì thế, ông không thuộc về hẳn địa hạt văn chương viễn mơ, cũng không nói bằng giọng điệu nghiêm trọng của nhà nghiên cứu khắc kỷ, không chìm vào bóng tối tỉ mẩn của nhà khảo cổ, cũng chẳng phải là một ký giả ruổi rong mê say theo những câu chuyện truyền kỳ chốn phồn hoa. Mà ông là tất cả những tư cách đó, pha trộn, hỗn hòa. Một thứ văn chương phức hợp - có lẽ ông hiểu như thế - mới đủ sức để tái hiện đủ chiều thăm thẳm của ký ức, chiều trải rộng của không gian, chiều rung động vi tế của xúc cảm và chiều sắc lạnh của lý trí khi đã đủ độ dày của khảo cứu, độ lắng đọng sau một khoảng lùi lịch sử. Và Mùi. Và Màu. Và Giác Quan. Và Tri Nhận. Đủ đầy nhất về từng góc khuất của thành phố, hiển hiện đó mà như bị phủ đậy từ lâu năm, sống động đó mà như đang đứt gãy tưởng chừng vô phương hàn gắn; phục dựng những giá trị xuyên thời gian, đánh thức những không gian bị truất hữu bởi các định kiến. Trong đoạn viết về lịch sử Istanbul như là một “lịch sử của hỏa hoạn và đổ nát” (cuốn Những màu khác), Orhan Pamuk để lộ ra quan điểm viết của mình: “Có hai cách nhìn thành phố. Cách thứ nhất là của du khách, của người nước ngoài vừa mới đến nhìn các tòa nhà, tượng đài, đại lộ và đường chân trời từ bên ngoài. Còn có cách nhìn bên trong, thành phố của những căn phòng ta ngủ, của những hành lang, rạp chiếu phim và phòng học cũ, thành phố làm từ mùi, ánh sáng và màu sắc của những ký ức mà ta thương mến nhất. Với những ai nhìn thành phố từ bên ngoài, thành phố này dường như cũng giống như thành phố khác, nhưng ký ức chung của một thành phố là linh hồn của nó, và những phế tích là bằng chứng hùng hồn nhất”. Tôi nhớ có một nhân vật của Patrick Modiano (Nobel văn học 2014) đã ngồi ở góc quán cà phê nhỏ hẹp giữa Paris hậu chiến chỉ để ghi lại giờ đến, giờ đi, đặc điểm của những lữ khách ghé qua. Anh ta đang làm một việc hoài phí, vô nghĩa, nhưng đó đôi khi lại là một phần thú đau thương chống lại mất mát ký ức khi sự mất mát ký ức là điều “hằng có” ở những đô thị trải qua nhiều thăng trầm. Dường như ở đó có bóng dáng của Sysiphus - kẻ vần đá lên núi - lại gợi mở hình ảnh sống động nhất của người tri hành vào ký ức thẳm sâu của một đô thị. Bởi y hiểu, sẽ không nơi đâu sự mất mát ký ức diễn ra nhanh chóng như ở khoanh vùng xã hội này, không gì phù du như thân phận con người dạt trôi trong những thành phố! James Joyce đi vào Dublin, Paul Auster đi vào New York, Patrick Modiano đi vào Paris... cũng bằng những cuộc du hành tìm thời gian đã mất, những cuộc ruổi rong chớp bắt phù du như thế. Đừng đợi trông những chính khách, nhà cầm quyền sẽ lo việc chăm sóc cho những mất mát ký ức bởi sinh ra họ chỉ là để tạo nên những cuồng lốc của đổi thay, lắm khi ngạo ngược, vô minh, phi lý trí. Họ loay hoay thiết lập nên những cuốn sổ địa bạ mới, đốt cháy những kho địa bạ cũ. Vì thế, Márai Sándor viết: “Phải miêu tả những thành phố như một ý tưởng hay một hồi ức của cảm xúc. “Những hình ảnh thành phố” luôn làm tôi bực mình và chán ngán, chúng thường bắt đầu bằng một tháp cao lấp ló từ đâu đó, và tiếp nối bằng tỉ lệ các sắc dân trong thành phố và số calo mà trưa và tối những cư dân của nó tiêu thụ. Tất cả đều vô nghĩa. Một thành phố trước hết là ý tưởng, không thể đưa vào sổ địa bạ”. Nhìn vào một thành phố, trước hết là một ý tưởng được khởi sinh từ nhu cầu hướng nội, đắm chìm, nhất thể hóa ta với nơi chốn mà ta vô phương tách lìa. Ta chống lại sự hư vô diễn ra trong mình và đồng thời trong chính nơi chốn mà mình hiện tồn, cho đến khi sự hữu hạn của kiếp sống nhắc ta rằng: ngươi hãy biết cách đầu hàng và chấp nhận sự phi lý như là một thuộc tính của hư vô!■ Tags: Thành phốKý ứcNguyễn Vĩnh NguyênViết về một thành phố
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.