05/10/2024 12:09 GMT+7

Viết về chiến tranh nhân bản hơn

Viết về chiến tranh cách mạng và người lính không chỉ là lương tri, trách nhiệm của những người làm sáng tạo văn học nghệ thuật mà hơn thế, cần phải viết nhân bản hơn.

Viết về chiến tranh nhân bản hơn - Ảnh 1.

Tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng của nhà văn Chu Lai

Đây là những ý kiến được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tạp chí Văn Nghệ Quân Đội phối hợp tổ chức ngày 4-10 tại Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Huy Bắc (trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nói hiện nay dù Việt Nam đã yên tiếng súng và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế song vấn đề chiến tranh cách mạng và hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn cần được nhìn lại, được viết tiếp để nhận diện căn tính dân tộc cũng như khẳng định khát vọng hòa bình.

Viết cần lòng dũng cảm

Viết về chiến tranh nhân bản hơn - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: THÀNHDUY

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, khẳng định lịch sử chiến tranh cách mạng hào hùng của dân tộc như một chất liệu quý giá cho sáng tác văn chương, nghệ thuật.

Ông nói dân tộc ta đã phải đối mặt với những thế lực rất hùng mạnh nhưng cuối cùng vẫn bước qua những nanh vuốt của lịch sử để đi tới thế kỷ 21.

Sự can trường của dân tộc từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây đúc rút trong hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ.

Năm nay tròn 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một chặng đường không dài nhưng nhuốm màu huyền thoại, có khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng cũng mãnh liệt, dữ dội.

Theo ông, viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính chính là lương tri, trách nhiệm của những người cầm bút.

"Con người không thể đi về phía trước một cách vững chắc khi sau lưng không có sự vững chắc của quá khứ. Viết về chiến tranh cách mạng và người lính chính là gia cố thêm cho sự vững chắc của quá khứ dân tộc, từ đó hoạch định tốt cho tương lai.

Các văn nghệ sĩ thời gian qua đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Chúng ta đã có được kho tàng văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh khá đồ sộ, trong đó hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ là trung tâm", ông Phương nói.

Vấn đề còn lại theo ông là làm sao phân tích, mổ xẻ, đánh giá, định giá được kho tàng ấy. Đây là địa hạt khá phức tạp và bề bộn, không chỉ đòi hỏi nhận định tài năng, kiến thức mà cả lòng quả cảm của người nghiên cứu. Bởi phải có lòng dũng cảm, nhà nghiên cứu mới đủ sức nhìn ở những khía cạnh khác, tiếp cận ở những vấn đề khác, tôn trọng sự khác biệt.

Khi đứng trước sự ác liệt của chiến tranh, những người lính cũng không tránh khỏi dao động, yếu lòng, sợ hãi, tham sống. Văn học gần đây chọn viết sâu vào "tính người" của những người lính Cụ Hồ.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Viết về người lính đã khác

Viết về chiến tranh nhân bản hơn - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú (tạp chí Văn Nghệ Quân Đội) chia sẻ về sự đổi thay trong việc xây dựng hình tượng người lính trong văn học kể từ sau năm 1986, đặc biệt hơn là trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.

Theo ông, khuynh hướng mới trong sáng tác văn học về đề tài này là khuynh hướng văn hóa - nhân bản.

Người lính được đề cao, nhấn mạnh tính người, không chỉ say mê lý tưởng, dũng cảm, thông minh...

Hình tượng này cũng được "đời thường hóa" thay vì thần thánh hóa như trước. Ví như nhân vật chỉ huy cũng có một "lý lịch phức tạp", như Lâm trong tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai.

Nhân vật người lính cách mạng đã có một cấu trúc tính cách đa diện, phức tạp, "rất người". Chất sống tràn vào những trang văn vốn nghiêm ngắn, khuôn mẫu, tạo ra sự tươi mới, uyển chuyển, sinh động hơn cho văn chương viết về đề tài chiến tranh cách mạng.

Một khuynh hướng nữa là xây dựng hình tượng người lính ở "đường biên" chứ không phải luôn ngự trị ở trung tâm. Theo ông Tú, người kiến tạo thành công nhất loại hình tượng này là Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh (năm 1990).

Song song với sự đổi thay của người lính Cụ Hồ, nhân vật người lính "phía bên kia" cũng được xây dựng khác, mang xu hướng hòa giải.

Theo ông Tú, vì nhiệm vụ chính trị nên văn xuôi trước năm 1975 xây dựng nhân vật kẻ thù theo bút pháp "hiện thực tàn nhẫn", họ hầu hết được mô tả là những kẻ tàn ác, hiểm độc.

Sau 1975, thời đại đổi thay. Nhiều nhân vật ở "phía bên kia" được miêu tả với ngoại hình đầy thiện cảm, có những người là trí thức và có tài quân sự.

Ông Tú cho rằng khuynh hướng văn hóa và nhân bản trong văn học đề tài chiến tranh cách mạng sẽ tiếp tục phát triển mạnh thời gian tới.

Lịch sử hào hùng là "mỏ vàng" của văn chương

Viết về chiến tranh nhân bản hơn - Ảnh 5.

GS.TS Momoki Shiro

GS.TS Momoki Shiro (Trường ĐH Việt Nhật, ĐH Quốc gia Hà Nội) trong bài nghiên cứu về lịch sử hào hùng chống quân Nguyên Mông của Việt Nam đã khẳng định Việt Nam có nhiều câu chuyện hay, những đại anh hùng như Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, những nhân vật thú vị như An Tư công chúa, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng...

Đây là chất liệu tốt để Việt Nam có thể viết các tác phẩm văn học lớn, những bộ truyện tranh lịch sử như nhiều nước đang khai thác.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện Việt Nam học và khoa học phát triển) cho rằng chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về việc khai thác kho sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc để đưa công nghiệp văn hóa phát triển.

Viết về chiến tranh nhân bản hơn - Ảnh 4.Dưới bóng cây da dù: Màu hòa bình trong câu chuyện chiến tranh

Sống ở Việt Nam là sống trong một ký ức chiến tranh dù bạn không nếm trải cuộc chiến đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên