Viết trên máy bay rời thành phố

NGUYỄN NGUYÊN ANH 30/09/2011 04:09 GMT+7

TTCT - Rồi thành phố chỉ còn là một vuông cờ với những ô nhỏ nhít, trong đó có ngôi nhà ruột thịt mà tôi bỏ lại để tiếp tục con đường của mình. Chợt nhớ lời bạn lúc chia tay, nỗi bực dọc giữa những phố phường chật chội và mệt mỏi…

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Tôi cũng từng có ý nghĩ giống bạn nên tôi biết. Tôi cũng có nhiều ngày tháng mơ về một nơi cái gì cũng mới, cũng đẹp, cũng kỳ lạ, cũng đáng yêu. Này thì đất người có tuyết trắng tinh khôi, có nắng mượt mà, có những thị trấn thinh yên, những con đường sạch sẽ và trầm mặc. Này thì nước mình sao bốn mùa phẳng lặng, nắng gắt buổi ban trưa, đường đô thị sao mà chật mà đông, đất đỏ bụi mờ. Cứ thế lại có giấc mơ nước mình, nước người…

Nhưng tin tôi đi. Khi bạn bước vào giấc mơ ấy, sẽ thấy thật ra không có nơi đâu mà mình thuộc về, hiểu trọn từng câu chữ, từng tiếng hát, không có nơi đâu có thể làm mình xúc động, xôn xao, nhớ thương, hoài niệm bằng quê hương mình cả. Chẳng nơi đâu cả.

Tôi đã đi qua những ngày tuyết dầm dề, những ngày mưa u ám và nắng hanh vàng cuối thu.

Tôi đã đi qua những con đường lá đỏ ngợp, những thị trấn phủ mình trong làn tuyết lạnh như những chiếc bánh gừng, chỉ để nhận ra tâm hồn mình đã hoàn toàn thuộc về những ngõ ngách đường phố chồng chéo của Sài Gòn, tai mình đã quen nghe những tiếng nói cười rổn rảng của giọng người miền Nam, và mắt mình đã hoen ướt khi nhìn về thành phố lung linh ánh đèn từ ghế ngồi trên máy bay. Vì đó là lần đầu sau bao nhiêu năm tôi nhận ra đã thật sự trở về nhà, về lại nguồn cội của mình, về lại với con người mình, đơn giản thế thôi, dung dị thế thôi.

Tôi đã đi khá xa để mới hiểu được rằng nếu không thể yêu thành phố đã dưỡng nuôi mình từ khi sinh ra, khó có thể yêu những chân trời khác.

Những giọt nước mắt thầm lặng từ cánh cửa máy bay, tôi gửi về cho bạn nỗi lòng tôi.

Xe bánh mì và trẻ khiếm thị

Xe bánh mì thịt của bà lão nhỏ bé đứng ngay góc đường đông đúc người qua lại, rất đông khách nhờ bà biết cách làm nước chan, cái vị đặc biệt mà không nơi nào có được. Mỗi sáng sớm tôi đều ghé chỗ này mua cho mình một ổ và gặm suốt một quãng đường dài từ trên xe buýt đến trường học.

Cứ tầm 6 giờ sáng, chiếc xe bánh mì của bà lọt thỏm trong vòng vây của mọi người. Già có, trẻ có, sang có, nghèo có, thậm chí có cả người khuyết tật. Bởi nơi đây gần trường mù nên trẻ khiếm thị đến mua rất nhiều. Các bạn vai vác balô, một tay cầm gậy dò đường, một tay cho ổ bánh mì vào miệng nhai nhóp nhép.

Sáng nào cũng vậy, tôi vẫn nhường chỗ để các bạn khiếm thị mua trước, mình thì lui về chờ phía sau. Có khi bị trễ xe buýt, nhưng trong lòng không buồn bực vì cảm giác mình làm được một việc có ý nghĩa.

Thế nhưng lại có những bạn sinh viên chen lấn, đẩy các bạn khiếm thị về phía sau để giành phần ưu tiên cho mình. Thậm chí có nhiều người chạy xe tay ga bóng loáng, ăn mặc sang trọng chẳng chịu bước xuống xe mà đậu dưới lòng đường và réo gọi bà lão bán trước cho mình, còn “dọa” nếu không bán trước thì họ sẽ rồ ga và không bao giờ mua bánh mì của bà nữa (những vị khách này thường mua cao giá hơn sinh viên và học sinh).

Sợ mất khách, bà lão buộc lòng phải ưu tiên cho “khách hàng VIP”, để những đứa trẻ khiếm thị đôi lúc đừng đợi chờ ngơ ngác.

Xã hội cho chúng ta quá nhiều thứ, kể cả đôi mắt sáng như trăng rằm. Nhưng có khi ta không nhìn thấy được cảnh khổ của người khác.

TTCT cảm ơn các bạn: Thùy Hương, Lê Thanh Hải, Lam Nguyễn, Nguyễn Hồng Phước, Phạm Mã Nhi, Diệu Linh... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: [email protected], mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận