Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trao nhau cái ôm nồng ấm sau khi kết thúc cuộc họp báo sáng 1-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (giai đoạn 2011 - 2015), nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, đại sứ Đoàn Xuân Hưng.
* Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida?
Tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida đến Việt Nam rất thành công, dù diễn ra trong thời gian ngắn, chưa đầy một ngày. Chương trình chuyến thăm dày đặc, các cuộc trao đổi là thực chất, tin cậy, chân thành, thiết thực.
Chúng ta có thể thấy hai thủ tướng đã trao đổi mọi vấn đề liên quan đến hợp tác của hai bên, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, an ninh - quốc phòng và các vấn đề quốc tế. Hai nhà lãnh đạo đã có sự thống nhất rất cao về các vấn đề này, cụ thể hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 11-2021.
Cần lưu ý rằng chuyến thăm của ông Kishida diễn ra chỉ 6 tháng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản. Khi gặp lại lần này, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều thỏa thuận thực chất, và đều nói rằng hợp tác đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Có thể nói, đây là một món quà rất có ý nghĩa mà Nhật dành cho Việt Nam khi chúng ta đang kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Hai thủ tướng đã bàn thảo hợp tác với nhau trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả". Tôi tin rằng các dự án sẽ đi vào phát triển thực chất thời gian tới.
Là đại sứ trong giai đoạn nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược sâu rộng và luôn đau đáu về mối quan hệ tin cậy và hợp tác tầm cao giữa hai nước, tôi rất vui mừng về kết quả của chuyến thăm này.
* Ông hài lòng nhất về các khía cạnh hợp tác nào?
Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là hai thủ tướng nhấn mạnh đến việc tăng cường triển khai các dự án hạ tầng chiến lược của hai nước. Đó là các dự án mà Việt Nam đang rất quan tâm: như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm ở TP.HCM…
Đây là các dự án hạ tầng mang tính xương sống cho nền kinh tế của Việt Nam. Các vị lãnh đạo hai nước cũng thảo luận kết nối hai nền kinh tế và gắn kết phát triển ở khu vực, là các vấn đề mang tầm chiến lược.
Thứ hai là, trong tình hình hậu COVID, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là câu chuyện rất lớn, nếu nước nào phát triển nhanh lĩnh vực này sẽ có những thuận lợi lớn cho sự phát triển trong tương lai. Nhật là nước có thế mạnh về vấn đề này và đã cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng - Ảnh: NVCC
Thứ ba là câu chuyện chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu để gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến phát triển của nhiều nước. Nhật Bản cũng cam kết hợp tác với Việt Nam ở lĩnh vực thực sự chiến lược này.
Thứ tư, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của cả hai nước thời gian tới.
Thứ năm, việc đàm phán về xuất nhập khẩu từng loại quả giữa hai bên thường diễn ra nhiều năm. Trước đây mới có quả thanh long của Việt Nam được nhập vào Nhật Bản, gần đây thêm xoài, vải. Sắp tới sẽ có thêm nhãn được xuất sang Nhật. Phía bạn cũng cân nhắc nhập thêm các loại quả khác của Việt Nam.
Tôi thấy vui mừng vì tiến độ đàm phán đã nhanh lên, thời gian đàm phán rút ngắn. Hợp tác này hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao, vào được thị trường Nhật, là thị trường khó tính, thì sau đó Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác và xuất khẩu sang nhiều nước khác. Lĩnh vực này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu ra thế giới.
Thứ sáu, biến đổi khí hậu là vấn đề Việt Nam quan tâm và là câu chuyện lớn trong hợp tác quốc tế. Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ thông qua các dự án ODA.
Tất cả các lĩnh vực kể trên đều nằm trong chương trình nghị sự của Việt Nam. Có thể nói chưa thấy có đối tác nào khác của Việt Nam có quy mô hợp tác rộng và sâu như Nhật Bản. Trong các dự án lớn và chiến lược của Việt Nam đều có dấu ấn tham gia của Nhật Bản.
Các thỏa thuận lần này cho thấy tuy tình hình khu vực và quốc tế có các khó khăn, tuy có dịch bệnh nhưng với cách làm phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở thúc đẩy các chiến lược phát triển như nghị quyết của Đại hội XIII đã đề ra.
Tôi muốn nhấn mạnh đến lòng tin, sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước đang ở mức rất cao. Điều đó đảm bảo cho các thỏa thuận sẽ được triển khai thực chất, bài bản, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trò chuyện với nhau khi di chuyển từ Phủ Chủ tịch đến Trụ sở Chính phủ để bắt đầu cuộc hội đàm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Vấn đề Biển Đông nói riêng và các vấn đề đa phương sẽ được thúc đẩy hợp tác thế nào, thưa ông?
Câu chuyện Biển Đông vốn đã rất phức tạp. Những năm gần đây ngày càng nhiều nước ở bên ngoài khu vực bày tỏ quan tâm nhiều hơn, hiểu và chia sẻ mối quan ngại chính đáng của Việt Nam.
Các nước này có cùng quan điểm với Việt Nam là đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Điều đó tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp tục bày tỏ quan điểm, bảo vệ chủ quyền và biển đảo của mình.
Về hợp tác đa phương, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược này.
Tôi cho rằng việc Việt Nam hợp tác với các nước không nhằm chống lại một nước nào, mà là tranh thủ được sự đồng tình của bạn bè quốc tế trong các vấn đề chúng ta quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Ở quy mô khu vực, việc thăm Việt Nam, trong ba nước Đông Nam Á lần này, ông Kishida, người có nhiều năm là ngoại trưởng Nhật Bản, cho thấy Việt Nam có tầm quan trọng lớn trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc hai thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản bàn về vấn đề xung đột ở Ukraine cho thấy hai bên không né tránh các vấn đề nhạy cảm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau.
Hai bên bày tỏ quan tâm về đề cao luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước và vấn đề nhân đạo. Đó là cách xử lý rất chân thành giữa hai người bạn. Xung đột ở Ukraine là câu chuyện quốc tế rất lớn, không phải của riêng Ukraine và Nga.
* Với tư cách nguyên đại sứ, ông mong muốn hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác thế nào thời gian tới?
Tôi cho rằng quan hệ Việt - Nhật đang ở mức cao nhất, khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, thực chất là toàn diện.
Tôi muốn lưu ý rằng Việt Nam có quy mô kinh tế nhỏ hơn Nhật nhưng Nhật Bản lại coi Việt Nam có khả năng bổ sung đáng kể cho sự phát triển của Tokyo. Điều đó cho thấy hợp tác không phải là một chiều. Thủ tướng Kishida Fumio đã nói hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn.
Tôi tin rằng Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình. Mong và tin rằng hai bên sẽ duy trì vững chắc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện tin cậy và cùng có lợi này để cùng phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận