04/02/2021 18:18 GMT+7

Việt Nam xác minh thông tin Trung Quốc xây căn cứ tên lửa sát biên giới

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Vừa qua, một số thông tin cho rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tên lửa đất đối không ở huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nằm cách biên giới Việt Nam chỉ chừng 20 km.

Việt Nam xác minh thông tin Trung Quốc xây căn cứ tên lửa sát biên giới - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại họp báo ngày 4-2 - Ảnh: BNG

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4-2, phóng viên đã đặt câu hỏi với người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng về vấn đề này.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam đang xác minh thông tin này.

Thông tin chưa được xác minh trên cũng nói rằng căn cứ tên lửa nằm cách một công trình khác - được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang trong quá trình xây dựng - khoảng 40 km.

Trong khi đó, nói về phản ứng của Việt Nam với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, bà Thu Hằng nhắc lại quan điểm rằng trong việc ban hành, triển khai văn bản pháp luật của quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là công ước UNCLOS 1982.

Bà tái khẳng định Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phủ hợp với luật pháp quốc tế. 

"Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp chính đáng đó. Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đồng thời không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông".

Tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thu Hằng cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới tình hình an ninh, kinh tế, dịch bệnh COVID-19…, trong đó có Biển Đông.

Gần đây, các nước như Nhật Bản và Anh đã bày tỏ quan ngại về Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó có thông tin Anh sắp triển khai tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển Đông nói riêng.

Về thông tin trên, người phát ngôn cho biết Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Theo bà Thu Hằng, hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào các mục tiêu này.

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc bà Trần Tố Nga (78 tuổi, người Pháp gốc Việt) được một toà án tại Pháp chấp thuận xét xử vụ kiện cáo buộc 14 công ty bán chất độc da cam đã gây ra tổn hại đau đớn cho bà và các con, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da dam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da dam/dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Việt Nam cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam".

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước ở Biển Đông phù hợp UNCLOS 1982 Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước ở Biển Đông phù hợp UNCLOS 1982

TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4-2 khẳng định Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, liên quan tới công hàm gần đây của Nhật Bản gửi Liên Hiệp Quốc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên