14/11/2024 08:54 GMT+7

Việt Nam và Peru tuy xa mà gần

Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Peru vẫn còn rất lớn sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, hướng tới đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Việt Nam và Peru tuy xa mà gần - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm hỏi cán bộ, nhân viên Công ty Viettel Peru - Ảnh: TTXVN

Ngày 12-11 (giờ Peru, rạng sáng 13-11 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Lương Cường đã đến thủ đô Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Peru trên cương vị mới. Chuyến đi mang theo kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ trở nên ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Đầu tư gắn kết quan hệ song phương

"Đầu tư của Việt Nam là nhân tố then chốt gắn kết quan hệ song phương, đặc biệt phải kể tới Công ty Bitel và PetroVietnam", Đại sứ Peru tại Việt Nam Patricia Ráez Portocarrero chia sẻ với báo chí trước chuyến thăm. Những hoạt động đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường tại Lima vào ngày 12-11 (giờ Peru) đã thể hiện điều này.

Ngay sau khi đến Peru, Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc với Công ty Viettel Peru (Bitel). Sự quan tâm của ông đối với Bitel không chỉ xuất phát từ việc đây là một liên doanh thuộc Viettel, mà còn bởi ý nghĩa biểu tượng từ sự thành công của liên doanh tại Nam Mỹ nói chung và Peru nói riêng.

Dù đối mặt nhiều khó khăn và cạnh tranh, sau hơn 10 năm Bitel đã vươn lên tốp đầu những nhà mạng được yêu thích nhất tại Peru. Đây cũng là nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng lưới lớn nhất tại Peru, hệ thống phân phối có mặt tại tất cả các bang của nước này. Năm 2024, Bitel dự kiến đạt lợi nhuận 103 triệu USD, mức cao nhất trong 5 năm qua.

Những thành công của Bitel, theo Chủ tịch nước, chính là thành công của Việt Nam và niềm tin của người dân Peru vào Bitel là niềm tin với Việt Nam. Đồng thời Bitel cũng là minh chứng cho thấy tiềm năng và trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới, cạnh tranh bình đẳng trên các thị trường quốc tế.

Ngoài Bitel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu khí ở Peru, đưa tổng giá trị đầu tư của Việt Nam vào nước này lên hơn 1,24 tỉ USD. "Các dự án đầu tư này không chỉ củng cố hợp tác kinh tế mà còn định vị Việt Nam là đối tác chiến lược trong thúc đẩy các lĩnh vực năng lượng và công nghệ của Peru", Đại sứ Patricia Ráez Portocarrero nhấn mạnh.

Cơ hội tăng cường hợp tác thương mại

Nhìn về tương lai, đại sứ Peru nhận định cả hai nước "đều đã ở vị thế sẵn sàng để tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương". 

Chỉ ra việc Peru đã trở thành Đối tác phát triển của ASEAN vào đầu năm nay, bà Patricia Ráez Portocarrero khẳng định vị thế này đã mở rộng cơ hội cho Peru hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN khác về phát triển kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa. 

Ngoài năng lượng và công nghệ, thương mại là một lĩnh vực mà hai nước có nhiều dư địa để khai phá hơn nữa.

Đồng quan điểm, khi chia sẻ với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru Bùi Văn Nghị cho rằng các công ty sản xuất, dịch vụ của Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác với Peru trong đầu tư và kinh doanh tại quốc gia này.

Giữa Việt Nam và Peru chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA), song cả hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Peru là thành viên.

Với việc CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Peru, đây sẽ là công cụ quan trọng để tăng cường thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư giữa hai nước. Theo ông Bùi Văn Nghị, lợi thế lớn nhất chính là hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoặc nới lỏng đáng kể. 

Trong CPTPP, Peru cam kết xóa bỏ 81% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17. Nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, đồ gỗ... cũng được hưởng mức thuế bằng 0 ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Việc cảng lớn Chancay tại Peru sắp được khai trương, theo Đại sứ Bùi Văn Nghị, cũng sẽ mở ra giai đoạn thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam vào Peru, xa hơn là các cơ chế mà nước này là thành viên như Liên minh Thái Bình Dương (Peru làm chủ tịch năm 2024) hay Mercosur. 

"Nhờ cảng Chancay, thời gian vận tải hàng hải giữa Peru và Việt Nam sẽ rút ngắn từ 40 ngày xuống còn 25 ngày. Đây là cơ hội giúp tăng cường năng lực và hiệu quả trao đổi hàng hóa cũng như mở ra cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ logistics", Đại sứ Bùi Văn Nghị nói thêm.

Thật vậy, theo Bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong khi Peru xếp ở vị trí thứ 61. Sự hợp tác giữa hai nước về logistics sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho quan hệ song phương mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam và Peru trong nỗ lực tăng cường kết nối ASEAN nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung với Mỹ Latin.

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tại Peru, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường dự kiến diễn ra vào chiều 13-11 (giờ Peru, tức rạng sáng 14-11 theo giờ Việt Nam).

Sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành hội đàm và tổ chức gặp gỡ báo chí để công bố kết quả cuộc gặp. Cũng trong ngày 13-11, Chủ tịch nước sẽ có các cuộc hội kiến quan trọng với lãnh đạo nghị viện và tư pháp Peru.

Việt Nam và Peru tuy xa mà gần - Ảnh 2.Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu thăm Peru, dự APEC 2024

Kết thúc chuyến thăm chính thức Chile, Chủ tịch nước Lương Cường đã đến Peru chiều 12-11 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến thăm nước này và dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên