Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và các đối tác - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay chuyến thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 cùng các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp và mang lại nhiều ý nghĩa.
Với chuyến thăm chính thức Campuchia trong bối cảnh hai nước kỷ niệm "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022", hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết, sự tin cậy.
Thưa Bộ trưởng, những kết quả đạt được của chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là gì?
Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực đã đạt được. Đó là việc hai nước thông qua Tuyên bố chung, ký kết 11 văn kiện hợp tác, quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Kinh tế - thương mại - đầu tư là tiêu điểm của chuyến thăm. Trên cơ sở nền tảng đã có, nhiều hợp tác được tăng cường hơn, đó là sự cần thiết kết nối hai nền kinh tế về cơ sở hạ tầng cứng, thể chế, sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030.
Với các hoạt động quốc phòng và an ninh, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường phối hợp giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó gồm phòng chống tội phạm xuyên biên giới, mua bán người, buôn bán ma túy, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ biên giới, tìm giải pháp thực hiện phân giới cắm mốc với 16% còn lại. Thủ tướng cũng đề nghị phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia.
Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh có nhiều thách thức đặt ra. Vậy những kết quả đạt được là gì để giúp ASEAN ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức?
Hội nghị đã thể hiện sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, dù trong bối cảnh phức tạp và bất ổn, ASEAN đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì đà hợp tác, thúc đẩy phục hồi bền vững.
ASEAN và các đối tác đã đưa ra nhiều biện pháp và cam kết nguồn lực cụ thể nhằm ứng phó các thách thức đang nổi lên như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cũng như đưa ra các sáng kiến trong chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại các hội nghị - Ảnh: D.GIANG
Đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng được phát huy trong các vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định. Như với vấn đề Myanmar là việc thông qua quyết định về triển khai Đồng thuận 5 điểm, hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, tìm giải pháp ổn định tình hình. Thông qua Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN là thành viên thứ 11.
Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục là ưu tiên của các nước. Với trụ cột chính trị - an ninh ghi nhận tỉ lệ triển khai đạt 98%, các nước nhất trí dành ưu tiên xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, với vai trò trung tâm, tự cường và khả năng thích ứng, ưu tiên về thương mại, đầu tư, kết nối, phát triển tiểu vùng…
Sau gần ba năm gián đoạn do dịch bệnh, sự tham gia của người đứng đầu nhà nước và chính phủ của hầu hết các đối tác, cho thấy quyết tâm nối lại trao đổi trực tiếp, sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ và ASEAN - Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada, ghi nhận đề nghị của Hàn Quốc và Nhật Bản nâng cấp quan hệ với ASEAN. Một số đối tác cũng bày tỏ mong muốn tổ chức các Hội nghị cấp cao kỷ niệm với ASEAN như kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản và 50 năm ASEAN - Úc.
Đã có hơn 100 văn kiện quan trọng được ký kết, đáng chú ý là Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN "Cùng ứng phó thách thức", Tuyên bố kỷ niệm 20 năm DOC…
Vậy đóng góp của đoàn Việt Nam tại các hội nghị lần này là gì, thưa bộ trưởng?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị với tinh thần trách nhiệm đã có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và các đối tác. Trong đó, Việt Nam thể hiện rõ nét vai trò cầu nối, thúc đẩy đồng thuận của ASEAN trong rất nhiều quyết sách quan trọng, gồm việc triển khai Đồng thuận 5 điểm và Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN.
Với tinh thần tích cực và chủ động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác quan trọng. Đó là việc cùng nhau mở cửa nền kinh tế, giao thương mở an toàn, duy trì các chuỗi cung ứng thông suốt, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, người dân được xem có vai trò trung tâm, chủ thể cho phục hồi, quan tâm đối tượng dễ tổn thương.
Với các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng đưa ra đóng góp, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông, Myanmar, xung đột Ukraine và nhiều nội dung khác trên tinh thần cân bằng, hài hòa và xây dựng.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã có 17 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, mở ra các cơ hội mới đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân… ngày càng sâu sắc và thực chất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận