Các chuyên gia trả lời câu hỏi của khán giả trong phiên thảo luận - Ảnh: MINH TÂN
Đây là nội dung chính xoay quanh trí tuệ nhân tạo AI tại Diễn đàn lãnh đạo cấp cao Shidler Global Summit do Đại học Hawaii tại Việt Nam cùng Trường đại học Văn Lang tổ chức vào 5-7 tại TP.HCM.
Nan đề của phát triển AI
Các ngành nghề quan trọng ở Việt Nam (nông nghiệp, tài chính, du lịch, khách sạn) đang đứng trước một con đường buộc phải lựa chọn: áp dụng AI, đem tới cho con người những cơ hội và cũng đưa con người đối mặt nhiều thách thức.
GS Bùi Xuân Tùng - giám đốc chương trình MBA của Đại học Hawaii tại Việt Nam - đặt vấn đề về những thách thức của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu: "Trong thế cạnh tranh hiện nay giữa Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, những thay đổi về kinh tế là không thể dự đoán. Nhất là khi mình áp dụng AI, các đối tác cũng áp dụng AI. Khi đó hai bên như một bàn cờ lớn, thành ra cần có chiến lược để đi được đường dài".
Trao đổi về vấn đề "làm sao cho Việt Nam có thể nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế", ông Phạm Duy Phúc - tổng giám đốc DC5, Tập đoàn FPT - nói rằng ngoài những thuận lợi về nguồn lao động trẻ, Internet ngày càng phát triển, thì trong tiến trình đó, Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại.
Ông cho hay mỗi năm chúng ta có thêm khoảng 50.000 kỹ sư liên quan đến ngành công nghệ. Nhưng với nhu cầu thị trường hiện nay, con số đó phải tăng lên nhiều lần mới có thể đáp ứng.
Ông Phúc nhấn mạnh: "Khi thị trường thiếu hụt sức lao động, dần dà nó đi tới chỗ cạnh tranh không công bằng trong việc tuyển dụng. Ngành nào cũng đòi hỏi có thời gian để phát triển, đặc biệt các ngành liên quan đến công nghệ. Con người phải dành nhiều thời gian để nâng cao năng lực".
Các diễn giả tham gia thảo luận sáng 5-7 tại Diễn đàn lãnh đạo cấp cao Shidler Global Summit năm 2024 - Ảnh: MINH TÂN
Chờ đón gì nữa ở AI?
GS Bùi Xuân Tùng nhấn mạnh, diễn đàn không hứa hẹn tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi lớn đã đặt ra mà ở đó, các diễn giả chia sẻ hiểu biết cũng như kinh nghiệm của mình về sự phát triển của Al hiện nay.
Câu chuyện sử dụng cảm biến và thiết bị bay không người lái (drone) để tưới cây của tập đoàn bà Nguyễn Thị Trà My - giám đốc kiêm phó chủ tịch Tập đoàn PAN - là một trong những ứng dụng thực tế đưa AI vào trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm.
Bình luận về những ý kiến được đưa ra tại diễn đàn, ông Phạm Duy Phúc cho rằng: "Trong tương lai, Việt Nam có thể cạnh tranh với nước ngoài về công nghệ thông tin. Nhưng Việt Nam vẫn còn thiếu nguồn lao động trình độ cao. Hơn nữa, một rào cản lớn vẫn là ngôn ngữ".
Sự phát triển nhanh chóng của AI là điểm khởi đầu mà cũng là điểm làm thay đổi: khởi đầu một cuộc cách mạng mới, làm biến đổi hầu hết khía cạnh trong đời sống. AI có thể giúp người dùng soạn thảo văn bản, viết các thư từ, đề xuất các chiến dịch tiếp thị, cung cấp lời khuyên y tế, tạo quảng cáo và phát triển các chatbot hoạt động 24/7…
Theo ông Phúc, đầu năm 2022 Việt Nam xếp hạng 53 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, bây giờ đã ở hạng 30. "Việt Nam không tập trung làm những mô hình ngôn ngữ lớn mà tập trung áp dụng AI vào một số lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt, những năm tới khi các doanh nghiệp có được những khoản đầu tư lớn thì Việt Nam có thể thăng hạng 15 hoặc 20. Chưa bao giờ Việt Nam gần thế giới như thế này" - ông Phúc cho biết.
Thời của AI, thời của những cạnh tranh để tạo ra trí thông minh giúp ích cho con người. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian, các doanh nghiệp không kịp áp dụng công nghệ mới sẽ có nguy cơ tụt hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận