15/08/2020 18:59 GMT+7

Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19: Hi vọng từ huyết tương

LAN ANH - XUÂN LONG
LAN ANH - XUÂN LONG

TTO - Hiện có khoảng 20 người đăng ký hiến tặng huyết tương, trong đó có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng (từng là bệnh nhân, nay đã bình phục) và nhiều bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh.

Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19: Hi vọng từ huyết tương - Ảnh 1.

Tách chiết huyết tương của người hiến tặng - Ảnh: THANH ĐẶNG

Sau hơn một tuần khởi động nghiên cứu đề tài cấp bộ về sử dụng huyết tương người bệnh COVID-19 đã khỏi để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng, tính đến ngày 10-8 có khoảng 20 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh đăng ký hiến tặng huyết tương.

Huyết tương điều trị nhiều bệnh

Đây không phải là một nghiên cứu xa vời, mà theo TS Văn Đình Tráng - Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, thành viên nhóm nghiên cứu, tại Hong Kong, Trung Quốc và cả châu Âu, các bác đã từng sử dụng huyết tương người bệnh để chữa bệnh. 

Châu Âu đã dùng phương pháp này từ lâu để chữa những bệnh có căn nguyên do virus như viêm đa cơ, sởi, quai bị và cúm. Ở Hong Kong, các bác sĩ đã sử dụng huyết tương người bệnh điều trị cho 80 bệnh nhân mắc hội chứng SARS năm 2003.

Theo đó, các bác sĩ sử dụng huyết tương người bệnh đã bình phục truyền cho người bệnh ở thời điểm trước ngày thứ 14 tính từ khi phát hiện dương tính với virus, cho thấy có hiệu quả rõ rệt, bệnh nhân đều được xuất viện trước ngày điều trị thứ 22. Điều này cũng cho thấy sử dụng huyết tương ở giai đoạn sớm sẽ có hiệu quả. 

Đã có 3 ca bệnh SARS ở Đài Loan được truyền 500ml huyết tương, kết quả là giảm tải lượng virus trong huyết tương và đều sống sót. Tại Hàn Quốc, có 3 bệnh nhân mắc MERS-CoV được điều trị bằng huyết tương người bệnh đã bình phục…

Xuất phát từ những nghiên cứu này, từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19 ở VN, Bộ Y tế đã giao Viện Huyết học và truyền máu trung ương xây dựng hướng dẫn thu nhận huyết thanh của người bệnh đã bình phục, giao BV Bệnh nhiệt đới trung ương phối hợp nghiên cứu liệu pháp sử dụng huyết tương của bệnh nhân bình phục điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trung bình, nặng và nghiêm trọng.

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 của Bộ Y tế (bản cập nhật lần thứ 4) vừa công bố cũng cho phép sử dụng huyết tương bệnh nhân đã bình phục điều trị cho người bệnh.

Hi vọng

Trong 3 giai đoạn của dịch COVID-19 ở VN (giai đoạn 1 trước ngày 26-2, giai đoạn 2 từ ngày 7-3 đến 16-4 và giai đoạn hiện nay bắt đầu từ ngày 25-7), chưa khi nào có nhiều bệnh nhân COVID-19 nguy kịch như giai đoạn này. 

Tại BV Đa khoa trung ương Huế cơ sở 2, BV Phổi Đà Nẵng, BV Bệnh nhiệt đới trung ương, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) có 13 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, hàng chục ca tiến triển bệnh nặng lên, đã có 15 ca tử vong. Trong đó, riêng ngày 10-8 có 4 ca tử vong, 1 ca trong số này (bệnh nhân 456) không có nhiều bệnh nền.

Vì vậy, việc có thêm biện pháp điều trị là yêu cầu rất quan trọng, nhất là khi hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào với COVID-19. Để có huyết tương từ người bệnh đã bình phục, các bác sĩ lựa chọn người tình nguyện hiến tặng 18-65 tuổi, có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sàng lọc an toàn bệnh nhân, đã xuất viện 14 ngày, xét nghiệm cận lâm sàng âm tính với COVID-19, có kháng thể miễn dịch và không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Hiện có khoảng 20 người đăng ký hiến tặng huyết tương, trong đó có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng (từng là bệnh nhân, nay đã bình phục) và nhiều bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. Bệnh nhân 196 là một trong số này, chị cho biết đã nằm viện điều trị trong gần 3 tháng. 

"Trước khi ra viện hôm 22-6 tôi đã gọi cho BV chủ động xin hiến tặng huyết tương, nhưng lúc đó tình hình dịch ổn định nên BV chưa nhận, giờ đã có cơ hội, tôi rất vui" - chị chia sẻ.

Sau khi nhận huyết tương hiến tặng, nhóm nghiên cứu sẽ tuyển chọn người nhận, trước mắt sẽ sử dụng điều trị cho người bệnh trung bình và nặng tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, trước khi mở rộng ra những BV khác. 

Người nhận huyết tương cũng tình nguyện nhận và có những yêu cầu như cùng nhóm máu với người hiến. Tùy điều kiện, thể trạng, tình hình bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định truyền toàn bộ số huyết tương mà người hiến tặng đã hiến hoặc truyền một phần trong số này.

Nhận huyết tương hiến tặng như thế nào?

Riêng tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương trong vụ dịch COVID-19 này đã điều trị trên 200 bệnh nhân, còn số lượng bệnh nhân đã khỏi bệnh trong cả nước đã xấp xỉ 400 bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu không giới hạn người đến hiến.

Các bác sĩ sẽ lấy huyết tương và truyền dịch (nước muối sinh lý) bù lại để người hiến tặng không gặp ảnh hưởng gì sau hiến tặng. Mỗi người hiến sẽ hiến tặng 600ml huyết tương, nhưng không phải lấy máu để tách huyết tương (là dịch của máu) mà sẽ có thiết bị tách huyết tương trực tiếp từ người bệnh.

Nữ bệnh nhân COVID-19 người Mỹ bay từ TP.HCM ra Hà Nội hiến tặng huyết tương Nữ bệnh nhân COVID-19 người Mỹ bay từ TP.HCM ra Hà Nội hiến tặng huyết tương

TTO - Sáng 12-8, bệnh nhân COVID-19 số 83, chị Kelly Michelle Koch, 50 tuổi, đã hiến tặng huyết tương để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể vừa, nặng và nghiêm trọng. Chị Koch người Mỹ, đã sống ở Việt Nam nhiều năm.

LAN ANH - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên