Việt Nam: Tìm đường riêng với các FTA kiểu mới

NAM MINH 21/06/2022 20:06 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh thế giới đang đương đầu với viễn cảnh tăng trưởng đình trệ và cú sốc lạm phát, nhiều nền kinh tế lớn thu lại vào bên trong, chủ nghĩa bảo hộ thắng thế, và sự phân mảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể trong cậy gì từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới trong mục tiêu “cứu rỗi” tăng trưởng.

Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (theo Tổng cục Thống kê). Cũng 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 305,1 tỉ USD, tăng 15,6%, trong đó xuất siêu 516 triệu USD.

May còn có… RCEP

Bên cạnh thương mại tăng trưởng tốt, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ổn định. 

 
 Ảnh: Paris School of Economics

Điển hình là thương vụ đầu tư 1 tỉ USD vào VSIP III (Bình Dương) của hãng đồ chơi Lego, thương hiệu thời trang Pandora rót 100 triệu USD đầu tư nhà máy, hay hãng công nghệ Apple cho biết sẽ gia tăng công suất lắp ráp iPhone và Macbook tại Việt Nam.

Tập đoàn Samsung cũng vừa công bố khoản đầu tư thêm 920 triệu USD vào nhà máy ở Thái Nguyên để sản xuất và lắp ráp linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác. 

“Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng” - ông Andrew Lee, quản lý cấp cao Bộ phận phát triển kinh doanh thị trường Hàn Quốc, Savills Việt Nam, chia sẻ.

Tổng vốn FDI (gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp) trong 5 tháng đầu năm đạt 11,71 tỉ USD. 

Các biến động chính trị lớn tại châu Âu hay chính sách kiểm soát dịch Covid-19 khắt khe của Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy nhiều tập đoàn đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa nguồn sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng.

Kết quả tích cực kể trên không thể không nhắc đến vai trò của các hiệp định thương mại quy mô mà Việt Nam tham gia gần đây. 

Ngân hàng Standard Chartered mới đây nhận định Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - nơi quy tụ nhiều nền kinh tế hàng đầu và năng động bậc nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và khối ASEAN.

RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại và thúc đẩy quá trình phục hồi hậu đại dịch. Các mặt hàng xuất khẩu chính mà Việt Nam sẽ hưởng lợi gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ôtô và viễn thông. 

Trong dài hạn, hiệp định này sẽ là nền tảng để tạo dựng một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, mà vai trò của Việt Nam là hết sức quan trọng.

Mới đây, Việt Nam còn tham dự quá trình thảo luận về sáng kiến kinh tế mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (IPEF). 

Đây là thỏa thuận do Mỹ khởi xướng với tham vọng lấp khoảng trống mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để lại. Với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc…, IPEF có thể tạo thêm cơ hội về giao thương và đầu tư cho Việt Nam.

Thách thức cũng tăng theo

RCEP, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) phần nào trở thành chất xúc tác hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp Việt Nam lọt vào bản đồ các cứ điểm sản xuất hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng vẫn còn quá nhiều thách thức chưa được giải quyết.

Ở miền Nam trước đây, hầu hết các khu công nghiệp được quy hoạch tập trung ở TP.HCM và một số địa phương liền kề như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Nơi đây cũng nhận được ưu tiên đầu tư hạ tầng như cao tốc, cảng biển, sân bay để thuận tiện giao thương.

Hãng nghiên cứu SSI Research đánh giá nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực khi kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19. Nhưng khung giá đất tại các tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 gia tăng đang ảnh hưởng đến biên lợi nhuận dự báo tại các khu công nghiệp mới thành lập.

Chi phí thuê đất tại các khu công nghiệp ở vùng TP.HCM mở rộng ngày càng đắt đỏ khiến doanh nghiệp sản xuất phải tìm về các địa phương xa hơn như Bình Phước, Tây Ninh hay gần đây là xu thế dịch chuyển một số nhà máy về miền Trung, các tỉnh miền Tây, nơi có chi phí đất hấp dẫn hơn. 

Các ngành chịu tác động nhiều nhất là dệt may, giày da, gỗ - vốn có biên lợi nhuận rất mỏng.

Rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất khi tìm kiếm vị trí xây dựng nhà máy ở xa là hạ tầng và hệ thống tiện ích xã hội còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, làm gia tăng chi phí và thời gian. Chưa kể nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao sẽ khan hiếm hơn so với khu vực vùng TP.HCM.

Thách thức khác mà các FTA mang tới là xu hướng gia tăng các vụ kiện tụng, điều tra chống bán phá giá với nhiều mặt hàng xuất khẩu có nguồn gốc Việt Nam. Mới đây Mỹ đã khởi xướng điều tra chống tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. 

Canada thì vừa thông báo rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ một số quốc gia, bao gồm Việt Nam. Bộ Ngoại thương Thái Lan cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá với hai sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu xuất xứ Việt Nam.

Cuối cùng, chủ trương hướng đến xuất khẩu, mở rộng giao thương thông qua các FTA cũng sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, những nơi mà tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên bất trắc. 

Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã phải liên tiếp nâng lãi suất để đối phó với lạm phát kỷ lục, làm giới phân tích lo ngại một cơn suy thoái kinh tế trên diện rộng đang đến.■

Thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy đến cuối năm 2021, cả nước có 397 khu công nghiệp đã được thành lập (bao gồm 352 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu). Tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122.900ha. Tỉ lệ lấp đầy đạt khá cao: khoảng 70,9%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận