05/06/2023 13:43 GMT+7

Việt Nam tiêm xấp xỉ 40 triệu mũi vắc xin phòng bệnh/năm

Hiện tại đã có 12 vắc xin có mặt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cùng nhiều vắc xin sử dụng tiêm chủng nói chung.

Tiêm chủng cho trẻ em trong mùa dịch COVID-19 vừa qua - Ảnh: NAM TRẦN

Tiêm chủng cho trẻ em trong mùa dịch COVID-19 vừa qua - Ảnh: NAM TRẦN

Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hằng năm số lượng mũi tiêm thực hiện trong tiêm chủng mở rộng khoảng 30 triệu mũi, đó là ngừa lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi - viêm màng não do Hib, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản.

Bên cạnh đó có xấp xỉ 10 triệu liều vắc xin dịch vụ cho cả người lớn và trẻ em (vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, hậu môn, vòm họng do HPV, vắc xin ngừa cúm, thủy đậu, dại, các bệnh do phế cầu, Rota vi rút, thương hàn...)

Đặc biệt trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 từ tháng 3-2021 đến nay, cả nước đã tiêm trên 266 triệu mũi vắc xin cho người từ 5 tuổi trở lên, góp phần quan trọng trong khống chế dịch COVID-19, đưa cuộc sống quay trở lại bình thường như hiện nay.

Giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật

Tiêm phòng giúp đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, dự phòng bệnh tật. Vắc xin giúp tăng khả năng sản sinh kháng nguyên chống lại sự hình thành, phát triển của một số bệnh.

Các kháng thể này đóng vai trò quan trọng, giống như lớp lá chắn bảo vệ sức khỏe mỗi người khỏi sự tấn công, đe dọa của vi rút gây bệnh. Sau khi tiêm vắc xin, cơ thể có khả năng chống lại sự đe dọa của vi rút trong một thời gian dài tùy hiệu lực bảo vệ của vắc xin.

Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1981, sau đó có thêm các công ty nhập khẩu vắc xin và trung tâm tiêm chủng như VNVC, số lượng vắc xin sử dụng tiêm phòng tăng dần.

Đến nay có thể nói gần như toàn bộ 30 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm thế giới có thì đều đã có ở Việt Nam.

Nhờ có vắc xin, điều dễ nhận thấy nhất là số người mắc các bệnh có vắc xin phòng đã giảm rất mạnh, giảm nguy cơ bị biến chứng, dị tật hoặc tử vong do các căn bệnh này. Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, chỉ riêng vắc xin sởi ước tính đã giúp ngăn chặn tử vong cho hơn 21 triệu người trên thế giới từ năm 2000-2017.

Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin từng xảy ra nhiều vụ dịch bại liệt, đậu mùa, tỉ lệ mắc bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân, đến năm 1962 khi Việt Nam sản xuất được vắc xin bại liệt sống giảm độc lực (vắc xin Sabin) thì tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh này giảm nhiều. Năm 2000 Tổ chức Y tế thế giới xác nhận Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt.

Sau đó, Việt Nam cũng được xác nhận đã loại trừ uốn ván sơ sinh từ 2005, trong khi năm 1991 vẫn ghi nhận tỉ lệ mắc uốn ván sơ sinh ở mức cao (0,7/100.000 dân). Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như viêm não Nhật Bản B, sởi... cũng đã được khống chế.

Vắc xin cho tương lai

Theo lãnh đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ nay tới năm 2030 sẽ có thêm 4 vắc xin tham gia vào chương trình, gồm vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa. Khi đưa các vắc xin vào chương trình sẽ tính toán từng bước, dựa trên khả năng ngân sách và hỗ trợ từ các tổ chức.

Trong đó, vắc xin ngừa vi rút Rota với sự hỗ trợ của Liên minh Vắc xin và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI) sẽ được triển khai sớm nhất, trước mắt ở 4 tỉnh (ưu tiên các tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn), sau đó sẽ mở rộng dần.

Đến năm 2025, chương trình sẽ bổ sung vắc xin ngừa phế cầu, 2026 - 2030 bổ sung vắc xin cúm và vắc xin ngừa HPV.

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam có 11 loại vắc xin, vắc xin ngừa Rota vi rút là loại vắc xin thứ 12. Tuy nhiên so với một số nước châu Á lân cận, số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam vẫn là ít hơn.

Lý do Việt Nam chọn triển khai tiêm ngừa Rota trước (thay vì chọn vắc xin phế cầu trước như một số nước) là do Việt Nam sản xuất được vắc xin này, đảm bảo nguồn vắc xin sử dụng và do gánh nặng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng và hậu môn do vi rút HPV cũng là bệnh có thể phòng hiệu quả nhờ có vắc xin. Ở các nước đã mở rộng sử dụng vắc xin này kết hợp với sàng lọc ung thư sớm, tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung đã giảm đi rất nhiều. Đây cũng là loại ung thư hiếm hoi có vắc xin phòng.

Chính vì vậy, việc mở rộng các loại vắc xin trong chương trình đang mang lại hy vọng dự phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần tạo nên lứa trẻ em mạnh khỏe, có tầm vóc và sức bền, đáp ứng nhu cầu mới về nhân lực. Một mũi vắc xin hôm nay nhưng câu chuyện sẽ là của tương lai, cho tương lai.

Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể

Dịp này, báo Tuổi TrẻHệ thống Tiêm chủng VNVC sẽ đồng tổ chức cuộc thi viết "Tiêm chủng - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cuộc thi viết "mở cửa' với tất cả mọi người từ 18 tuổi, tác phẩm dự thi là các bài viết, câu chuyện bằng tiếng Việt về chủ đề tiêm chủng, độ dài tối đa 800 từ, thời gian gửi từ 10-6 đến 30-7-2023 và gửi đến địa chỉ email [email protected]. Thư cần gửi kèm tên tuổi tác giả, địa chỉ, số điện thoại liên lạc...

Ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà văn, nhà hoạch định chính sách y tế sẽ đánh giá dựa trên sự sáng tạo, tầm ảnh hưởng, khả năng kể chuyện... và chấm giải. Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.

Việt Nam tiêm xấp xỉ 40 triệu mũi vắc xin phòng bệnh/năm - Ảnh 3.

Gấp rút tìm nguồn vắc xin tiêm chủng, vitamin AGấp rút tìm nguồn vắc xin tiêm chủng, vitamin A

Các địa phương "khát" nhiều loại vắc xin tiêm chủng mở rộng, thiếu nguồn cung cấp vitamin A. Giải pháp cuối cùng là đợi Bộ Y tế đấu thầu, phân bổ vắc xin tiêm chủng mở rộng và có thêm các nhà sản xuất, nhập khẩu cung ứng vitamin A.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên