Kháng kháng sinh là tình trạng kháng sinh mất khả năng khống chế, hoặc triệt diệt vi khuẩn gây bệnh. Phần lớn rơi vào cảnh một vi trùng kháng một, hay hơn một kháng sinh (đa kháng); nhưng hiếm mà hiểm, có cả loại siêu vi trùng coi như… thây kệ tất thảy kháng sinh hiện hành (toàn kháng)!
“Giỡn mặt chính quyền”
Cách vi khuẩn “giỡn mặt chính quyền”, cơ bản, học từ chính cách kháng sinh làm gỏi chúng! Cụ thể, đám ranh ma sẽ gia cố lại màng sinh học, để cấm cửa kháng sinh; hoặc dùng enzyme vô hiệu hóa, hoặc thay đổi nhân dạng để kháng sinh có mắt như mù, không tìm ra đích nhắm... Để làm được những điều trên, vi khuẩn dựa vào tiến hóa tự nhiên, đột biến, hay do vi khuẩn này... chia sẻ bí kíp cho vi khuẩn kia!
Vi khuẩn khôn ra, còn ta dở hơn!
Mọi chuyện ra nông nỗi này, khốn nỗi, do ta dở, chứ chẳng phải địch mạnh lên. Có chục đường dở, nhưng tựu trung là các kiểu dùng kháng sinh sai tè le về nhân sự, liều lượng và thời lượng. Vi khuẩn, như con thú thành tinh, họa lớn mà qua khỏi tất mạng lớn!
Đầu bảng là kiểu dùng kháng sinh lộn địa chỉ, thậm chí không nhắm vào ai cả, điển hình là dùng kháng sinh đánh virus! Kiểu thứ hai - sai liều lượng, liều thấp hay liều cao, đều tiếp tay đào tạo ra đám khuẩn có sạn trong đầu. Phổ biến hơn cả là sai thời lượng, toa kê 7 ngày, mới 3 ngày thì ngưng, vì thấy hết bệnh, vì ngại tốn kém, vì tránh tác dụng phụ...
“Lên bờ xuống ruộng” với lờn thuốc
Hậu quả nhãn tiền của kháng kháng sinh là người bệnh phải chịu thời gian điều trị kéo dài, kéo theo tiền bạc và đống tác dụng phụ ê mình. Được thế còn may, nếu đụng phải loại cứng cựa, dùng đến kháng sinh “nước chót”, không thì, rút ống thở, xin về, vì bác sĩ hết đường binh! Thê thảm nhất là người già, trẻ con, người suy giảm miễn dịch, bởi sức đề kháng - phòng tuyến cuối khi kháng sinh vỡ trận, lại mong manh dễ vỡ. Người ta từng ghi nhận có ca toàn kháng ở trẻ mới lọt lòng!
Lỗi bốn phương tám hướng
Nhiều người hẳn cho rằng, kháng kháng sinh do “người trần mắt thịt” tự tung tự tác mà ra. Nhưng thật ra, mấy vị mũ cao áo dài kê toa cũng lỗi phải đầy mình. Thời nay, khó tìm ra toa thuốc trị viêm nào không có kháng sinh. Ngoài ra, còn một cửa kháng thuốc ít bị dòm ngó, đó là vi khuẩn lờn thuốc được gửi từ ngành... chăn nuôi sang! So độ “ẩu” trong việc dùng kháng sinh, thì ngành nuôi trồng không nhất cũng nhì. Đám vi trùng gốc cây/con này, đắc đạo xuống núi, gây bệnh cho người, thì mệt cho bệnh nhân lẫn thầy thuốc mấy phần so với đám quen “thịt” người.
Tình trạng kháng kháng sinh còn gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”, khi kháng sinh bị khuẩn bệnh cười vào mũi, nhưng lại thẳng tay đồ sát khuẩn lợi! Càng tăng đô, tăng loại, càng chết người như thủ túc.
Điểm mặt anh hào
Vài cộm cán chiếm “bảng phong thần” nhờn kháng sinh như khuẩn đường ruột (E.Coli, Klebsiella...) kháng carbapenem, cầu khuẩn kháng vancomycin, tụ cầu kháng methicillin, phế cầu và lậu cầu kháng thuốc, lao đa kháng thuốc (MDR)... Chi tiết, không khó nhận ra trong danh sách kháng sinh bị qua mặt, không chỉ cây đa cây đề tuổi già sức yếu, mà có cả những hậu bối trẻ khỏe. Thậm chí, Colistin, một trong ít loại kháng sinh “võ công cái thế” hiện nay, được coi như chước cuối trong tay áo ngành y, cũng đang lăm le bị vi khuẩn cho ăn hành!
Việt Nam “không phải dạng vừa”
Việt Nam ta, thuộc hàng “không phải dạng vừa” trên bản đồ kháng kháng sinh thế giới! Trong khi ở các nước phát triển, người ta vẫn còn dùng “đồ cổ”, thì xứ mình, lắm khi phải xài đến kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4 mới xuể. Góp phần, còn phải kể nạn thuốc giả, kháng sinh đểu hoành hành ăn đứt thiên hạ.
“Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”?
Thiệt lòng mà nói, nếu không có đột biến, việc kháng sinh bị nốc-ao kỹ thuật chỉ là vấn đề thời gian. Lối thoát tận thế, căn cơ là tìm ra kháng sinh mới, nhưng rõ việc này chẳng dễ. Từ 2008 đến nay, chưa có kháng sinh mới nào ra lò. Nhiều ý kiến bi quan còn cho rằng, kế hoạch “quân tử trả thù mười năm chưa muộn” với kháng sinh mới, sẽ chẳng thay đổi được tình hình! Bởi, với đà tiến hóa của vi khuẩn, thì hàng mới sẽ nhanh chóng... lỗi mốt. Chưa kể, với sự ra đời của những loại siêu vi trùng, siêu kháng thuốc, “tiên tri” trước cả đường đi nước bước của lò kháng sinh, ra mống nào phang thẳng mống ấy!
Tránh hai chữ “tự tiện”!
Nói vậy để dè chừng, cảnh giác, chứ không có việc nhân loại quy hàng dễ dàng đến vậy. Muốn thế, mỗi chúng ta phải tuân theo kim chỉ nam tối giản - tránh hai chữ “tự tiện”:
Không tự ý dùng kháng sinh. Nếu được kê toa, phải tuân thủ chỉ định, liều và thời lượng. Không ngưng ngang, không tự thêm liều. Không lấy lại toa cũ, toa “mách nước” ra dùng. Không chia sẻ toa thuốc cho người khác. Không nghe lời bác sĩ Google vô lối. Không tự ra nhà thuốc mua kháng sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận