Việc Thủ tướng tham dự hội chợ và hội nghị CABIS tại Quảng Tây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các lợi ích thương mại không chỉ cho Việt Nam mà còn khu vực.
Sự coi trọng của Việt Nam
CAEXPO và CABIS là một trong bốn hoạt động có ý nghĩa quan trọng, được Chính phủ Trung Quốc quyết định tổ chức thường niên cùng Diễn đàn Bắc Ngao, Diễn đàn Davos Thiên Tân và Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải.
Với tầm quan trọng đó, sự kiện này thường có sự tham dự của lãnh đạo là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. CAEXPO và CABIS lần thứ 20 đánh dấu lần tổ chức trực tiếp đầu tiên sau ba năm đại dịch COVID-19.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Bí thư khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh cùng một số trưởng đoàn các nước tham dự CAEXPO, CABIS.
Chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với sự kiện lần này cũng như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và ASEAN - Trung Quốc.
Trong 19 kỳ hội chợ trước đó, Việt Nam luôn có lãnh đạo Chính phủ tham dự, bao gồm 5 lần cấp thủ tướng và 14 lần cấp phó thủ tướng. Việt Nam cũng là nước có số lượng gian hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều nhất trong ASEAN.
CAEXPO và CABIS năm nay có chủ đề "Cùng xây dựng ngôi nhà chung, cộng đồng chung vận mệnh hướng đến tương lai - Thúc đẩy sáng kiến Vành đai và con đường phát triển chất lượng cao và xây dựng trung tâm tăng trưởng kinh tế".
Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong hội chợ lần này, lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN tham dự sẽ có các bài phát biểu quan trọng, mang tính định hướng chiến lược cho tương lai quan hệ kinh tế - thương mại hai bên.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Giáp biên giới với Việt Nam, Quảng Tây là nơi đi đầu trong hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Và trong gần 20 năm qua, Quảng Tây cũng là điểm đến quen thuộc của các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc cho sự kiện CAEXPO và CABIS.
Ngay trước chuyến công tác Trung Quốc lần này của Thủ tướng, hai bên đã khởi công xây dựng cửa khẩu thông minh Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan nằm trên biên giới tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam và Quảng Tây.
Việt Nam và Trung Quốc cũng vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên trong vòng một năm với kỳ vọng thúc đẩy du lịch, hiểu biết và giao lưu nhân dân.
Trang Tin tức Quảng Tây khẳng định CAEXPO và CABIS lần thứ 20 sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu, nhờ tính bổ sung cao trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Trang này cũng khẳng định với lợi thế địa lý, Việt Nam sẽ là nơi chứng kiến những dòng hàng hóa giữa ASEAN và Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, từ chỗ chỉ đạt vài triệu USD trong các năm đầu tiên tham gia CAEXPO, những năm gần đây tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ đã lên tới trên dưới 50 triệu USD.
Khu gian hàng Việt Nam tại các kỳ CAEXPO đều thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp quan tâm và năm nay tiếp tục là gian hàng có quy mô lớn chỉ sau chủ nhà Trung Quốc.
Mặc dù tên hội chợ chỉ nhắc đến ASEAN và Trung Quốc, CAEXPO và CABIS từ lâu đã có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhiều nước khác gồm cả châu Âu và Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính với hơn 40 quốc gia tham gia, CAEXPO và CABIS lần thứ 20 sẽ chứng kiến việc ký kết các dự án đầu tư trị giá hơn 55 tỉ USD, trong đó khoảng 40% liên quan lĩnh vực sản xuất.
Giới thiệu Việt Nam với quốc tế
Năm nay, Việt Nam tham dự hội chợ với 200 gian hàng, đem đến nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú thuộc nhiều lĩnh vực. Với tỉnh Sơn La, kỳ hội chợ thứ 20 này là cơ hội để quảng bá hình ảnh địa phương và tiềm năng trở thành trung tâm "nông sản sạch của Việt Nam" khi lần lầu tiên được chọn tham gia khu trưng bày "Thành phố tươi đẹp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận