25/06/2024 08:01 GMT+7

Việt Nam thu hút đầu tư ở WEF Đại Liên

Hôm nay (25-6), Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chính thức khai mạc tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc). Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 1.600 đại biểu trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đón và hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 24-6 - Ảnh: D.GIANG

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đón và hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 24-6 - Ảnh: D.GIANG

Diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục biến động, phức tạp khó lường, hội nghị lần này tập trung thảo luận về các lĩnh vực, động lực tăng trưởng mới, đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi và nhiều tiềm năng.

Năng lực cạnh tranh riêng biệt

WEF Đại Liên 2024 với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới" được kỳ vọng sẽ gợi mở những cơ hội hợp tác trong một chu kỳ tăng trưởng mới với sự chuyển dịch của các ngành công nghiệp, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh... Đây vốn là những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích thu hút đầu tư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Bình - giám đốc điều hành Economica Vietnam - đánh giá những kết quả nổi bật về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua đã minh chứng cho một nền kinh tế vừa có sức chống đỡ tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài vừa khơi dậy được những sức mạnh nội sinh.

Điều này giúp Việt Nam có thể hướng tới và hiện thực hóa là một trong "những chân trời tăng trưởng mới" như chủ đề của hội nghị và qua đó thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Thực vậy, bất chấp nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đã luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định và thậm chí có thời điểm nằm trong tốp đầu các nền kinh tế tăng trưởng cao.

Theo ông Bình, điều này cho thấy năng lực chống chọi của kinh tế Việt Nam, chất lượng quản trị kinh tế và quản trị công có cải thiện, giúp chúng ta duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn.

"Kết quả này là minh chứng cho thấy năng lực cạnh tranh riêng biệt của Việt Nam, khẳng định vai trò và khả năng thích ứng kinh tế Việt Nam với biến động kinh tế toàn cầu tốt hơn" - ông Bình đánh giá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đưa ra định hướng khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển dịch năng lượng. Điều này cho thấy Việt Nam đã thích ứng tốt hơn với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác hiệu quả các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Kết quả là kinh tế số của Việt Nam những năm qua đạt mức tăng trưởng khá cao với khoảng 20%/năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này đã đóng góp không nhỏ cho sự chuyển dịch kinh tế Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo ra không gian và dư địa tăng trưởng mới.

WEF đánh giá cao Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế với trọng tâm là cải cách thể chế, đột phá nhân lực và hạ tầng. TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đánh giá những nỗ lực này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo ông Việt, WEF đã đánh giá cao Việt Nam trong việc cải cách luật lệ, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường thương mại và đầu tư kinh doanh. Điều này giúp cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới nâng hạng các chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong tạo thuận lợi đầu tư, khởi sự kinh doanh, thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn lực...

Điều này lý giải khi trong lịch trình bận rộn của Thủ tướng tại Trung Quốc, nhiều chủ tịch doanh nghiệp lớn của nước này đưa ra đề nghị đầu tư vào Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong ngày làm việc đầu tiên (24-6), chủ tịch Công ty Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên, Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc đã đề nghị đầu tư vào dự án hạ tầng đường sắt và năng lượng mới.

Dự kiến hôm nay (25-6), Thủ tướng có cuộc gặp với chủ tịch Tập đoàn Truyền thông và tín hiệu đường sắt quốc gia Trung Quốc và tham gia tọa đàm khởi nghiệp sáng tạo dành cho doanh nghiệp...

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, việc những tập đoàn này đề nghị đầu tư vào lĩnh vực mà Việt Nam đang muốn thu hút như hạ tầng, đường sắt, năng lượng với những cam kết hiệu quả hơn so với giai đoạn trước là tín hiệu tích cực để Việt Nam nâng cao hơn nữa chất lượng đầu tư với Trung Quốc nói riêng và với các nước.

Tuy vậy, ông Việt mong muốn những kinh nghiệm quý báu từ hội nghị này có thể giúp Việt Nam tháo gỡ vướng mắc để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tạo tính lan tỏa giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị và tăng trưởng có chiều sâu hơn.

Hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

Trong chương trình công tác tại Trung Quốc, chiều 24-6 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là nghiên cứu thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc sớm mở cửa thị trường cho các nông sản, trái cây; thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch với trọng tâm là hợp tác chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất. Theo đó, Trung Quốc cam kết mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa nông thủy sản, hoa quả, thông quan hàng hóa cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.

Châu Á và Việt Nam mang gì đến WEF Đại Liên?Châu Á và Việt Nam mang gì đến WEF Đại Liên?

Thành phố cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã sẵn sàng cho Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), một trong những sự kiện quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên