13/12/2016 11:54 GMT+7

Việt Nam thành kho nhôm của thế giới?

THANH LIÊM - ĐÔNG HÀ
THANH LIÊM - ĐÔNG HÀ

TTO - Theo Hãng Global Trade Information Services (GTIS), Việt Nam là đích đến của 91% sản lượng nhôm đùn xuất khẩu của Mexico trong năm nay - tuyến đường giao thương hiếm của nhôm những năm gần đây.

Kho ngoại quan của Công ty cổ phần Thành Chí ở KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứa một lượng nhôm rất lớn với lưới đen phủ kín - Ảnh: Đông Hà

Từ thông tin của báo Wall Street Journal (WSJ) về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được âm thầm chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm hiểu thêm về kho nhôm khổng lồ được canh phòng cẩn thận tại một nhà máy ở Vũng Tàu.

Số hàng lớn bất thường này thu hút sự chú ý của giới kinh doanh và chuyên gia trong ngành công nghiệp nhôm. Một số quan ngại về tác động của nó đến thị trường toàn cầu và giá nhôm.

Kho nhôm ở Vũng Tàu

Theo quan sát của Tuổi Trẻ, tại kho ngoại quan của Công ty cổ phần Thành Chí ở KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chứa một lượng nhôm rất lớn với lưới đen phủ kín.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Thành Chí xác nhận nhôm đã đưa về kho gửi từ hơn một tháng qua và hiện vẫn đang được chuyển đến đây để gửi. Vị lãnh đạo này không tiết lộ cụ thể số lượng nhôm gửi ở kho của mình mà chỉ nói rằng “khoảng vài ngàn container”.

Ông Trần Văn Danh, cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận với Tuổi Trẻ lượng nhôm được gửi ở kho ngoại quan nói trên là của Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam (tên tiếng Anh: Global Vietnam Aluminum Co), đóng tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành.

Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc góp vốn làm chủ đầu tư. Đó là ông Jacky Cheung (35 tuổi) và ông Wang Tong (36 tuổi).

Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 250 triệu USD.

Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỉ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỉ đồng.

Hiện tại nhà máy sản xuất của Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam đang gấp rút được xây dựng. Theo ông Trần Văn Danh, hiện tại số nhôm do công ty này đưa về Việt Nam đang gửi ở kho ngoại quan mà chưa làm thủ tục nhập khẩu nên hải quan chưa tiến hành kiểm tra.

Tuy nhiên theo ông Danh, số nhôm nói trên là phôi, là nguyên liệu. Khi nào doanh nghiệp làm thủ tục nhập thì hải quan mới kiểm tra. Hiện tại hải quan chỉ giám sát, biết số lượng hàng gửi là bao nhiêu.

Nếu doanh nghiệp tái xuất, hải quan cũng giám sát chặt để không cho hàng vào mà không làm thủ tục nhập khẩu.

Cũng theo ông Danh, đến thời điểm này, Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam chưa xuất lô hàng nào ra nước ngoài và rất có thể số nhôm đưa về Việt Nam hiện đang gửi ở kho ngoại quan để chờ làm nguyên liệu cho việc sản xuất nhôm.

Nhà xưởng đang gấp rút xây dựng của Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam - Ảnh: Đông Hà

Điều tra của WSJ

Theo điều tra của WSJ, số nhôm xuất phát từ Mexico hiện ở Việt Nam có liên quan đến một trong những người giàu nhất Trung Quốc - ông Liu Zhongtian, chủ tịch Công ty nhôm China Zhongwang Holdings.

Các doanh nghiệp nhôm của Mỹ cáo buộc ông này chuyển hàng đến Mexico để che giấu nguồn gốc xuất xứ với mục đích trốn thuế tại Mỹ.

Nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc bị đánh thuế chống phá giá ở Mỹ lên đến 374%, trong khi sản phẩm của Việt Nam chỉ có 5%. Qua nghiên cứu sổ sách kinh doanh và vận chuyển, số nhôm ở Việt Nam có liên quan đến các công ty của ông Liu và gia đình ông này.

Vụ vận chuyển nhôm lớn từ Mexico đến Việt Nam trùng hợp với đợt gia tăng khối lượng nhôm nhập khẩu vào Việt Nam từ hai nước là Trung Quốc và Mỹ. Hàng hóa chủ yếu đi qua các cảng biển gần với các cơ sở làm ăn của ông Liu ở Việt Nam - theo các nguồn tin trong ngành.

Ví dụ, 65% nhôm đùn của Mỹ xuất đi Việt Nam trong tháng 8 năm nay so với chỉ 3% cùng kỳ năm 2015 - theo GTIS. Theo sổ sách nhập khẩu của Việt Nam, số hàng từ Mỹ phần lớn thuộc Công ty Perfectus Aluminum Inc vốn trước đây thuộc về con trai ông Liu.

Perfectus nay sở hữu bởi Jacky Cheung (người này cũng liên quan đến ông Liu), đồng sở hữu Công ty nhôm Aluminicaste Fundición de México - đơn vị quản lý số hàng nhôm vận chuyển đến Việt Nam.

Ông Cheung còn là đồng sở hữu của Global Vietnam Aluminum Co, công ty quản lý nhà máy ở Vũng Tàu, nơi một phần số nhôm nguồn gốc Mexico đang được cất giữ.

Ông Liu trong lần phỏng vấn với WSJ hồi tháng 6 phủ nhận có liên quan đến các vụ làm ăn của con trai ở Mexico và Mỹ. Công ty Aluminicaste cũng phủ nhận sở hữu số nhôm ở Mexico và từ chối bình luận thêm. Global Vietnam đẩy câu hỏi qua cho ông Cheung nhưng ông này cũng từ chối trả lời.

Người phát ngôn của China Zhongwang Holdings phủ nhận họ có liên quan đến số nhôm cất giữ ở Việt Nam. Không đơn vị hay cá nhân nào liên quan đến cuộc điều tra của WSJ thừa nhận sự liên quan đến số hàng ở Mexico.

Nhà máy của Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam đang được gấp rút xây dựng - Ảnh: Đ.HÀ

Số nhôm 5 tỉ USD đã về Việt Nam

Theo số liệu của GTIS, từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm đùn trị giá 5 tỉ USD đã được nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, Mỹ và cả 500.000 tấn từ Mexico mà WSJ đã điều tra. Việt Nam trở thành kho chứa nhôm lớn nhất thế giới, kho lớn thứ nhì ở Hà Lan chỉ bằng 1/3 ở Việt Nam.

Chuyên gia Eoin Dinsmore thuộc Hãng nghiên cứu thị trường CRU Group (London) ước tính kho nhôm ở Việt Nam chiếm 14% tổng lượng nhôm toàn thế giới. “Nếu số nhôm này được đưa đến các thị trường khác, nó sẽ gây tác động lớn về giá” - ông Dinsmore nhận định.

Dẫn hình ảnh vệ tinh, ông Dinsmore cho biết phần lớn trong số 1,7 triệu tấn nhôm chuyển đến Việt Nam thông qua cảng Vũng Tàu. Đây cũng là cảng vận chuyển chính của Công ty Global Vietnam Aluminum.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ năm 2010 cáo buộc Công ty Trung Quốc Zhongwang bán phá giá nhôm tại Mỹ và áp mức thuế lên đến 374%. Đầu tháng 11 vừa qua, nhà chức trách Mỹ tiếp tục phát hiện Công ty Zhongwang đang tìm cách lách lệnh trừng phạt thuế.

Việt Nam chưa sản xuất được nhôm

Trong khi đó, một cán bộ hải quan cho biết kho ngoại quan được thành lập tại các cửa khẩu hoặc khu công nghiệp, nhằm kịp thời cung ứng hàng hóa, nguyên liệu cho các nhà sản xuất.

Nếu là hàng xuất khẩu, nơi này sẽ là nơi nằm chờ của hàng hóa sau khi đã làm xong thủ tục xuất khẩu, để hạn chế chi phí lưu kho, lưu bãi cho doanh nghiệp.

Dù hàng hóa tại kho ngoại quan chưa được tính là hàng nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, nhưng tất cả hàng hóa, phương tiện vận tải ra vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan đều phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

Theo một cán bộ có thẩm quyền trong lĩnh vực cấp C/O (xuất xứ hàng hóa) của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), khả năng VN sẽ bị lợi dụng C/O để xuất sang nước thứ ba “là có thể” nếu ngay từ đầu, việc khai báo hàng hóa nằm tại kho ngoại quan không được cơ quan chức năng xác định kỹ là thành phẩm hay nguyên liệu.

TRẦN VŨ NGHI

THANH LIÊM - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên