Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-2, PGS.TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) nhận định trải qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự gắn kết giữa Việt Nam và Singapore ngày càng chặt chẽ. Tuy nhiên, quan hệ hai nước chỉ thực sự phát triển vào khoảng những năm 1990, khi lãnh đạo hai bên bắt đầu bàn nhiều hơn về chuyện đầu tư.
Singapore đang rất coi trọng Việt Nam
"Trong 30 năm qua, quan hệ hai bên chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực truyền thống. Singapore đã chia sẻ những kinh nghiệm thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao như VSIP. Những dự án đó đã rất thành công và Singapore đang muốn xây dựng một mô hình phát triển mới với Việt Nam, lấy đó làm hình mẫu cho hợp tác của Singapore với các nước Đông Nam Á khác", ông Khương nêu vấn đề.
Mô hình đó chính là hợp tác đầu tư, khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore bằng đường biển, cụ thể là điện gió ngoài khơi. Nhìn rộng hơn, đó là mô hình cùng phát triển xanh và bền vững trong tương lai.
"Singapore nhìn thấy ở Việt Nam hiện tại một hình ảnh của Singapore trong quá khứ. Họ biết những khó khăn hiện tại và cách giải quyết chúng vì đã từng trải qua tương tự. Họ cũng có niềm tin vào sự ổn định và quyết tâm của giới lãnh đạo Việt Nam. Người Việt Nam đã nói là quyết làm cho được, không như các chính phủ khác mỗi khi chuyển giao quyền lực lại có sự thay đổi tiêu cực với các dự án của đời trước", ông Khương giải thích vì sao Singapore chọn Việt Nam làm nơi xây dựng hình mẫu cho cả khu vực.
Theo ông Khương, Singapore muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước nhưng cũng đồng thời rất thực tế khi đặt vấn đề lợi ích cao. "Quốc gia đem lại lợi ích cho họ càng lớn thì vị trí của nước đó trong chính sách đối ngoại Singapore càng cao. Nhưng khi không đem lại lợi ích lớn, họ vẫn đối xử một cách lịch sự vì không muốn làm ai bị tổn thương" - ông Khương nói, cho biết Việt Nam hiện nay đang được Singapore "đặt ở vị trí rất cao".
Sự đồng điệu về mục tiêu phát triển bền vững là một thuận lợi to lớn, nhưng một thuận lợi khác để tăng cường quan hệ hai nước còn đến từ thế hệ lãnh đạo mới của Singapore. Do bối cảnh phức tạp của thế giới và khu vực ở thế kỷ trước, đã có những hiểu lầm về Việt Nam trong nhận thức của thế hệ lãnh đạo cũ. Tuy nhiên, thế hệ mới đang nhìn Việt Nam là một đất nước của những cơ hội.
"Thế hệ này sinh ra và lớn lên khi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, chứng kiến sự cải cách và mở cửa của Việt Nam trong gần 40 năm qua nên không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của những thế hệ trước", ông Khương nói về yếu tố "nhân hòa" trong quan hệ Việt Nam - Singapore.
Nền tảng ổn định của ASEAN
Giới quan sát đánh giá Việt Nam và Singapore là hai quốc gia ổn định nhất ở khu vực Đông Nam Á hiện nay và có sự hội tụ nhận thức chiến lược về thế giới xung quanh. Một trong số đó là quan điểm cân bằng quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày một gay gắt. Theo giáo sư Bilveer Singh - giảng viên tại ĐH Quốc gia Singapore, với sự hội tụ như vậy, Việt Nam và Singapore có thể đóng vai trò như một "mỏ neo ổn định" của ASEAN trong các cơn bão cạnh tranh địa chính trị tiềm ẩn.
Giáo sư Bilveer Singh nhận định hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa các quân chủng của lực lượng vũ trang, phát triển khả năng tương tác giữa hai bên theo thời gian thực. An ninh mạng cũng là một lĩnh vực Singapore rất mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu lớn.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) gợi ý trong khuôn khổ song phương, Việt Nam nên đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải, phối hợp giải quyết các thách thức chung ở Biển Đông như buôn lậu, cướp biển, đánh bắt cá trái phép, suy thoái môi trường biển.
"Cả hai nước đều nhận thức được việc ASEAN có nguy cơ bị suy giảm vai trò trung tâm trước bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều các thể chế tiểu đa phương do các nước lớn khởi xướng và dẫn dắt. Do đó, hai nước có thể hợp tác trong việc củng cố đoàn kết nội khối của ASEAN, tăng cường vai trò của khối bằng việc giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống mà các nước thành viên quan tâm", ông Dũng nói thêm.
Thủ tướng gặp gỡ kiều bào tại Singapore
Ngày 8-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Changi, bắt đầu chuyến thăm chính thức Singapore. Thủ tướng đã dành một trong các hoạt động đầu tiên ở Singapore để gặp gỡ đại diện của cộng đồng 10.000 kiều bào.
Trong thời gian Thủ tướng ở Singapore, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư sẽ được tổ chức. Ông sẽ tiếp đại diện các quỹ đầu tư, ngân hàng, tài chính lớn của Singapore và quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) ở Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận