Theo chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, thời điểm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Singapore đã "rất gần trong thời gian tới". Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa quốc hội hai nước được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các hợp tác thực chất hơn nữa trong những lĩnh vực tăng trưởng mới.
Tạo động lực đột phá cho đầu tư
Trong hai năm 2022 và 2023, nhân chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước, hai nước đã ký một loạt thỏa thuận trong các lĩnh vực hợp tác mới như kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon.
"Trong chuyến thăm này, lãnh đạo nghị viện hai nước sẽ tìm ra các biện pháp tháo gỡ về mặt pháp lý để giúp cho các hợp tác này thực chất hơn, đi vào hiệu quả hơn. Từ đó góp phần để các doanh nghiệp Singapore đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và có thể là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Singapore", Đại sứ Mai Phước Dũng nói với báo chí trước thềm chuyến thăm.
Các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Singapore ngày 2-12 đã cho thấy rõ điều này. Trong cuộc hội đàm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng, hai bên khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.
Với quan điểm đó, hai bên nhất trí tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đẩy mạnh việc giám sát các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, nhất là trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng sạch, an ninh mạng, đổi mới sáng tạo... cũng như các lĩnh vực chủ chốt khác của Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế.
Còn tại cuộc tiếp hai tập đoàn lớn của Singapore là UOB (tài chính) và Sembcorp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo Quốc hội Việt Nam vừa thông qua các dự án luật, sửa đổi các quy định về đất đai, kinh doanh bất động sản, đầu tư, tài chính, ngân sách.
Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các đạo luật, nhất là các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm cải cách
Phó giáo sư Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định niềm tin chiến lược giữa Việt Nam và Singapore ngày càng cao, do đó việc hai nước nâng cấp quan hệ sẽ mở ra những chương trình hợp tác rất lớn cho hai bên.
Đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ông Khương cho rằng hợp tác nghị viện là kênh thiết thực để hai bên trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ thống luật pháp và chính sách theo hướng khoa học hơn, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang chuẩn bị cho những cải cách mạnh mẽ để vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó có việc tinh gọn bộ máy công quyền.
Nói với TTXVN về vấn đề này, ông Khương cho rằng việc tinh gọn bộ máy trong thời gian tới phải bắt đầu từ vấn đề luật pháp.
Cũng theo ông Khương, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn rõ ràng sẽ tham khảo được nhiều kinh nghiệm luật pháp của Singapore để làm nền tảng xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú. Từ đó giúp xây dựng, thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực, kể cả cán bộ cấp cao đến các thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, luật pháp thể chế sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa hai nền kinh tế, đặc biệt khi Singapore rất cần Việt Nam ở vấn đề năng lượng xanh. Việt Nam cũng cần ở Singapore trong thu hút đầu tư nước ngoài và học hỏi nhiều mặt khác nhau như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm dữ liệu lớn cho trí tuệ nhân tạo. Singapore có rất nhiều kinh nghiệm trong chuyển dịch cơ cấu đất đai, nguồn lực, tài chính để phục vụ các ngành đem lại giá trị cao.
Có thể nói các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong ngày 2-12 đã truyền tải thông điệp của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế ngày càng thực chất với các đối tác như Singapore.
Lấy ví dụ Sembcorp hiện đang hợp tác với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) cho dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore. Thỏa thuận này được ký kết vào tháng 2-2023, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Dù có một số tiến triển nhưng việc xây dựng trên thực tế vẫn chưa bắt đầu vì chưa có khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi. Luật Điện lực (sửa đổi), vừa thông qua ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội và có các quy định liên quan điện gió ngoài khơi, sẽ là cơ sở để thúc đẩy dự án này sớm đi vào hoạt động.
Hội kiến Thủ tướng Singapore
Cũng trong ngày 2-12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong). Trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hơn nữa trụ cột kinh tế thông qua tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm xử lý những vấn đề mới trong phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước.
Thủ tướng Singapore cũng cho biết sẽ sớm thăm Việt Nam trong năm 2025 và trân trọng đề nghị Chủ tịch Quốc hội chuyển lời mời Tổng Bí thư Tô Lâm sớm thăm Singapore vào thời gian phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận