01/12/2015 10:30 GMT+7

Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh

NGUYỆT PHƯƠNG - HẢI YẾN - TTXVN
NGUYỆT PHƯƠNG - HẢI YẾN - TTXVN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết như vậy tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris, Pháp sáng 1-12.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị COP21 ngày 30-11 ở Paris - Ảnh: TTXVN

 

Nước phát triển cần đi đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu

Sáng 1-12 (giờ Việt Nam), tại Trung tâm hội nghị Bourget ở thủ đô Paris, Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Không chỉ khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các quốc gia phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. 

Phát biểu trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các quốc gia trên thế giới và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm của Việt Nam: "Chúng ta có mặt tại Hội nghị COP21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020.

Nội dung thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ...

Các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận". 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định cam kết từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu và nghị định thư Kyoto.

Thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020. 

Đối với giai đoạn sau năm 2020, Thủ tướng nêu rõ mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mình. 

Hội nghị Paris kêu gọi chống biến đổi khí hậu quyết liệt hơn

Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá mức hạn chế tăng nhiệt độ 2 độ C là không đủ với nhiều quốc gia ven biển và đảo quốc - Ảnh: Reuters

Đại diện các quốc gia dễ bị tổn thương nhất kêu gọi lãnh đạo các nước hành động quyết liệt để ngăn chặn thảm họa từ tình trạng nhiệt độ trái đất tăng.

Theo AFP, ở Paris các nhà đàm phán đại diện cho những nước ven biển và đảo quốc Thái Bình Dương yêu cầu cộng đồng quốc tế đặt mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thay vì mức 2 độ C như các nước giàu mong muốn.

Năm 2010, các nước đồng ý với mức hạn chế 2 độ C nhưng cũng cam kết xem xét mục tiêu 1,5 độ C. Tuần trước, Tổ chức Khí tượng quốc tế (WMO) thông báo nhiệt độ trái đất sẽ tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp ngay trong năm nay.

Kể cả với mức tăng 2 độ C thì mực nước biển vẫn sẽ dâng cao, đe dọa các đảo quốc Thái Bình Dương hay những nước có vùng châu thổ đông dân như Việt Nam, Bangladesh, Philippines… Trong khi đó, các nước vùng hạ Sahara đã phải hứng chịu những đợt hạn hán cực kỳ khắc nghiệt.

“Chúng tôi không chấp nhận trở thành vật hi sinh của cộng đồng quốc tế tại Paris” - Bộ trưởng Môi trường Bangladesh Anwar Hossain Manju tuyên bố sau cuộc họp của nhóm các quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng nhất, do Tổng thống Philippines Benigno Aquino chủ trì.

“Bất cứ thỏa thuận nào loại bỏ sự tồn tại của chúng tôi cũng đều là lằn ranh đỏ không thể xâm phạm” - ông Manju nhấn mạnh. Đại diện hơn 100 quốc gia có mặt tại Paris cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xem xét thực hiện mục tiêu 1,5 độ C.

“Chúng tôi hiểu rằng đối với các đảo quốc nhỏ thì mức hạn chế 2 độ C là hoàn toàn không đủ” - Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định trước gần 150 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia dự hội nghị COP21.

Trong tuyên bố được thông qua hôm qua, nhóm các nước bị biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng nhất đã kêu gọi hội nghị Liên Hiệp Quốc thông qua mục tiêu xây dựng nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn dựa vào năng lượng sạch vào năm 2050. Đây được đánh giá là kế hoạch khí hậu tham vọng nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên làm thế nào để chuyển đổi từ nền kinh tế đốt nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch vẫn là vấn đề khó khăn nhất, được thảo luận nhiều nhất tại Paris. Một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hay Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng họ không thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch rẻ tiền như than bởi vẫn đang phải nỗ lực phát triển kinh tế, chống đói nghèo.

Tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau ở Paris

Theo báo The Moscow Times, hôm qua Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị biến đổi khí hậu Paris.

Cuộc đối thoại kéo dài 30 phút, trong đó Tổng thống Obama cho biết lấy làm tiếc về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai nhà lãnh đạo thảo luận chi tiết về vấn đề Syria và thống nhất rằng đây chính là thời điểm thực hiện chuyển giao chính trị tại nước này.

Đại diện Nhà Trắng cho hay ông Obama tuyên bố với ông Putin rằng để hiện thực hóa tiến trình trên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần phải ra đi.

Bên cạnh vấn đề Syria, ông Putin và ông Obama cũng thảo luận cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Obama nói thẳng rằng phương Tây chỉ dỡ bỏ cấm vận đối với Nga sau khi thỏa thuận hòa bình Minsk mà Ukraine và quân nổi dậy miền đông ký kết được thực hiện đầy đủ.

Ông Putin và ông Obama gặp nhau bên lề hội nghị Paris - Ảnh: Reuters
NGUYỆT PHƯƠNG - HẢI YẾN - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên